Kỳ vọng ở điền kinh
Với 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam không chỉ lần đầu tiên qua mặt Thái Lan để bước lên vị trí số 1 ở đấu trường khu vực, mà mở ra hàng loạt triển vọng tranh chấp huy chương và kể cả HCV tại ASIAD 18 vào năm sau.
Những con số thống kê cho thấy, thành tích 6m68 của Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa nữ vừa đạt được còn vượt qua cả thành tích 6m55 của Maria Natalia Londa (Indonesia) từng giành HCV tại ASIAD 17 tại Hàn Quốc 4 năm trước.
Cũng so sánh với thành tích HCV ASIAD 4 năm trước, hàng loạt nhà vô địch SEA Games 29 của điền kinh Việt Nam cũng có thể tranh chấp như Nguyễn Thị Huyền 400m rào (56.06 giây HCV SEA Games so với 55.77 giây HCV ASIAD 17), Lê Tú Chinh 100m (11.56 - 11.48), 200m (23.32 - 23.02), đội tiếp sức 4x100m nữ (43.88- 42.83), đội tiếp sức nữ 4x400m (3:30.40 - 3.28.68).
Những hi vọng này, mở ra rất nhiều cơ hội tranh chấp huy chương cho điền kinh Việt Nam ở đấu trường châu lục nếu như các tuyển thủ tiếp tục nhận được sự đầu tư mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong 1 năm tới đây và chưa lúc nào TTVN có cơ hội giành được tấm HCV lịch sử môn điền kinh ở đấu trường ASIAD lớn như thời điểm này.
Chờ đợi Pencak Silat
Sự xuất hiện của Pencak Silat trong chương trình thi đấu tại ASIAD 18 cũng hứa hẹn mang đến ít nhiều cơ hội tranh chấp HCV cho đoàn TTVN trên đất Indonesia vào năm sau. Đội tuyển Pencak Silat giành được 3 HCV ở các nội dung đối kháng và tiếp tục khẳng định vị thế là một trong 2 quốc gia dẫn đầu khu vực ở môn thể thao này.
Sau nhiều năm phát triển, giờ đây, ĐTQG Pencak Silat đã có nguồn nhân lực khá dồi dào, trình độ các võ sỹ ngày một nâng cao, điều này thể hiện qua số lượng huy chương và vị thế của Pencak Silat ở đấu trường khu vực, châu lục, thế giới và thắp lên hi vọng giành HCV ngay ở kỳ đại hội thể thao châu lục mà lần đầu tiên môn võ này có mặt trong chương trình thi đấu.
So với nhiều môn võ thuật được chấm điểm thi đấu bằng quan sát trực tiếp và cảm tính của các trọng tài, rõ ràng, việc giành HCV Pencak Silat tại ASIAD 18 tương đối khả thi với các võ sỹ Việt Nam. Bởi đây là môn thế mạnh của của TTVN nhiều năm qua và đã khẳng định được trình độ chuyên môn ở nhiều giải đấu quốc tế lớn.
Thách thức cho bơi và cử tạ
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng là một trong số hi vọng của TTVN trên đấu trường ASIAD sau khi từng giành tấm HCB ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp 4 năm trước đây. Tuy nhiên, sẽ là thách thức rất lớn cho kình ngư số 1 Việt Nam nếu như muốn đổi màu tấm huy chương này.
Thành tích cao nhất của Ánh Viên chính là kỷ lục ở giải vô địch châu Á năm ngoái 4 phút 37 giây 71 và dù con số này thực sự hứa hẹn song chưa có gì đảm bảo để Ánh Viên có thể biến giấc mơ vàng ASIAD thành hiện thực nếu nó không được rút ngắn thêm.
Thạch Kim Tuấn cũng là một trường hợp tương tự như Ánh Viên dù đã có được tấm HCV SEA Games 29 một cách khá dễ dàng (tổng cử 269kg).
Lực sỹ 23 tuổi người TPHCM luôn có mặt trong tốp 5 lực sỹ hàng đầu thế giới ở hạng 56kg nhưng những chấn thương dai dẳng và tâm lý thi đấu phập phù là nguyên nhân khiến Thạch Kim Tuấn không thể đáp lại kỳ vọng của giới chuyên môn vào thời điểm cần anh tỏa sáng.
Và trong năm 2018, nếu không nâng được thành tích tổng cử lên mức 300kg, thậm chí Thạch Kim Tuấn đứng trước nguy cơ trắng tay tại ASIAD 18.