Tình trạng thiết quân luật vẫn cần được sự thông qua của Quốc hội Ukraine. Và nếu được thông qua, sẽ có hiệu lực từ 26/11/2018 đến 26/1/2019.
Tuy nhiên, Tổng Tư lệnh Ukraine đã được giao nhiệm vụ bắt đầu huy động quân đội, theo các phương tiện truyền thông Ukraine.
Quân đội Ukraine đã được đưa vào tình trạng cảnh báo chiến đấu toàn diện trước khi tình trạng thiết quân luật được ban bố. Quốc hội Ukraine dự kiến sẽ bỏ phiếu vào cuối ngày thứ Hai.
Việc áp dụng tình trạng thiết quân luật được coi là một động thái có lợi cho Tổng thống Poroshenko. Tỷ lệ ủng hộ của ông Poroshenko đang sụt giảm khi ông đang nỗ lực cho chiến dịch tái tranh cử vào tháng 3 năm sau.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử sẽ bị hủy bỏ nếu tình trạng thiết quân luật vẫn có hiệu lực vào thời điểm đó. Điều này có nghĩa là ông Poroshenko sẽ tiếp tục giữ vị trí Tổng thống bất chấp việc các biện pháp kinh tế và các vụ bê bối tham nhũng đang làm giảm uy tín nội các của ông.
Nghị định mà ông Poroshenko sẽ đưa ra trước Quốc hội, đề cập rằng, quyền bầu cử của người dân có thể bị đình chỉ, có nghĩa là chính phủ có thể hoãn bất kỳ cuộc bầu cử nào.
Lãnh đạo Ukraine dường như tìm cách "ghi điểm chính trị" trước cuộc bầu cử Tổng thống tháng 3 năm sau, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc. Phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cũng đã mô tả quyết định áp đặt thiết quân luật là "một mưu đồ bầu cử".
Động thái này xuất hiện sau khi một cuộc đối đầu giữa một nhóm các tàu Hải quân Ukraine với các tàu bảo vệ biên giới Nga xảy ra do cáo buộc tự ý tiến vào lãnh hải của Nga mà không báo trước.
Trong khi Kiev nói rằng nước này đã thông báo cho phía Nga về việc các tàu của mình đi qua khu vực này trước đó, Moscow phủ nhận điều này. Moscow sau đó cáo buộc Kiev dàn dựng một sự khiêu khích theo kế hoạch nhằm khuấy động cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng và biện minh cho việc áp dụng thiết quân luật.
Vào thời điểm diễn ra sự cố, 3 tàu Ukraine đang di chuyển từ Odessa ở Biển Đen đến Mariupol ở Biển Azoz. Tuyến hải trình duy nhất nối các cảng này là xuyên qua eo biển Kerch giữa Crimea và Nga.
Mặc dù cả Nga và Ukraine đều có quyền tự do hàng hải ở eo biển Kerch theo một hiệp ước năm 2003, mọi tàu đi qua đều phải liên hệ với cảng Kerch của Crimea.