Ảnh: EPA.
Trước khi rời Nhà Trắng, ông Trump tìm cách gây khó cho người kế nhiệm
Ngày 27/11/2020,nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran M. Fakhrizadeh bị sát hại ở ngoại ô Thủ đô Tehran. Chưa thể khẳng định ai là thủ phạm, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ của Tổng thống D. Trump và Israel đứng sau vụ ám sát này. Dư luận xã hội, chính giới, thậm chí cả Mỹ, các nhà phân tích chính trị đều cho đây là hành động có tính toán của Mỹ và Israel.
Cuộc bầu cử ở Mỹ đang bước vào giai đoạn chót, ứng cử viên đảng Dân chủ J. Biden giành được chiến thắng và Tổng thống D. Trump chắc sẽ phải rời Nhà Trắng và chuyển giao chính quyền cho ông J. Biden vào ngày 20/1/2021.
Trong bối cảnh như vậy, việc sát hại ông M. Fakhrizadeh cùng với việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới chống Iran, mục tiêu chính là tăng cường gây sức ép tối đa lên Iran và tìm cách để lại một Trung Đông hỗn loạn, một di sản khó khăn cho người kế nhiệm J. Biden trong việc nối lại các cuộc đàm phán với Tehran và khôi phục lại sự tham gia của Mỹ vào Thoả thuận hạt nhân (JCPOA) năm 2015. Các biện pháp trừng phạt, ám sát và đe doạ tấn công Iran không nằm ngoài các cố gắng này của chính quyền D. Trump và B. Netanyahu.
Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh không ảnh hưởng đến quan điểm của Tổng thống đắc cử Joe Biden trong việc giải quyết các vấn đề trong quan hệ với Iran.
Trong chiến dịch tranh cử và sau khi giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11/2020, ông J. Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ trở lại Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân Iran mà Tổng thống Donald Trump đã rút năm 2018.
Tuy nhiên, ông J. Biden thừa nhận Tổng thống D, Trump tìm mọi cách để lại một di sản hết sức khó khăn trong chính sách đối ngoại, nhưng ông khẳng định quyết tâm thực hiện các cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, có cách tiếp cận mới trong quan hệ với Trung Quốc, Nga và Iran.
Chính sách Iran của Tổng thống D. Trump thất bại
Năm 2018, Tổng thống D. Trump rút khỏi Thoả thuận hạt nhân và thực hiện chiến lược "gây sức ép tối đa", áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hết sức khắc nghiệt chống Iran không những không buộc được Tehran nhân nhượng mà còn làm cho họ trở nên cứng rắn hơn.
So với khi ông D. Trump lên cầm quyền năm 2016, Iran ngày càng tiến gần hơn đến việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Mới đây nhất, ngày 1/12/2020, Quốc hội Iran với 232/246 phiếu thuận đã thông qua dự luật "Các hành động chiến lược về huỷ bỏ các lệnh trừng phạt" bao gồm các biện pháp hết sức cứng rắn, trong đó có việc tăng tỷ lệ làm giàu Uranium lên 20%, tăng khối lượng sản xuất và tích trữ Uranium làm giàu ở cấp thấp lên 500 kg/tháng, khôi phục lò phản ứng nước nặng Arak, đồng thời yêu cầu trục xuất các thanh sát viên hạt nhân quốc tế và đe doạ sẽ rút khỏi thoả thuận hạt nhân JCPOA nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ không được dỡ bỏ trước tháng 2/2021. Để làm giàu Uranium cấp độ cao, Iran dự kiến sẽ triển khai hàng nghìn máy ly tâm thế hệ mới nhất IR-2M tại cơ sở hạt nhân Natanz và IR-6 tại Fordow trong vòng ba tháng. Đây là những điều kiện để Iran có thể chuyển sang sản xuất vũ khí hạt nhân.
Chính sách "gây sức ép tối đa" của D. Trump cũng đã đánh vào chính lợi ích của Mỹ trong khu vực. Nếu 5 năm trước, Mỹ hợp tác với châu Âu, Trung Quốc và Nga trong vấn đề hạt nhân Iran thì Washington sẽ đâu đến nỗi rơi vào tình cảnh đơn độc như hiện nay.
Thoả thuận JCPOA là biện pháp duy nhất để đảm bảo Iran sử dụng chương trình hạt nhân vào mục đích hoà bình
Thoả thuận hạt nhân ký giữa Iran với các nước P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Liên minh châu Âu (EU) là một sự đảm bảo chắc chắn chương trình hạt nhân Iran chỉ phục vụ các mục đích hoà bình. Thoả thuận này quy định rất chặt chẽ: trong vòng 15 năm Iran không được làm giàu Uranium quá tỷ lệ 3,67% và không được sử dụng quá 300 kg Uranium làm giàu ở cấp thấp, giảm số lượng máy ly tâm từ 19 nghìn xuống 6,1 nghìn chiếc, cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran.
Trước khi Mỹ rút khỏi thoả thuận JCPOA, Iran thực hiện nghiêm túc thoả thuận. IAEA, cơ quan giám sát việc thực hiện thoả thuận và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhiều lần xác nhận Iran tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình được cam kết trong JCPOA. Chương trình hạt nhân của Iran chịu sự giám sát chặt chẽ chưa từng có. Hơn 3 nghìn lượt thanh sát mỗi năm đã được thực hiện. Hàng nghìn máy Camera giám sát đã được lắp đặt tại tất cả các cơ sở hạt nhân Iran.
Ông J. Biden có thể cứu được thoả thuận hạt nhân JCPOA?
Mỹ không những là nước đầu tiên vi phạm thoả thuận, rút khỏi thoả thuận JCPOA mà còn tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran khắc nghiệt hơn nhiều so với thời kỳ trước 2015 và tiến hành ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran. Các nước châu Âu muốn duy trì thoả thuận và kêu gọi Iran tôn trọng cam kết, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong tình hình như vậy, Iran không thể đơn phương thực hiện thoả thuận, buộc phải giảm bớt cam kết của mình.
Đây là lần thứ 5 Iran cắt giảm cam kết của mình và là bước đáp trả mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Tehran. Thoả thuận hạt nhân JCPOA một lần nữa lại đứng trước nguy cơ đổ vỡ và đây có thể là cơ hội cuối cùng để chính quyền mới của Mỹ và châu Âu có các biện pháp cứu vãn thoả thuận này.
Nếu trước tháng 2/2021, chính quyền mới của ông J. Biden không thực hiện cam kết của mình trở lại thoả thuận JCPOA, dỡ bỏ hoặc chí ít cũng có các biện pháo nới lỏng cấm vận Iran thì không loại trừ khả năng Tehran sẽ tuyên bố rút khỏi thoả thuận. Đã 5 năm trôi qua kể từ khi thoả thuận hạt nhân được ký kết, Iran vẫn bị cấm vận khắc nghiệt. Iran hoàn toàn không có lợi ích gì nếu tiếp tục ở lại thoả thuận này trong tình trạng như hiện nay.
Trước nguy cơ thoả thuận hạt nhân Iran đổ vỡ, Uỷ ban chung về chương trình hạt nhân Iran gồm các nước ký kết còn lại Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran sẽ họp tại Vienna ngày 16/12/2020 tới để bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, cứu vãn thoả thuận này.
Cuộc họp dự kiến sẽ thuyết phục Tehran kiềm chế, không làm bất cứ điều gì căng thẳng trước thời điểm chuyển giao chính quyền tại Mỹ, đồng thời cũng sẽ khuyến cáo Tổng thống đắc cử J. Biden khẳng định cam kết trở lại thoả thuận hạt nhân và có cách tiếp mới trong quan hệ với Iran.
Ngày 3/12/2020 vừa qua, trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNN, ông J. Biden nói: "Chúng ta không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng, chúng ta không thể một mình làm được điều đó, mà phải trở lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân Iran. Việc tuân thủ thỏa thuận JCPOA là nhân tố quan trọng để duy trì sự ổn định ở Trung Đông". Ông cũng cho rằng, đối thoại với Tehran không chỉ cải thiện quan hệ với Iran, mà còn có thể trở thành chìa khoá để khôi phục lại các mối quan hệ với các đồng minh châu Âu.
Các nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới của Mỹ để duy trì thoả thuận hạt nhân Iran. Về phần mình, đến nay chính phủ Iran vẫn chưa thực hiện dự luật của Quốc hội về giảm cam kết trong JCPOA. Tehran phản ứng tích cực trước những tuyên bố của J. Biden. Tổng thống Iran H. Rouhani nói, nếu ông J. Biden giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử và sửa chữa những sai lầm mà chính quyền D. Trump đã thực hiện trong bốn năm qua, điều đó sẽ giải quyết được các vấn đề giữa Iran và Mỹ.
Đây là những tín hiệu tích cực của các bên. Mặc dù hết sức khó khăn, nhưng với cố gắng và thiện chí của các bên liên quan, thoả thuận hạt nhân Iran vẫn hy vọng có thể tiếp tục được duy trì.
Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng để vực dậy đường lối của cựu Tổng thống Obama. Ông Donald Trump đã tạo ra những thay đổi quá lớn trong chính trường Mỹ. Tổng thống đắc cử J. Biden đang tìm cách định hình lại chính sách của Mỹ ở Trung Đông, trong đó có quan hệ với Iran. Để làm được việc này ông J. Biden phải vượt qua rất nhiều rào cản ông D. Trump đã dựng lên Trước khi rời Nhà Trắng.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt