Mật danh đặc biệt của chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố IS
Kẻ sáng lập và đồng thời cũng là trùm lãnh đạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Abu Bakr al-Baghdadi, đã bị giết trong một "cuộc đột kích ban đêm đầy nguy hiểm và táo bạo" do lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành tại Syria vào cuối tuần qua.
Tổng thống Donald Trump gọi đây là một cuộc đột kích "hoàn hảo" khi ông ca ngợi lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ trong bài phát biểu hôm 27/10 tại Nhà Trắng.
Khi các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới đưa tin về sự kiện và phát sóng cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ vào sáng Chủ nhật, nhiều chi tiết thú vị về cuộc đột kích đã bắt đầu lộ diện.
Tính tới thời điểm này, Quân đội Mỹ vẫn đang giữ kín các chi tiết về vụ đột kích nhưng giới quan sát vẫn có thể rút ra được một số thông tin dựa trên cả nhận xét của Tổng thống Trump và các bản tin truyền thông khác.
Trên chương trình tin tức "Gặp gỡ báo chí" của kênh truyền hình NBC, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien cho biết, tên gọi của chiến dịch đột kích đã được lấy cảm hứng từ Kayla Mueller, một nhân viên cứu trợ Mỹ bị bắt giữ làm con tin và bị IS sát hại vào năm 2015.
Robert O'Brien nói rằng, "Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (CJCS), tướng Lục quân Mark A. Milley, đã đặt tên cho chiến dịch trừ khử al-Baghdadi theo tên của Kayla Mueller để ghi nhớ những gì cô ấy phải chịu đứng và đó là điều mà mọi người nên biết".
Trùm khủng bố Abu-Bakr al-Baghdadi. Ảnh: Wikipedia
Đơn vị đặc nhiệm nào lãnh sứ mệnh lịch sử?
Do cả tướng Mark A. Milley và Thiếu tướng Marcus S. Evans, Phó Giám đốc phụ trách các chiến dịch đặc biệt và chống khủng bố của CJCS đều có mặt trong buổi theo dõi trực tiếp cuộc đột kích tại Phòng Tình Huống ở Nhà Trắng nên việc cho rằng cuộc đột kích được thực hiện bởi các lính đặc nhiệm Lục quân Mỹ là điều hoàn toàn hợp lý.
Điều này trái ngược với Chiến dịch Ngọn giáo thần Biển - cuộc đột kích bắt giữ Osama bin Laden vào năm 2011, được thực hiện chủ yếu bởi các thành viên của đặc nhiệm Hải quân Mỹ.
Một số cơ quan truyền thông, gồm cả CNN đều cho rằng cuộc đột kích được thực hiện bởi các thành viên của Đơn vị các Chiến dịch Đặt biệt Lục quân Mỹ (SFOD-D).
Đơn vị này thường được giới truyền thông biết tới với tên gọi "Delta Force"mặc dù tên này không được Lục quân Mỹ và các thành viên thuộc cộng đồng đặc nhiệm thừa nhận chính thức. Điều đó cho thấy tên gọi này có thể đã thay đổi cách đây vài năm.
Một chuyên phân tích của CNN thì cho rằng chính Trung đoàn Hàng không Đặc biệt Số 160 của Lục quân Mỹ (SOAR Số 160), với mệnh danh là "Những kẻ theo dõi ban đêm" đã điều khiển 8 máy bay trực thăng đưa nhóm đặc nhiệm đến khu vực mục tiêu gần Barisha ở Tây Bắc Syria.
Rất có thể 3 đơn vị đặc nhiệm hàng không khác nhau, hoặc cả ba cùng được phối hợp tham gia cuộc đột kích. Trực thăng đa nhiệm MV-22 Osprey, được vận hành bởi lực lượng đặc nhiệm Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ; MH-60 Blackhawk và MH-47 Chinook, cả hai đều do Trung đoàn Hàng không Đặc biệt Số 160 điều hành.
Con số 8 máy bay tham gia vào cuộc đột kích cho thấy số lượng lính đặc nhiệm tham gia sứ mệnh trên mặt đất có thể từ 60 - 80 thành viên, gồm cả những chú chó quân sự được huấn luyện đặc biệt.
Một chú chó nghiệp vụ được cho là đã bị thương trong chiến dịch đột kích khi Abu Bakr al-Baghdadi rút lui vào một đường hầm dưới lòng đất và sau đó kích nổ "đai lưng tự sát" cùng"ba đứa trẻ". Chú chó sau đó đã được sơ tán.
Khu vực và địa điểm được cho là đã diễn ra cuộc tập kích ngày 27/10. Ảnh: DailyMail
Tổng thống Donald Trump cho biết, trong kế hoạch tấn công, thông tinh tình báo thực hoặc gần sát thời gian thực tế đã được sử dụng ở mức độ cao và rằng "chúng tôi biết hắn ta (al-Baghdadi) đã ở đây", chúng tôi biết về nơi trú ẩn của hắn, chúng tôi biết nó có đường hầm".
Những nhận xét này của ông Trump cho thấy khu vực mục tiêu đã được theo dõi sát sao từ trước khi cuộc đột kích diễn ra vào cuối tuần vừa qua. Phát biểu của tổng thống Mỹ cũng cho thấy lực lượng tình báo tham gia chiến dịch có thể bao gồm cả các điệp viên (HUMINT) và hệ thống giám sát trên không, có thể là máy bay điều khiển từ xa.
Tổng thống Mỹ cũng ca ngợi hoạt động giám sát cuộc đột kích khi nói rằng ông có thể nhìn thấy rất rõ mọi hoạt động đang diễn ra: "Rất rõ ràng. Rất hoàn hảo. Cứ như thể bạn đang xem một bộ phim vậy."
Những nhận xét này của ông Trump, mặc dù là người chưa từng phục vụ trong quân đội nhưng lại có nhiều kinh nghiệm về truyền thông, cho thấy một số máy ảnh có thể đã được các đặc nhiệm Mỹ mang theo trên mặt đất khi cuộc đột kích diễn ra.
Những phương tiện đó đã cung cấp cho những người ngồi trong phòng Tình Huống ở Nhà Trắng thông tin tình hình ở một cấp độ cao hơn những gì từng thấy trong cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden ở Pakistan năm 2011.
Nhà Trắng cũng đã công bố một bức hình cho thấy Tổng thống Trump đang theo dõi sự kiện cùng với Phó Tổng thống Mike Pence, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, Bộ trưởng QP Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark A. Milley và tướng Marcus Evans, Phó Giám đốc các Chiến dịch Đặc biệt của CJCS.
Tổng thống Trump và các cố vấn cấp cao theo dõi cuộc đột kích tại Phòng Tình Huống ở Nhà Trắng. Ảnh: AP
Tuy nhiên, một số phóng viên cho rằng đó chỉ là hình ảnh được chuẩn bị trước để cung cấp cho truyền thông từ trước khi chiến dịch đột kích diễn ra.
Ông Trump cũng đã ca ngợi sự hợp tác của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và lực lượng người Kurd ở Syria đã góp phần giúp cuộc đột kích thành công.
Cuối cùng, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng lực lượng đột kích đã tiếp cận mục tiêu "dưới làn đạn" đáp trả và phải lưu lại khu vực "2 giờ" để thu thập thêm các tài liệu tình báo giúp có được thông tin chi tiết hơn về hoạt động của IS.
Nhiều chi tiết về cuộc đột kích có thể sẽ được tiết lộ dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu thông tin tình báo thu thập được trong cuộc đột kích này giúp Mỹ và đồng minh trong khu vực tiếp cận được các mục tiêu tiềm năng khác thì chi tiết về cuộc đột kích hôm 27/10 sẽ vẫn nằm trong vòng bí mật.
Truyền hình Iraq phát sóng đoạn băng ghi lại hiện trường trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi bị tập kích ở Syria