Giá dầu thế giới đã tăng vọt vào thứ Năm (2/4), sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Saudi Arabia và Nga sẽ giảm bớt áp lực đối với dầu mỏ, qua đó chấm dứt một cuộc chiến về giá đã góp phần làm cho giá dầu thô giảm mạnh.
"Vừa nói chuyện với người bạn MBS (thái tử Mohammad bin Salman) của Saudi Arabia - người đã trao đổi với tổng thống Nga [Vladimir] Putin, tôi dự kiến và mong muốn rằng họ sẽ cắt giảm [sản lượng dầu] xấp xỉ 10 triệu thùng, có thể là hơn nữa. Nếu điều đó diễn ra thì sẽ TUYỆT VỜI đối với ngành công nghiệp dầu khí!" - ông Trump thông báo trên Twitter vào chiều ngày 2/4 (giờ miền Đông).
"... [Nga và Saudi] có thể [cắt giảm sản lượng dầu] lên đến 15 triệu thùng. Tin tốt cho tất cả mọi người!"
(Ảnh: White House/D Myles Cullen))
Trước đó cùng ngày, Moskva cho biết Nga chưa khởi động đối thoại năng lượng với Saudi và không có cuộc trao đổi nào giữa lãnh đạo hai nước có kế hoạch diễn ra trong ngày hôm nay, 3/4.
Riyadh đã kêu gọi tổ chức họp khẩn giữa Nga và một số nước sản xuất dầu liên minh với OPEC, còn gọi là OPEC+, nhằm thảo luận giải pháp ổn định thị trường dầu mỏ.
Hãng thông tấn nhà nước Saudi SPA báo cáo về cuộc điện đàm giữa ông Trump và thái tử MBS ngày mùng 2, cho hay "Lời mời được đưa ra trong khuôn khổ những nỗ lực không ngừng của vương quốc [Saudi] nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu trong hoàn cảnh đặc biệt này, và trong sự đánh giá cao đề nghị của tổng thống Mỹ cùng những người bạn Mỹ".
Tuy nhiên, khẳng định của ông Trump về một "cuộc trao đổi" giữa thái tử Saudi với tổng thống Putin liên quan đến vấn đề dầu mỏ đã nhanh chóng bị điện Kremlin bác bỏ vào tối 2/4 (giờ Moskva), chỉ ít phút sau khi ông Trump phát đi thông điệp trên Twitter.
Không. Không có cuộc trao đổi nào như vậy cả.
Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga
Dòng tweet của ông chủ Nhà Trắng về khả năng cắt giảm sản lượng khai thác của Nga và Saudi đã khiến thị trường phố Wall khởi sắc nhờ thông tin tích cực về giá dầu, bất chấp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng kỷ lục.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa cao hơn 469,93 điểm, tương đương 2,2%, ở mức 21.413,44 điểm. S&P 500 tăng 2,3% lên 2.526,90 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite tăng 1,7% lên 7.487,31 điểm.
Ở mức cao trong phiên, chỉ số Dow đã tăng 534 điểm, tương đương hơn 2% nhưng có lúc lại mất hơn 200 điểm.
Cả dầu Brent và WTI đều tăng. Giá dầu thô WTI đã tăng 24.4%, tương đương giao dịch ở mức 25.30 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế cũng tăng 22% (khoảng 5.46 USD), lên mức 30.21 USD/thùng.
Bình luận về tình hình giá dầu ngày 2/4, bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak nói hiện nay các nước không cần phải tăng cường sản xuất dầu.
Theo ông Novak, chỉ có sự tăng trưởng trong nhu cầu dầu mỏ mới có thể thay đổi tình trạng thị trường, và việc cắt giảm sản lượng không thể bù đắp lại nhu cầu suy giảm do đại dịch COVID-19 gây ra.
Thị trường năng lượng toàn cầu đang diễn biến phức tạp, với giá dầu mỏ lao dốc kỷ lục khi OPEC+ không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi tháng trước, song song với tác động kinh tế của dịch bệnh.