CNN đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ 2 (22/10) vừa qua bên ngoài Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân cho đến khi các quốc gia khác "tỉnh ngộ".
"Mỹ sẽ tiếp tục phát triển [kho vũ khí hạt nhân] cho đến khi các nước khác hoàn toàn tỉnh ngộ.
Một khi họ suy nghĩ tỉnh táo và khôn ngoan, Mỹ sẽ ngừng [phát triển kho vũ khí hạt nhân]. Và không chỉ dừng lại, chúng tôi thậm chí còn cam kết giảm thiểu số lượng vũ khí. Tôi rất sẵn lòng làm vậy", ông Trump cho biết.
Phát biểu trên của ông Trump được đưa ra gần như ngay sau khi ông công bố quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), một thỏa thuận kiềm chế hạt nhân có từ thời Chiến tranh lạnh.
Lí giải cho quyết định của mình, ông Trump đã cáo buộc Nga không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận này trong nhiều năm nay.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng quyết định của Tổng thống Mỹ sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, trong giới quan sát Mỹ, một số nhân vật có tiếng như Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Corker, lại bày tỏ sự đồng tình với quyết định của ông Trump, và cho rằng tuyên bố của Tổng thống có thể góp phần thúc đẩy Nga thực hiện đúng cam kết của mình trong các thỏa thuận.
Trả lời các phóng viên có mặt tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết đó là lời đe dọa của Mỹ tới các quốc gia khác, "bao gồm cả Trung Quốc, Nga, và tất cả các nước muốn [chạy đua vũ trang] với Mỹ".
Ông còn nhấn mạnh rằng Mỹ có "nhiều tiền hơn bất cứ nước nào", ngầm ám chỉ rằng việc chạy đua vũ trang sẽ không thành vấn đề đối với Mỹ. "Họ không thể chơi trò đó với tôi", ông nói.
Ngoài ra, ông Trump còn lưu ý rằng Trung Quốc chưa từng tham gia kí kết các thỏa thuận kiềm chế vũ khí hạt nhân tương tự, và cho biết việc Bắc Kinh tham gia các thỏa thuận chung điều cần thiết.
Tuy nhiên, vị Tổng thống Mỹ không nêu rõ hơn về kế hoạch sắp tới của chính quyền ông nhằm đạt được điều này, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang "căng như dây đàn" vì cuộc chiến thương mại và các mâu thuẫn quân sự giữa hai nước trên Biển Đông.
Phía Nga đã bác bỏ cáo buộc của ông Trump về việc vi phạm các điều khoản trong hiệp ước INF. Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev - người từng kí kết thỏa thuận này với cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hồi năm 1987 - đã kịch liệt chỉ trích quyết định của Mỹ là "cực kì vô trách nhiệm và thiển cận".
Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục phát triển hạt nhân cho đến khi các quốc gia khác "tỉnh ngộ"
Nga sẽ đáp trả tương xứng?
Hiệp ước INF được kí kết giữa Mỹ và Liên Xô năm 1987, với mục đích loại bỏ các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Tuy nhiên, theo RT, thỏa thuận INF không ảnh hưởng tới các loại tên lửa phóng từ trên biển và máy bay - lĩnh vực Mỹ có lợi thế chiến lược hơn Liên Xô vào thời điểm đó. Bởi vậy, INF được coi là một cử chỉ thiện chí của Liên Xô đối với Mỹ.
Ngoài ra, một vấn đề lớn khác của INF là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như đồng minh Anh, Pháp của Mỹ, hay Trung Quốc, không tham gia hiệp ước này.
Trước đây, Nga từng cam kết sẽ tuân thủ chặt chẽ các điều khoản của INF, với điều kiện Mỹ cũng phải hành động tương tự.
Tổng thống Putin đã tuyên bố đanh thép rằng "Nga sẽ đáp trả tương xứng và tức thì" nếu Mỹ đơn phương rút khỏi INF như kịch bản năm xưa với thỏa thuận ABM.
Hai nước Nga-Mỹ từng nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản của INF.
Cụ thể, phía Washington cho rằng Moskva đã bí mật phát triển các loại tên lửa tầm trung, đặc biệt dành cho hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M được triển khai ở biên giới phía Tây nước Nga. Phía Moskva thì chỉ trích việc Washington lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, có khả năng đánh chặn các tên lửa phóng từ ngoài khơi, tại châu Âu.