TT Trump chơi chiêu "giương Đông kích Tây": Lấy Nga làm bình phong để rảnh tay đối phó một đại cường quân sự đang lên

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

"Lên án Nga không tôn trọng INF chỉ là cái cớ", Tướng Dominique Trinquand, chuyên gia chiến lược quân sự của Pháp cho rằng, đối thủ của Mỹ không phải Nga.

Ngày 18/8/2019, Lầu Năm Góc tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa tầm trung trên đảo San Nicholas ngoài khơi bang California. Tên lửa thử nghiệm là phiên bản của Tomahawk được nâng cấp được phóng đi từ bệ phóng di động Mark-41 trên mặt đất đã bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn 500 km trên biển Thái Bình Dương.

Đây là vụ thử đầu tiên của Mỹ kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (INF) ngày 2/8/2019.

Loại tên lửa này đã bị Hiệp ước INF trước đây nghiêm cấm. Hiệp ước INF ký giữa Liên Xô và Mỹ năm 1987 quy định tất cả các tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km đều bị cấm. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết Mỹ sẽ tăng tốc phát triển tên lửa đất đối không mới và cho biết từ năm 2017, Washington đã bắt đầu nghiên cứu về các hệ thống tên lửa này.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF là nằm trong chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi một loạt các cam kết quốc tế. Sau khi bước vào Nhà Trắng đầu năm 2017, Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris (COP-21), Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổ chức văn hoá, giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), Thỏa thuận hạt nhân Iran(JCPOA) và Hội đồng nhân quyền. Ông Trump cũng đe dọa sẽ rút khỏi Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Phản ứng của quốc tế

Cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình của Washington được tiến hành ngay sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF đã dấy lên mối lo ngại to lớn của cộng đồng quốc tế về khả năng quay trở lại cuộc chạy đua vũ trang, đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.

Nga cho rằng, hành động này đã được Mỹ lên kế hoạch từ trước vì những vụ thử như vậy không thể nào thực hiện ngay được mà phải có một thời gian dài để chuẩn bị. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng, Washington đã dự trù ngân sách cho việc chế tạo tên lửa tầm trung và tầm ngắn một năm trước khi rời Hiệp ước INF. Điều này cho thấy, rõ ràng Washington có ý định phá hoại Hiệp ước INF từ lâu trước khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước này.

TT Trump chơi chiêu giương Đông kích Tây: Lấy Nga làm bình phong để rảnh tay đối phó một đại cường quân sự đang lên - Ảnh 1.

Trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của Nga phân tích mức độ đe dọa và chuẩn bị các biện pháp nhằm đáp lại một cách tương xứng vụ thử nghiệm tên lửa mới của Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: "Vụ thử tên lửa đã khẳng định rõ mục tiêu thực sự của Mỹ rút khỏi Hiệp ước là nhằm thoát khỏi mọi hạn chế để phát triển các loại tên lửa tiên tiến và tham vọng đạt được ưu thế về quân sự, châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc tế."

Ngày 22/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn để bàn về kế hoạch triển khai và phát triển tên lửa tầm trung của Mỹ. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về việc chấm dứt Hiệp ước INF sau khi Mỹ rút, đồng thời kêu gọi Mỹ và Nga giải quyết các bất đồng thông qua các cơ chế tham vấn theo quy định của Hiệp ước.

Ngoại trưởng Áo Alexander Schalenberg cảnh báo về nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ và Nga sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước INF và nói rằng, việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước này ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc tế và đe dọa Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Ông cũng kêu gọi ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi lên án hành động gây mất ổn định của Mỹ trong các vụ thử tên lửa gần đây và rút khỏi các hiệp ước được quốc tế công nhận.

Phát ngôn viên của Triều Tiên nói, cuộc thử nghiệm của Mỹ, kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu F-35 cùng các thiết bị quân sự tấn công quanh bán đảo Triều Tiên là những động thái nguy hiểm sẽ gây ra một cuộc chiến tranh lạnh mới ở khu vực.

Mục đích chính của vụ Mỹ thử tên lửa là nhằm vào Trung Quốc

Washington chính thức nêu hai lý do của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF là Nga chế tạo tên lửa mới 9M729, vi phạm Hiệp ước và Trung Quốc đứng ngoài được tự do phát triển các loại tên lửa và đang bành trướng sức mạnh của mình trên thế giới thì tại sao Mỹ lại phải tự trói tay.

Trả lời câu hỏi của Fox News, liệu vụ thử tên lửa có mang thông điệp gửi tới Nga, Trung Quốc, Triều Tiên hay không? Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói: "Mục tiêu chính của chúng tôi là Trung Quốc".

Lầu Năm góc cho rằng Hiệp ước INF ngăn cấm các cường quốc hạt nhân sở hữu các tên lửa tầm ngắn và tầm trung đã hạn chế khả năng của Mỹ và Nga tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân. Trong khi đó, Trung Quốc không phải là một bên ký kết đã tự do phát triển kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình mà không chịu bất cứ sự ràng buộc nào.

Mới đây, Trung Quốc đã công bố vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26. Tầm bắn của tên lửa này lên tới 5,7 nghìn km, tức là có thể bắn tới đảo Guam, căn cứ chiến lược lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương. Theo các nguồn tin quân sự, hiện Trung Quốc có 58 căn cứ tên lửa đặt trên đất liền và trong tương lai họ có thể triển khai các tên lửa này ở một số đảo đá thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - thuộc chủ quyền Việt Nam - bị họ chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

TT Trump chơi chiêu giương Đông kích Tây: Lấy Nga làm bình phong để rảnh tay đối phó một đại cường quân sự đang lên - Ảnh 2.

Tạp chí National Interest viết, việc Trung Quốc thử nghiệm tên lửa DF-26 là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hải quân Mỹ, kể cả các tàu sân bay của Mỹ hoạt động ở khu vực.

Trang mạng Business Insider của Mỹ cho biết, nếu xảy ra chiến tranh, ngay trong những phút đầu tiên Trung Quốc có thể phóng một loạt tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, đảo Guam và có thể cả Australia nữa.

Theo tướng Dominique Trinquand, chuyên gia chiến lược quân sự của Pháp cũng cho rằng, đối thủ của Mỹ không phải Nga mà chính là Trung Quốc. Ông nói: "Lên án Nga không tôn trọng INF chỉ là cái cớ. Tổng thống Trump muốn rảnh tay để đối phó với Trung Quốc, một đại cường quốc quân sự đang lên."

Từ khi trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Trump thường xuyên đưa ra các tuyên bố mâu thuẫn nhau nhưng khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" không bao giờ thay đổi. Nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ không được coi trọng nhưng trong danh sách đối thủ của Mỹ, Trung Quốc luôn được coi là mục tiêu số một chứ không phải Nga.

Mặc dù có nhiều bất đồng, ông Trump đã hai lần đề nghị mời Nga trở lại nhóm G-8 sau khi tư cách thành viên của Moscow bị cựu Tổng thống Barack Obama và giới lãnh đạo châu Âu đình chỉ vào năm 2014 do vụ sáp nhập Crimea.

TT Trump chơi chiêu giương Đông kích Tây: Lấy Nga làm bình phong để rảnh tay đối phó một đại cường quân sự đang lên - Ảnh 3.

https://soha.vn/cac-bai-viet-cua-dai-su-nguyen-quang-khai-e71637.htm

Trong khi đó, Washington đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc thông qua việc áp thuế cao lên các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, đòi rút các công ty Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc về nước, lên án Trung Quốc lũng đoạn tiền tệ, các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc bị tố cáo làm gián điệp, đánh cắp phát minh của đối tác và đặc biệt chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng ở Biển Đông.

Mặt khác, cùng với việc giúp Đài Loan tăng cường sức mạnh quân sự, Mỹ đã đưa các hải đội tác chiến vào vùng biển Đông Nam Á, lập kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á - Thái Bình Dương, củng cố mặt trận Nam Thái Bình Dương với Australia nhằm đối phó với Trung Quốc.

Bằng mọi cách, Tổng thống Trump phải giữ được thế vượt trội của Mỹ về mọi mặt, từ kinh tế, công nghệ cao cho đến quân sự đang bị Trung Quốc lấn lướt với mục tiêu vượt Mỹ vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập bước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa theo kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một cuộc chạy đua vũ trang mới

Mỹ, Trung Quốc và Nga đua nhau công bố sở hữu những vũ khí mới nhất, kể cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân.

Trước vụ thử nghiệm tên lửa mới vừa qua, quân đội Mỹ đã tiến hành phát triển một loạt vũ khí mới, trong đó có bom hạt nhân được máy bay ném bom chiến lược B-2 thả xuống có thể xuyên thủng các công sự và đánh trúng các mục tiêu nằm sâu trong lòng đất. Tháng 4/2019 Washington cũng đã thử tên lửa đạn đạo "Minuteman-3" như một phần của chương trình hiện đại hóa tên lửa của Mỹ.

Tháng 4/2018, Trung Quốc cũng đã công bố các loại tên lửa hạt nhân liên lục địa mới nhất của mình. Bắc Kinh nói các tên lửa này có sức công phá phi thường. Các tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân DF-26 với tốc độ siêu thanh và có thể tấn công căn cứ quân sự Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương và phá hủy các tàu sân bay và căn cứ ngầm trong lòng đất. Tháng 10/2018, Trung Quốc cũng đã công bố nhiều loại vũ khí thông thường tinh vi, trong đó có máy bay chiến đấu tàng hình.

Tháng 3/2018, Tổng thống Nga Putin đã trình diễn một số vũ khí hạt nhân mới, theo ông nói là không thể đánh chặn. Các loại vũ khí này gồm tên lửa hành trình, máy bay không người lái hoạt động bằng năng lượng hạt nhân và tên lửa siêu thanh mới độc nhất vô nhị trên thế giới.

Ngày 21/8/2019, Tổng thống Nga Putin nói, Mỹ có thể triển khai các tên lửa hành trình trên lãnh thổ Romania và Ba Lan. Ông Putin cho rằng đây là mối đe dọa trực tiếp đối với Moscow. Nga đặc biệt lo ngại về khả năng Mỹ sẽ không tiếp tục gia hạn Hiệp ước về các loại vũ khí tấn công chiến lược START-3 hết hạn vào năm 2021.

Ông Putin nói, Nga không muốn tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và hủy hoại nền kinh tế, nhưng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF buộc Moscow phải phát triển các hệ thống vũ khí mới nhất "không nơi nào trên thế giới có thể chế tạo được". Trong trường hợp Mỹ triển khai tên lửa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì Nga cũng sẽ buộc phải triển khai các tên lửa tương tự ở Viễn Đông.

Việc Mỹ và Nga chấm dứt Hiệp ước INF ngày 2/8/2019 và Mỹ thử nghiệm tên lửa mới ngày 18/8/2019 đang dẫn đến nguy cơ trở lại của cuộc chạy đua vũ trang với sự tham gia của nhiều quốc gia. Triều Tiên, Iran mới đây đã chế tạo thành công các loại tên lửa mới có tầm bắn lên tới hàng ngàn km.

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), hiện nay tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới lên tới hơn 15,000 được các nước sơ hữu như sau: Mỹ: 7,000, Nga: 7,300, Pháp: 300, Trung Quốc: 260, Anh: 215, Israel: 200, Ấn Độ: 130, Pakistan: 120, Triều Tiên: 10

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng chi phí quân sự của thế giới năm 2018 lên tới 1,800 tỷ USD. Mỹ là nước đứng đầu với 649 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc: 250 tỷ USD, Ả Rập Saudi: 67,6 tỷ USD, Ấn Độ: 66,5 tỷ USD, Pháp: 63,8 tỷ USD, Nga: 61,4 tỷ USD, Anh: 50 tỷ USD, Đức: 49,5 tỷ USD, Nhật Bản: 46,6 tỷ USD.

Một số thông tin về Hiệp ước INF

Theo Hiệp ước INF ký giữa Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1987, các bên ký kết phải tiêu hủy tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình được đặt trên mặt đất tầm trung từ 1,000 đến 5,500 km và tầm ngắn từ 500 đến 1,000 km. Theo thời hạn quy định trong Hiệp ước, đến ngày 1/6/ 1991, khoảng 2,700 tên lửa và bệ phóng đã được phá hủy.

Ngoài ra, các bên đồng ý không sản xuất hoặc thử nghiệm các tên lửa tầm trung và tầm ngắn mới, nhưng họ có thể thực hiện công việc nghiên cứu không dẫn đến việc sản xuất và tiến hành thử nghiệm các các hệ thống bị cấm.

Cuối năm 2018, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước do chế tạo ra hệ thống tên lửa 9M729 và ra thời hạn cho Moscow 60 ngày, hạn chót là 2/2/2019 để trở lại tuân thủ Hiệp ước. Và vào ngày 1/2/2019, Mỹ đã bắt đầu đưa ra thời hạn sáu tháng để rút khỏi Hiệp ước do Liên bang Nga không đáp ứng các điều kiện cần thiết. Về phần mình, Nga bắt đầu một quá trình tương ứng.

Và ngày 2/8/2019, cả hai nước đã chính thức rút khỏi Hiệp ước INF.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại