Ngày 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc gặp song phương ở Moscow để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Idlib, Syria.
Vài tuần vừa qua, đây là địa điểm chiến sự nóng bỏng, thường xuyên diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa một bên là Quân đội Chính phủ Syria với sự yểm trợ của Nga và một bên là lực lượng phiến quân nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Moscow và Ankara ủng hộ hai phe đối lập nhau ở Idlib nên nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ ngoài tầm kiểm soát là điều hiện hữu, thậm chí là một cuộc xung đột quân sự trực diện giữa quân đội hai nước.
Trước viễn cảnh nguy hiểm này, một cuộc đàm phán đã được dàn xếp giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất ở mỗi nước tại Moscow vào ngày 5/3 và Tổng thống Putin đã đi một nước cờ cao tay giúp Nga giành thế thượng phong trên bàn đàm phán.
Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu phân tích các chuyến bay và hoạt động di chuyển tàu thuyền trên Eo biển Bosphorus ở phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, trên thực tế Nga đã bắt đầu tăng cường vận chuyển không quân và hải quân tới Syria ngay từ 28/2, tức một ngày sau khi 34 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong vụ không kích của Quân đội Syria.
Tàu đổ bộ Orsk của Hải quân Nga di chuyển qua Eo biển Bosphorus ngày 28/2/2020. Ảnh: Reuters
Sự việc khiến Moscow lo lắng Ankara có thể đóng cửa Eo biển Bosphorus với các tàu chiến của Nga và ngăn chặn các máy bay vận tải quân sự Nga bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Vì vậy, Moscow đã hành động rất nhanh chóng khi quyết định gấp rút tăng cường lực lượng tới Syria với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, thời điểm Mỹ rút quân khỏi một số khu vực ở Syria và Nga đã không chậm trễ nhảy vào lấp chỗ trống.
Theo số liệu thống kê của Reuters, từ 28/2 Quân đội Nga đã triển khai tới Syria 5 tàu chiến chỉ trong thời gian có 6 ngày. Tốc độ này vượt xa mức triển khai thông thường từ 1-2 tàu chiến một tuần.
Một điểm rất đáng chú ý là, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố công khai việc điều hai khinh hạm Đô đốc Grigorovich và Đô đốc Makarov tới Syria nhưng lại không hề đề cập gì tới 3 tàu chiến triển khai nối tiếp sau đó.
Trong đó có một tàu đổ bộ Orsk có khả năng vận chuyển 20 xe tăng, 50 xe tải hoặc 45 xe thiết giáp chở quân và hơn 400 binh lính. Hai tàu chiến khác là Novocherkassk và Caesar Kunikov, cũng là những tàu đổ bộ có thể chuyên chở hơn 300 binh lính cùng nhiều xe tăng và xe bọc thép.
Trong khi đó, dữ liệu theo dõi hành trình bay cũng ghi nhận từ 28/2, ít nhất 5 máy bay vận tải và chở khách do Quân đội Nga quản lý đã hạ cánh xuống Syria và có ngày có tới 3 chiếc đáp xuống cùng lúc.
Cần thấy rằng, 18 ngày trước đó Quân đội Nga cũng đã triển khai 12 máy bay quân sự tới Syria. Đây được coi là đợt huy động lực lượng rầm rộ nhất của Không quân Nga tới Syria kể từ tháng 10/2019.
Dữ liệu thống kê công khai chỉ ghi nhận được một phần không đáng kể các chuyến bay quân sự của Nga đến Syria bởi không phải tất cả các máy bay như vậy đều có thể theo dõi được.
Reuters dẫn lời một nguồn tin làm việc thân cận với các đơn vị quân sự Nga ở Syria nói rằng hoạt động tăng cường lực lượng của Moscow là nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Ankara và đó thực chất là màn “phô diễn cơ bắp”.
Nguồn tin này cũng cho biết, việc gia tăng lực lượng nhanh chóng là một chính sách bảo đảm thế chủ động trong trường hợp cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và ông Erdogan đổ vỡ và Ankara quyết định áp đặt lệnh phong tỏa Eo biển Bosphorus hoặc đóng cửa không phận.