Trong cuộc giao lưu trực tuyến với người dân vào ngày 20/6, ông Putin nhận định không chỉ có các nước Liên minh Châu Âu (EU) mà cả nhiều nước khác cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt đối với Nga. Cụ thể, Mỹ đã thiệt hại 17 tỉ USD sau khi áp đặt trừng phạt, còn đối với Nhật Bản con số này là 27 tỉ USD.
“Lệnh trừng phạt cũng ảnh hưởng đến số lượng việc làm ở nhiều nước, trong đó có Liên minh Châu Âu. Điều này là do họ đã mất đi thị trường Nga”, Tổng thống Putin khẳng định.
Tổng thống Nga nói thêm rằng phương Tây nhiều khả năng sẽ không thay đổi quan điểm đối với Nga trong tương lai gần, vì vậy Nga phải củng cố nền kinh tế của mình hơn nữa để đảm bảo vị thế trên thế giới.
Ông Putin cũng cho biết, trong bối cảnh Nga chịu trừng phạt kinh tế từ phương Tây, Nga vẫn có được những lợi ích nhất định khi thay thế các mặt hàng vốn phải nhập khẩu nước ngoài trước đây bằng các sản phẩm nội địa, mặc dù Nga không có kinh nghiệm trong một số ngành công nghiệp.
Tổng thống Nga lấy ví dụ, trước lệnh trừng phạt, Nga chưa bao giờ tự mình chế tạo động cơ tàu biển nhưng trong bối cảnh khó khăn họ đã sản xuất thành công mặt hàng này, thậm chí chất lượng của một số loại còn vượt hơn các động cơ do nước ngoài cung cấp.
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra không lâu trước khi Liên minh Châu Âu kéo dài thời hạn trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm một năm nữa. Các hình thức trừng phạt này được áp dụng từ năm 2014 sau khi Mỹ và EU cáo buộc Nga có liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, song Nga đã phủ nhận thẳng thừng.
Từ đó tới nay, phương Tây đã nhiều lần kéo dài thời hạn trừng phạt kinh tế vì nhiều lý do không xác đáng khác nhau, trong đó bao gồm việc họ tin rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Cứ mỗi lần lệnh trừng phạt được kéo dài, Nga nhanh chóng áp dụng các biện pháp đáp trả tương xứng.