Tổng thống Putin thừa nhận thế khó của đội máy bay Nga: Moscow chi "khủng" quyết nắm giữ ngành quan trọng

Duy Anh |

Nga chi số tiền lớn để duy trì hoạt động của ngành hàng không trước sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA

Nga chi số tiền lớn cho ngành hàng không

Hãng tin Reuters (Anh) trích dẫn một phân tích của mình cho thấy Nga đã chi hơn 12 tỷ USD để duy trì hoạt động của ngành hàng không kể từ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã cắt đứt nguồn cung cấp các linh kiện quan trọng và các dịch vụ bảo trì của máy bay.

Phụ thuộc vào máy bay do nước ngoài sản xuất, Nga phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phát triển ngành này chỉ với các linh kiện có nguồn gốc trong nước, đồng thời phải mua máy bay từ các bên cho thuê của nước ngoài để tránh các lệnh cấm từ Mỹ và phương Tây.

Các nhà sản xuất máy bay phương Tây Airbus và Boeing đã ngừng cung cấp dịch vụ và phụ tùng thay thế cho Nga vào tháng 3/2022, đồng thời ngừng hỗ trợ bảo trì thường xuyên cho hãng hàng không quốc gia Aeroflot và các hãng hàng không khác của Nga.

Kể từ đó đến nay, Nga đã chi hơn 1,09 nghìn tỷ ruble (12,07 tỷ USD) để hỗ trợ ngành hàng không dân dụng của mình, bao gồm sản xuất máy bay và hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không. Số liệu trên được Reuters dựa vào dữ liệu từ Bộ Tài chính, cơ quan giám sát việc thực hiện ngân sách.

Khoản chi này gần gấp đôi so với khoản chi 547 tỷ ruble của năm 2020-2021, làm nổi bật nỗ lực của Điện Kremlin nhằm giành quyền kiểm soát ngành công nghiệp quan trọng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cho biết: "Đội máy bay của chúng tôi đang bị quá tải... với số máy bay do nước ngoài sản xuất. Chúng tôi có kế hoạch sản xuất hơn 1.000 máy bay tới năm 2030. Chúng tôi cần phải hành động."

Reuters dẫn thông tin từ một cơ quan tình báo hàng không của Thụy Sĩ cho hay, các hãng hàng không Nga hiện đang khai thác 991 máy bay, trong đó có 405 chiếc được sản xuất tại Nga. Có 133 chiếc máy bay phản lực siêu âm được sản xuất bởi tập đoàn nhà nước United Aircraft Corporation, các máy bay khác được sản xuất bởi các tập đoàn Tupolev, Ykovlev và Ilyushin và hiếm khi được sử dụng cho mục đích thương mại.

Tổng thống Putin thừa nhận thế khó của đội máy bay Nga: Moscow chi "khủng" quyết nắm giữ ngành quan trọng- Ảnh 1.

Một chiếc máy bay Airbus A321-200 của hãng hàng không Ural Airlines (Nga) cất cánh từ sân bay ở Palma de Mallorca, Tây Ban Nha, ngày 29/7/2018. Ảnh: Reuters

Sự hỗ trợ cho ngành công nghiệp chủ chốt sẽ được duy trì

Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga cho biết, sự hỗ trợ dành cho việc sản xuất máy bay - một ngành công nghiệp chủ chốt - sẽ được duy trì trong nhiều năm tới.

Việc duy trì tốt ngành công nghiệp hàng không là đặc biệt quan trọng đối với Nga, cả trong vấn đề vận chuyển người và hàng hóa qua lãnh thổ rộng lớn của nước này cũng như để củng cố quan điểm của Moscow rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây chỉ có tác động nhỏ tới Nga.

Các nhà phân tích hàng không phương Tây cho rằng những khoản đầu tư sẽ giúp đội bay của Nga tiếp tục hoạt động nhưng nghi ngờ việc máy bay nội địa Nga sớm quay trở lại thị trường phương Tây, ngay cả khi xung đột ở Ukraine kết thúc.

Tổng thống Putin thừa nhận thế khó của đội máy bay Nga: Moscow chi "khủng" quyết nắm giữ ngành quan trọng- Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Dữ liệu mà Reuters sử dụng cho thấy Nga đã sử dụng tới quỹ dự trữ, chi 110 tỷ ruble trong năm 2022 để bổi thường cho các hãng hàng không bị thiệt hại do chi phí nhiên liệu máy bay tăng mạnh.

Các hãng hàng không Nga đã duy trì đội máy bay từ phương Tây của họ bằng cách nhập khẩu phụ tùng thay thế qua các nước thứ 3. Hành động này được cho là không có sự đồng ý của các nhà sản xuất - chủ yếu là Airbus và Boeing.

Reuters trích dẫn hồ sơ hải quan cho thấy các bộ phận này được vận chuyển đến Nga thông qua người trung gian ở các quốc gia bao gồm Tajikistan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Kyrgyzstan – không quốc gia nào trong số này tán thành các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Việc mất nguồn linh kiện nước ngoài và thiếu chuyên môn bảo trì đã làm dấy lên mối lo ngại về an toàn bay ở Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại