Ông Putin bác bỏ cáo buộc Nga thay đổi thái độ đối với Armenia dưới thời ông Pashinyan
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với các hãng truyền thông Nga, được phát sóng trên Russia-1 và Russia-24 rằng:
"Việc (ông) Nikol Pashinyan trở thành thủ tướng Armenia trong làn sóng phản đối (chính phủ tiền nhiệm) năm 2018 không ảnh hưởng đến quan hệ của Moscow với Yerevan,
Tôi không nhận thấy điều gì đặc biệt về quan hệ của chúng tôi với Armenia gần đây, đặc biệt là trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Pashinyan".
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo Tổng thống Nga, ông có mối quan hệ với ông Pashinyan "dựa trên sự tin cậy và mang tính xây dựng".
"Đây là lý do tại sao tôi không hiểu những gợi ý đó (câu hỏi về việc Moscow có thay đổi trong thái độ đối với Yerevan hay không).
Có những mối quan hệ kéo dài hàng thế kỷ giữa Nga và người Armenia, bắt nguồn từ quá khứ xa xưa.
Mối quan hệ của chúng tôi dựa trên mối quan hệ văn hóa và tôn giáo, cũng như dựa trên lịch sử bền chặt và nó thậm chí còn quan trọng hơn quan hệ giữa các cá nhân", Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, đã có 18 máy bay vận tải Il-76 và 2 An-124 "Ruslan" chở theo 58 đơn vị thiết bị cùng nhân sự của Lữ đoàn gìn giữ hòa bình 15 tới Armenia trong ngày 16/11.
Ông Putin tiết lộ tình tiết đàm phán quan trọng có thể giúp chấm dứt xung đột từ tháng 10/2020
Cũng trong buổi phỏng vấn nói trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết lý do của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan từ chối yêu cầu của Azerbaijan liên quan đến việc đưa những người tị nạn trở lại thị trấn Shusha (Shushi) là không rõ ràng.
Theo ông Putin, Shusha là vấn đề "nổi cộm trong cuộc xung đột (Nagorno-Karabakh)":
"Vào ngày 19 và 20/10, tôi đã tiến hành một loạt các cuộc điện đàm với Tổng thống (Azerbaijan Ilham) Aliyev và Thủ tướng (Armenia Nikol) Pashinyan. Đó là khi Lực lượng vũ trang Azerbaijan giành lại quyền kiểm soát một phần nhỏ phía nam Karabakh.
Về tổng thể, tôi đã thuyết phục được Tổng thống Aliyev rằng có thể chấm dứt tình trạng thù địch nhưng điều kiện của ông ấy là những người tị nạn sẽ trở về nhà của họ, bao gồm cả Shusha".
Nhưng tôi không ngờ các đối tác Armenia của chúng tôi lại nói rằng điều đó là không thể chấp nhận được đối với họ.
Thủ tướng Pashinyan đã công khai nói với tôi rằng ông ấy coi đó là mối đe dọa đối với lợi ích của Armenia và Karabakh. Tôi vẫn không thể hiểu được điều gì sẽ gây ra mối đe dọa".
Ông Putin nói rằng vào tháng 10/2020, ông đã thuyết phục được ông Aliyev ngừng xung đột với điều kiện những người tị nạn (Azerbaijan) trở về Shusha và thừa nhận rằng chính ông cũng không hiểu tại sao ông Pashinyan phản đối yêu cầu này.
Bình luận về các cáo buộc ở Armenia rằng ông Pashiyan là người "phản bội", ông Putin cho rằng:
"Thủ tướng Armenia sau đó nói với tôi: Không, chúng tôi không thể đồng ý điều này, chúng tôi sẽ chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu. Vì vậy, những cáo buộc chống lại ông ấy về một hình thức phản bội nào đó là không có căn cứ. Nó có đúng hay không lại là vấn đề khác".
Liên quan tới việc giải quyết hậu quả của xung đột Nagorno-Karabakh để tiến tới hòa bình lâu dài, ông Putin lưu ý rằng tất cả các bên đều cần thêm thời gian và việc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga hiện diện trong khu vực là để giải quyết vấn đề này.
"Tất cả chúng ta đều hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột và thực tế là vết thương vẫn chưa lành, đã có nhiều mất mát, nhiều gia đình đã bị ảnh hưởng ở cả Azerbaijan và Armenia, sẽ cần thêm thời gian để tình hình lắng dịu.
Cho đến lúc đó, cần phải đảm bảo sự an toàn thực sự của người dân, đặc biệt là những người tị nạn từ cả hai phía và đây là sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga".
Vào ngày 9/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký tuyên bố chung về việc ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh bắt đầu từ ngày 10/11.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được triển khai tới khu vực. Theo Bộ Quốc phòng Nga, nòng cốt của nhóm quân này được hình thành bởi các đơn vị thuộc của Lữ đoàn bộ binh cơ giới (gìn giữ hòa bình) số 15 thuộc Quân khu Trung tâm.
Các điểm giám sát ngừng bắn của Nga được bố trí dọc theo chiến tuyến ở Nagorno-Karabakh và hành lang Lachin, nối Armenia và Nagorno-Karabakh. Bộ chỉ huy chiến dịch gìn giữ hòa bình Nga cũng được đặt tại Stepanakert, thủ phủ của khu vực.
Lính Azerbaijan sửa một tấm biển miêu tả thị trấn Shushi (do phía Armenia làm) thành Shusha.