Tổng thống Putin cảnh cáo Phần Lan
Hãng tin CNN ngày 17/12 cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng cảnh báo "sẽ có vấn đề" với nước láng giềng Phần Lan – quốc gia Bắc Âu vừa gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 4 năm nay.
Đáng lưu ý, tuyên bố này được đưa ra ngay trước ngày Mỹ và Phần Lan dự kiến ký kết thỏa thuận quốc phòng cho phép Washington tiếp cận rộng khắp quốc gia Bắc Âu, đến tận khu vực lân cận biên giới với Nga thông qua việc triển khai quân và khí tài tới 15 khu quân sự.
Riêng việc Phần Lan gia nhập NATO đã đánh dấu một sự thay đổi lớn trong bối cảnh an ninh ở Bắc Âu, đồng thời cho phép biên giới của liên minh quân sự này với Nga mở rộng thêm 1.300km. Bên cạnh đó, theo hãng tin Mỹ, đây cũng là "đòn giáng mạnh" vào Tổng thống Putin – người từ lâu đã cảnh báo việc mở rộng NATO.
Phát biểu hồi tháng 5/2022, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö nhấn mạnh, chính cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã "làm thay đổi môi trường an ninh của Phần Lan", thúc đẩy mong muốn gia nhập liên minh của Helsinki.
Trong vòng vài tháng kể từ khi nộp đơn xin gia nhập NATO, chính phủ Phần Lan đã tuyên bố kế hoạch chi khoảng 143 triệu USD để xây hàng rào dọc biên giới phía đông dài 1.300km với Nga – khu vực từng có rất ít biện pháp bảo vệ an ninh.
Tổng thống Putin thông báo sẽ tái thành lập Quân khu Leningrad. Ảnh: TASS
"Họ (phương Tây) đã lôi kéo Phần Lan vào NATO! Tại sao? Chúng ta có bất cứ tranh chấp gì với Phần Lan hay sao? Tất cả các tranh chấp, bao gồm cả những tranh chấp có tính chất lãnh thổ vào giữa thế kỷ 20, đều đã được giải quyết từ lâu" – Ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình nhà nước Nga Russia 1 phát sóng ngày 17/12.
"Chúng tôi (Nga và Phần Lan) từng có mối quan hệ tốt đẹp, thân mật nhất. Đã từng không có vấn đề gì nhưng giờ sẽ có, bởi chúng tôi sẽ thành lập quân khu Leningrad, và chắc chắn sẽ tập kết các đơn vị quân đội ở đó" – Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo.
Theo nhật báo Moskovskij Komsomolets (MK) của Nga, Quân khu Leningrad (viết tắt là LVO hoặc LenVO) trước đây hoạt động từ năm 1918-2010, sau đó giải thể. Trụ sở chính của Quân khu Leningrad đặt tại St. Petersburg, với thành phần bao gồm lực lượng tác chiến mặt đất và lực lượng không quân, quân số lên tới 28.700 người.
Quá trình phi quân sự hóa diễn ra vào năm 1990 sau khi Liên Xô ký Hiệp ước về Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE). Theo Hiệp ước, việc triển khai các đơn vị và đội hình quân sự ở phía tây bắc Liên Xô (sau này là Nga) phải hạn chế. Vì lý do đó, vào năm 2010, Quân khu Leningrad giải thể hoàn toàn. Đồng thời, trên cơ sở các Quân khu Leningrad và Moscow, Quân khu Tây Bắc của Nga đã được thành lập vào tháng 9/2010.
MK cho biết, với tuyên bố mới nhất của ông Putin thì Quân khu Leningrad sẽ được tái hoạt động trở lại, phạm vi phụ trách sẽ bao trùm St. Petersburg, Leningrad và các khu vực lân cận.
Phần Lan liên tiếp có động thái đối đầu Nga
Căng thẳng giữa Nga và Phần Lan có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây, không chỉ đến từ việc quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.
Theo hãng thông tấn AP, chính phủ Phần Lan trong ngày 14/12 đã quyết định đóng toàn bộ biên giới phía đông của nước này với Nga chỉ sau vài tiếng mở cửa trở lại hai cửa khẩu. Thời hạn đóng cửa biên giới sẽ kéo dài từ 20h ngày 15/12/2023 cho tới ngày 14/1/2024.
Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, Phần Lan quyết định đóng toàn bộ cửa khẩu ở biên giới với Nga. Quyết định lần đầu tiên được đưa ra vào ngày 28/11.
Helsinki cáo buộc Moscow đã "đẩy dòng người di cư và người xin tị nạn tới biên giới giữa hai nước" để đáp trả việc quốc gia Bắc Âu gia nhập liên minh quân sự NATO, bất chấp Điện Kremlin đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận.
Xe cảnh sát Phần Lan tại cửa khẩu Vaalimaa ở biên giới với Nga ngày 14/12. Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 14/12, hãng tin AP cho biết, vào ngày 18/12, Phần Lan sẽ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ. Thỏa thuận này cho phép Washington điều quân tới quốc gia Bắc Âu để tăng cường phòng thủ, cũng như tích trữ vũ khí và các thiết bị quân sự ở đó.
Theo tài liệu do chính phủ Phần Lan công bố, Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) sẽ cho phép quân đội Mỹ tiếp cận 15 khu quân sự của Phần Lan, từ căn cứ hải quân, không quân cho tới khu huấn luyện quân đội rộng lớn ở Lapland, phía bắc Bắc Cực.
Các quan chức cho biết quân đội Mỹ được phép hiện diện thường trực và tập trận thường xuyên ở Phần Lan nhưng chưa có kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự cố định ở quốc gia này.
Theo hãng tin Reuters, DCA mang tới cho Mỹ quyền tiếp cận rộng khắp quốc gia Bắc Âu, đến tận khu vực lân cận biên giới với Nga.
Trước động thái của Phần Lan, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow vô cùng tiếc khi cảm nhận được mối đe dọa từ phía Phần Lan.
"Điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Nga và Phần Lan" – Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Peskov cho hay – "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về hành động này vì chúng tôi từng có mối quan hệ tuyệt vời với Phần Lan.
Cả hai chúng tôi đều không đe dọa đối phương, không có vấn đề gì và không có yêu sách nào chống lại nhau vì chúng tôi không xâm phạm lợi ích của nhau mà thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau".