Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tiến hành chuyến thăm chính thức Iraq từ 11-14/3/2019. Đây là chuyến đầu tiên của ông H. Rouhani tới Iraq kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống năm 2013. Chuyến thăm thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống H. Rouhani đã được đón tiếp hết sức nồng nhiệt và đã có các cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo cao nhất của Iraq, trong đó có Tổng thống Barham Salih, Thủ tướng Adel Abdul Mahdi, Chủ tịch hạ viện Mohammed Al-Halbousi và lãnh tụ tôn giáo tối cao dòng Shia Ayatollah Ali Al-Sistani.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Iraq Barham Salih. Ảnh: Reuters.
Bối cảnh chuyến thăm Iraq của Tổng thống Hassan Rouhani
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ với Iran và Iraq căng thẳng.
Chính quyền Mỹ đang ráo riết vận động thành lập một "Liên minh chiến lược Trung Đông MESA" gọi tắt là "NATO Ả Rập" chống Iran, đồng thời gia tăng các biện pháp trừng phạt chống Tehran sau khi đơn phương rút thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) tháng 5/2018.
Ngoài ra, Ả Rập Saudi đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong cuộc đối đầu nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Iran. Israel tăng cường không kích các vị trí của Iran tại Syria và đe dọa tấn công Iran.
Washington gây áp lực mạnh mẽ đối với Baghdad nhằm hạn chế quan hệ hợp tác với Tehran và cảnh báo Iraq vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran.
Ngày 8/3/2019, trước khi Tổng thống H. Rouhani lên đường sang Baghdad, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã điện đàm với Thủ tướng A. Abdul Mahdi đề nghị Iraq không được hợp tác với Tehran để phá vỡ lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ chống Iran.
Ông M. Pompeo còn cảnh báo nếu Iraq sử dụng các ngân hàng của mình giúp Iran né tránh các biện pháp cấm vận thì Mỹ sẽ không cho phép các ngân hàng này tiếp cận các thị trường tài chính quốc tế do đồng đô la Mỹ kiểm soát.
Về quân sự, gần đây Mỹ đã chuyển các các đơn vị quân đội của mình từ Jordan và Israel sang tăng cường cho các lực lượng Mỹ đóng tại Iraq.
Đặc biệt, việc Tổng thống Donald Trump thăm căn cứ không quân Al-Asad của Mỹ tại Iraq cuối tháng 12/2018 mà không báo cho chính quyền Iraq và cũng không gặp lãnh đạo Iraq đã làm rạn nứt quan hệ Mỹ-Iraq đến mức nhiều thành viên trong chính phủ và Quốc hội Iraq đòi rút quân Mỹ khỏi Iraq.
Iraq cũng không tham gia "Hội nghị về an ninh và hòa bình Trung Đông" được tổ chức trong hai ngày 13-14/2/2019 tại Warsaw do Mỹ và Ba Lan chủ trì, với mục đích chính là chống Iran.
Ông Rouhani được chào đón trọng thể tại Iraq. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Iraq.
Kết quả chuyến thăm Iraq của Tổng thống Hassan Rouhani
Chuyến thăm của Tổng thống H. Rouhani đã góp phần to lớn vào việc tăng cường hợp tác song phương giữa Iran và Iraq.
Về kinh tế, Tổng thống H. Rouhani và Thủ tướng Abdul Mahdi đã ký 30 hiệp định và biên bản thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, quan trọng nhất là về dầu mỏ, thương mại, an ninh, năng lượng, y tế, hoạch định biên giới.
Đặc biệt, hai bên đã nhất trí triển khai thực hiện Hiệp định về phân định con sông Shatt Al-Arab ký tại Alger năm 1975 bị đình chỉ dưới thời Saddam Hussein và ký một hiệp định về việc xây dựng tuyến đường sắt 77 km nối thành phố biên giới Shalamja của Iran với thành phố cảng Basrah thuộc miến Nam Iraq.
Ngoài ra, trong chuyến thăm Iraq lần này của Tổng thống H. Rouhani, hai bên đã thỏa thuận thành lập một ngân hàng chung và thanh toán các hợp đồng thương mại giữa hai nước bằng đồng tiền địa phương.
Theo các nguồn tin đáng tin cậy, hiện nay Iraq đang giúp Iran xuất khẩu dầu và Ngân hàng Trung ương Iraq đang đóng vai trò chuyển tiền cho Iran thu được sau khi bán dầu cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran, Iraq vẫn phát triển quan hệ buôn bán mạnh mẽ với Iran. Hiện nay, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 12 tỷ USD và hai bên đưa ra kế hoạch đưa con số này lên 20 tỷ USD mỗi năm, Iraq trở thành thị trường lớn nhất của Iran.
Về chính trị, Tổng thống H. Rouhani khẳng định Iran ủng hộ mạnh mẽ Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố, đứng đầu là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tổng thống Iran Hassan Rouhani bắt tay với Thủ tướng Adel Abdul Mahdi trong chuyến công du Baghdad. Ảnh: EPA.
Đáng lưu ý, ông H. Rouhani là Tổng thống đầu tiên của Iran đã tới thăm khu thánh địa của người Shia tại thành phố Najaf và Kerbala, nơi có lăng tẩm của Imam Ali ibn Abi Talib được người Hồi giáo theo dòng Shia coi là người thửa kế nhà tiên tri Mohammed và gặp Giáo chủ dòng Shia Ayatollah Al-Said Ali Al-Sistani có ảnh hưởng bậc nhất tại Iraq.
Tại Iraq có 70% người Hồi giáo theo dòng Shia thân Iran và chỉ có 18% theo dòng Sunni, số còn lại theo các tôn giáo khác. 3/4 lãnh đạo cấp cao của Iraq theo dòng Shia, trong đó có Tổng thống Bahram Salih và Thủ tướng A. Abdul Mahdi. Phần lớn các nhân vật này đã sống thời gian dài và được học tập và đào tạo tại Iran.
Ngoài ra, các lực lượng dân quân Hashd Sha’abi của người Hồi giáo Shia như một quân đội thứ hai tại Iraq đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ gìn an ninh và bảo vệ chính quyền.
Ngoài quan hệ song phương, mục đích quan trọng hơn của chuyến thăm là mở rộng ảnh hưởng của Iran ở khu vực
Iraq là quốc gia láng giềng duy nhất có thể trở thành cửa ngõ để Iran đi ra thế giới bên ngoài sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5/2018 và áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Tehran tháng 11 cùng năm.
Các thỏa thuận hợp tác lớn được ký kết và việc ông H. Rouhani lần đầu tiên đến thăm thành phố tâm linh Najaf và Kerbala, gặp Giáo chủ Ayatollah Ali Al-Sistani là nhằm khẳng định Tehran vẫn đang đóng vai trò chi phối tại Iraq, bất chấp những biện pháp trừng phạt của Washington nhằm cô lập nước Cộng hòa Hồi giáo.
Trong tình hình như vậy, rõ ràng chuyến thăm còn ẩn chứa các mục tiêu khác quan trọng hơn nhiều nhằm tìm cách phá vỡ lệnh trừng phạt của Mỹ và mở rộng ảnh hưởng của Iran tại Iraq, từ đó tạo thành một hành lang Iran-Iraq-Lebanon, kết nối Iran với khu vực Địa Trung Hải nhìn sang châu Âu.
Chính Mỹ đã lật đổ chính quyền Sunni của Tổng thống Saddam Hussein, người đi đầu trong cuộc chiến tranh chống Iran (1980-1988) để người Shia lên nắm quyền tại Iraq.
Dù không công bố, nhưng một liên minh tự nhiên đang được hình thành giữa Iran, Iraq, Syria, Hizbollah tại Lebanon, Hamas tại Palestine và Houthi tại Yemen.
Thông qua chuyến thăm Iraq lần này của Tổng thống H. Rouhani, Iran muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ, đáp lại các biện pháp trừng phạt và chính sách chống Iran của chính quyền D. Trump. Mỹ không thể ngăn cản được Tehran hợp tác với Baghdad và không thể cô lập Iran.
Chuyến thăm cũng đánh đi một thông điệp tới các nước Ả Rập vùng Vịnh, đứng đầu là Ả Rập Saudi và các đồng minh của Mỹ ở khu vực rằng an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông không thể thiếu được vai trò của Iran.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.