Phát biểu trong lễ khai trương một nhà máy tái chế đạn dược tại tỉnh Kirikkale hôm 5/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, nước này sẽ có chương trình phát triển tiêm kích tàng hình riêng mà không cần tới Mỹ và đồng thời công bố mốc thời gian sản xuất chiến đấu cơ nội địa này vào năm 2033.
Cũng theo Tổng thống Erdogan, chương trình tiêm kích tàng hình nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay thế cho chương trình F-35 mà nước này từng hợp tác chung với Mỹ.
Trước đó, vào tháng 7/2019, Mỹ đã quyết định đuổi Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 đồng thời hủy việc chuyển giao tiêm kích tàng hình này cho Ankara, lý do được Washington đưa ra là vì hợp đồng mua tên lửa phòng không S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Quyết định này theo kế hoạch sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2020.
Mỹ đã nhiều lần phản đối việc mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, khi cho rằng hệ thống vũ khí này không phù hợp với các tiêu chuẩn an ninh của NATO và có thể gây hại đến các tiêm kích tàng hình F-35 mà Ankara đã mua. Sau cùng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định đưa vào trang bị tổ hợp S-400 đầu tiên bất chấp áp lực từ Mỹ.
Theo một số chuyên gia quân sự có vẻ như Tổng thống Erdogan vẫn chưa nguôi được cơn giận khi bị đuổi khỏi chương trình F-35, và quyết tâm tự chế tạo tiêm kích tàng hình mà không cần tới Mỹ. Tuy nhiên, từ nói đến làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Sở dĩ nói như vậy là bởi với những gì mà công nghiệp hàng không Thổ Nhĩ Kỳ có hiện tại họ khó có thể hoàn thiện được thiết kế của một chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 chỉ trong vòng 10 năm chứ tới nói tới việc sản xuất nó.
Tổng thống Erdogan tận mắt chiêm ngưỡng bên trong buồng tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57 của Nga tại triển lãm MAKS, theo lời mời của Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Sputnik.
Bên cạnh đó, Ankara cũng không sở hữu các công nghệ cần thiết để chế tạo những bộ phận quan trọng cho tiêm kích tàng hình mà động cơ phản lực là một trong số đó.
Ngay như vậy duy trì hoạt động phi đội tiêm kích F-16, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải phụ thuộc khá lớn vào các công ty của Mỹ, thì việc có thể thiết kế, chế tạo và vận hành một mẫu tiêm kích tàng hình nội địa được xem là chuyện quá xa vời với Ankara.
Dù nói là khó nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm đến sự trợ giúp bên ngoài nếu muốn theo đuổi chương trình tiêm kích tàng hình nội địa, bởi ngoài Mỹ thì vẫn còn nhiều quốc gia khác trên thế giới chế tạo được chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5, điển hình như Nga và Trung Quốc.
Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ đuổi khỏi chương trình F-35, người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Nga, Dmitry Shugaev cho biết, Moscow sẵn sàng hỗ trợ Ankara chế tạo chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 của riêng mình.
Và theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Erdogan cũng đã tận mắt chiêm ngưỡng các công nghệ tối tân của hàng không Nga trên tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57 khi tham dự triển lãm hàng không quốc tế MAKS vào tháng 8/2019.
Với mới quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây hiện tại, thì khó có quốc gia nào chịu giúp Ankara chế tạo tiêm kích tàng hình, do đó Nga được xem là đối tác tốt nhất để Tổng thống Erdogan hiện thực hóa khát vọng sở hữu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II ghé thăm căn cứ đào tạo phi công F-35 của Hải quân Hoàng gia Anh.