Nga mất BRICS và đối tác lớn nhất ở Mỹ Latinh
Trước cuộc khủng hoảng chính trị ở Brazil, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lập tức lên tiếng chỉ trích các nỗ lực lật đổ Tổng thống Dilma Rousseff và cho rằng, tình hình tới mức này là có bàn tay "can thiệp từ bên ngoài" - ám chỉ Mỹ.
"Đối với Nga, Brazil là một đối tác nước ngoài quan trọng ở Mỹ Latinh và trên thế giới", bà Zakharova khẳng định.
Brazil có chung đường biên giới với quốc gia lớn thứ 11 và 12 Mỹ Latinh, đóng góp 55 % tổng GDP và khoảng 50% dân số toàn châu lục này.
Chính vì thế, diễn biến căng thẳng hiện nay ở Brazil không chỉ khiến các quốc gia trong khu vực lo lắng, mà còn khiến Nga đứng ngồi không yên.
"Việc Tổng thống Brazil Dilma Rousseff thuộc phe cánh tả bị luận tội sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào cho Nga", chuyên gia về Mỹ Latinh Vladimir Sudarev đánh giá. "Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở Mỹ Latinh".
Nếu bà Rousseff "mất ngôi" thì điều đó sẽ cản trở các kế hoạch dài hạn giữa 2 nước, một trong số đó là hợp tác chia sẻ kinh nghiệm khai thác dầu mỏ ngoài khơi - lĩnh vực mà Nga đang tìm cách học hỏi từ Brazil.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng chính trị ở Brazil còn có thể "giáng một đòn mạnh" vào nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi), trong bối cảnh nền kinh tế các quốc gia khối này gặp nhiều khó khăn.
Nhà nghiên cứu Alxey Portansky tại Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới cho rằng, "Nga coi việc xây dựng BRICS là rất quan trọng".
Nước này đã bỏ ra rất nhiều tiền để tổ chức gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo khối BRICS ở Nga, cũng như nỗ lực tạo ra đối trọng với Mỹ.
Nhà kinh tế học người Mỹ Jim O'Neill từng dự đoán, Nga và Brazil sẽ "sớm bị loại khỏi khối này", nhường chỗ cho Hàn Quốc và Đài Loan, biến BRICS thành TICKS (Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nam Phi).
Trên thực tế, giới đầu tư hiện cũng đang đổ tiền vào các quốc gia TICKS hơn là BRICS, và sự thay đổi trong chính phủ Brazil, theo nhà báo, chuyên gia về Mỹ Latinh Eugene Bai, "chỉ đẩy nhanh xu hướng này lên mà thôi".
Các nhà lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc tại một hội nghị của khối BRICS
Phóng viên người Brazil Pepe Esobar cũng đồng quan điểm trên khi cho rằng, nhìn vào diễn biến sắp tới ở Brazil, thì "góc độ quan trọng nhất" chính là tác động của nó tới toàn cầu.
"Điều gì sẽ xảy ra với các dự án của BRICS, bao gồm dự án ngân hàng phát triển, với sự hợp tác của Brazil, Nga và Trung Quốc?".
Ông này đánh giá, vị trí của Brazil, dưới sự điều hành của chính phủ mới, tại BRICS, sẽ bị xáo trộn, và Brazil nhiều khả năng sẽ quay trở lại liên minh Đại Tây Dương, nghiêng về phía Mỹ.
Tình hình thậm chí sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu ứng viên Ngoại trưởng Brazil hiện nay Jose Serra được chính thức bổ nhiệm.
"Nếu Jose Serra là Ngoại trưởng Brazil, thì hãy nói lời tạm biệt mối quan hệ thân thiết với BRICS để đón quan hệ với Mỹ", bởi đó là những gì mà Tổng thống lâm thời Brazil Michel Temer và các chính trị gia cánh hữu mong muốn.
"Thuyết âm mưu" của Nga?
Kể từ khi chính trường Brazil biến động, truyền thông Nga đã nhiều lần cáo buộc Mỹ đừng đằng sau "giật dây".
Lý giải về động cơ của Mỹ, báo Nga Prvada cho rằng, các quốc gia khối BRICS ngày càng trở thành mối đe dọa địa chính trị tới lợi ích của Mỹ, đáng lo ngại nhất là việc bà Rousseff ủng hộ thiết lập một đồng tiền dự trữ khác mới, đe dọa vị thế của đồng dollar Mỹ.
Còn theo hãng tin Sputnik (Nga), chính phủ Mỹ đang lo lắng về kế hoạch xây dựng hệ thống viễn thông cáp quang dài 5.600 km qua Đại Tây Dương tới châu Âu, do bà Rousseff khởi xướng năm 2014, chống lại hoạt động gián điệp, song lại không có bất cứ công ty Mỹ nào tham gia.
Tổng thống Brazil còn "chọc giận" Washington khi ngăn các công ty khai thác dầu khí và khai mỏ lớn của nước này quay trở lại nước này, thay vào đó lại tìm kiếm sự đầu tư từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, nhà báo Eugene Bai đưa ra quan điểm trái ngược rằng, việc buộc tội Mỹ âm mưu chống lại Rousseff là "thuyết âm mưu", một sự "cường điệu hóa" mọi chuyện.
Ngày 12/5, Thượng viện Brazil thông qua quyết định luận tội bà Rousseff, tạm thời truất quyền tổng thống của bà này và giải tán toàn bộ nội các. Phó Tổng thống Michel Temer được bầu là Tổng thống lâm thời.
Theo ông này, nước Mỹ dưới thời Bush và Obama đang tập trung vào những khu vực khác, và vì vậy chưa thể đưa Mỹ Latinh vào chương trình nghị sự (trừ quan hệ với Cuba).
Đó là chưa kể, Washington cũng hài lòng với mối quan hệ ở mức độ hiện tại với chính phủ cánh tả ở Brazil.
Năm 2015, bà Rousseff đã thăm Mỹ, khởi động lại các mối quan hệ song phương, gia tăng đáng kể thương mại song phương và hợp tác trong đầu tư cũng như các dự án cơ sở hạ tầng, xoa dịu căng thẳng giữa hai bên kể từ năm 2013.
Nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Chile Patricio Navia chỉ ra, khủng hoảng chính trị ở Brazil là kết quả của những tranh đấu phía sau hậu trường tại chính nước này.
Nền kinh tế trong khu vực sụt giảm mạnh, bê bối tham nhũng ngày càng nhiều chính là nhân tố khiến giới chính trị Brazil nhìn thấy cơ hội để giành lấy quyền lực mà không cần thông qua bầu cử dân chủ, bởi họ biết rằng, họ có thể sẽ tiếp tục thua nếu cuộc bầu cử diễn ra.