TT Biden dẫn đầu liên minh hơn 100 nước thực hiện cam kết mới: Rào cản từ Trung, Nga, Ấn

Trang Ly |

Cam kết này nhằm mục đích cắt giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cực mạnh vào năm 2030.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo về khí hậu ở Glasgow (Anh). Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo về khí hậu ở Glasgow (Anh). Ảnh: Getty Images

Tại cuộc họp về khí hậu COP26 ở Glasgow (Anh) hôm 2/11/2021, dẫn đầu một liên minh gồm hơn 100 quốc gia, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa ra Cam kết Khí mêtan Toàn cầu - một thỏa thuận nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải mêtan từ năm 2020 đến năm 2030, National Geographic (Mỹ) đưa tin.

[COP26 - Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu. COP26 diễn ra từ 31/10-12/11].

Nếu cả thế giới đạt được mục tiêu đó, nhiệt độ trong vài thập kỷ tới sẽ chỉ tăng khoảng 0,2 độ C - về mặt lý thuyết, có thể giữ mức độ nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C. Đây là mức nhiệt quá lý tưởng để giữ thế giới không lâm vào cuộc khủng hoảng khí hậu, cứu giúp hàng trăm triệu người trước sự đáng sợ của thời tiết khắc nghiệt.

TT Biden dẫn đầu liên minh hơn 100 nước thực hiện cam kết mới: Rào cản từ Trung, Nga, Ấn - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Biden tại một cuộc họp báo ở Glasgow ngày 2/11. Ông nói với các phóng viên rằng cuộc họp đã xác lập lại Mỹ như một nước đi đầu trong việc chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Erin Schaff / The New York Times

Nhưng một số quốc gia phát thải khí nhà kính lớn, như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, vẫn chưa tham gia Cam kết Mêtan toàn cầu (Global Methane Pledge). Những quốc gia này chiếm khoảng 35% tổng lượng khí thải mêtan do con người phát thải trên toàn thế giới.

Ilissa Ocko, một chuyên gia về mêtan tại Quỹ Phòng vệ Môi trường (EDF) của Mỹ, cho biết: "Cắt giảm phát thải khí mêtan sẽ "không chỉ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong tương lai mà còn hạn chế biến đổi khí hậu đang diễn ra ngay bây giờ" .

Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) - là các nước phát thải khí mêtan lần lượt lớn thứ 3 và thứ 6 trên thế giới, đã công bố cam kết Global Methane Pledge vào tháng 9/2021. Kể từ đó, họ nhận được sự hỗ trợ và đồng tình từ nhiều quốc gia phát thải lớn khác, chẳng hạn như Brazil, Indonesia và Nigeria, [các nước này chiếm hơn 40% lượng phát thải khí nhà kính cực mạnh toàn cầu], theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).

TT Biden dẫn đầu liên minh hơn 100 nước thực hiện cam kết mới: Rào cản từ Trung, Nga, Ấn - Ảnh 2.

Boris Johnson, Ursule von der Leyen và TT Joe Biden dẫn đầu cam kết cắt giảm phát thải khí mêtan. Ảnh: Chính phủ Vương quốc Anh / Flickr , CC BY-NC-SA

Mêtan có tác dụng giữ nhiệt mạnh nhưng chỉ tồn tại một thời gian ngắn trong khí quyển. Vì vậy, bất kỳ hành động nào làm giảm nhanh nồng độ của nó có thể mang lại những lợi ích to lớn cho khí hậu trong vòng vài thập kỷ tới, các nhà khoa học nhấn mạnh. Hơn nữa, lượng khí thải mêtan thường có thể được cắt giảm mà không tốn kém nhiều.

Cũng trong ngày 2/11/2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã công bố kế hoạch điều chỉnh rò rỉ khí mê-tan tại hơn 1 triệu giàn khoan dầu khí ở Mỹ.

TẠI SAO LẠI LÀ MÊTAN?

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao hành động cắt giảm phát thải khí mêtan nhanh chóng lại có thể có tác động tích cực như vậy đến khí hậu toàn cầu?

[Khí nhà kính là khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho Trái Đất, khiến hành tinh chúng ta nóng lên. Chúng bao gồm: CO2, CH4 (mêtan), hơi nước, N2O, O3, CFC...].

Hãy bắt đầu từ những giải thích liên quan đến vật lý.

Khi mới được thải vào khí quyển, mêtan là một chất hấp thụ nhiệt cực kỳ mạnh mẽ: Cùng một lượng nhưng mêtan giữ nhiệt lượng gấp khoảng 100 lần so với carbon dioxide (CO2). Nhưng trong khi carbon dioxide tồn tại trong nhiều thế kỷ, thì hầu hết khí mêtan chuyển đổi thành carbon dioxide hoặc đi theo chu kỳ ra khỏi bầu khí quyển trong vòng khoảng một thập kỷ. 

Theo phân tích của các nhà khoa học về sức mạnh gây nóng lên toàn cầu của các khí nhà kính khác nhau thì mêtan gây ra sự ấm lên gấp khoảng 80 lần so với cùng một lượng carbon dioxide. Trong hơn 100 năm, nó làm nóng hành tinh hơn khoảng 30 lần.

Kathleen Mar, một nhà hóa học khí quyển tại Viện Nghiên cứu Bền vững Cao cấp ở Đức, cho biết: "Đó là một thực tế khó khăn, nhưng cũng là một thực tế mang lại cơ hội tuyệt vời. Bởi vì mêtan rất mạnh, việc cắt giảm tải trọng khí quyển của nó dù chỉ một chút cũng có thể làm giảm đáng kể sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. 

Và bởi vì nó tồn tại trong một thời gian ngắn như vậy, nồng độ của nó trong khí quyển giảm tương đối nhanh chóng khi chúng ta cắt lượng khí thải mêtan xuống. Ngược lại, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển sẽ không bắt đầu giảm cho đến khi thế giới cắt giảm lượng khí thải xuống gần bằng 0.

Nếu Cam kết Mêtan toàn cầu (Global Methane Pledge) được thực hiện nghiêm túc thì bước ngoặt này sẽ "đủ để bẻ cong xu hướng lượng khí thải ngày càng tăng - thành thực sự bắt đầu giảm. Đây là một sự thay đổi rất quan trọng" - Kathleen Mar cho biết.

Đầu năm 2021, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã công bố Báo cáo Đánh giá Khí mêtan Toàn cầu, một báo cáo cho thấy rằng, nếu các nước đồng thuận cùng giảm CH4 thì lượng khí thải CH4 thậm chí có thể giảm tới 45% vào năm 2030.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng mức giảm lớn như vậy sẽ giúp giữ nhiệt độ toàn cầu tăng thêm chỉ 0,2 độ C.

Việc nhanh chóng cắt giảm khí mê tan là nước đi khôn ngoan để kìm hãm nhiệt độ toàn cầu gia tăng trong thời gian ngắn hạn, cho chúng ta có thêm thời gian để khắc phục với khí nhà kính CO2.

LÀM SAO ĐỂ GIẢM MÊTAN?

Làm thế nào để thực hiện cắt giảm khí thải mêtan vẫn còn là một câu hỏi mở. Các chi tiết sẽ tùy thuộc vào từng quốc gia tham gia cam kết.

Nhưng có rất nhiều khí thải cần phải được ngăn chặn, vì con người là nguyên nhân tạo ra khoảng 2/3 tổng lượng khí mêtan trong khí quyển, đẩy nồng độ lên nhanh hơn bao giờ hết.

Mêtan từ ngành dầu khí

Tiến sĩ tại Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) Höglund Isaksson nói rằng việc cắt giảm tất cả lượng khí thải CH4 hiện có không phải là dễ dàng, nhưng có một số điểm rõ ràng để bắt đầu. Ngành công nghiệp dầu khí chiếm khoảng 35 đến 40% lượng khí thải mêtan hàng năm, chủ yếu do rò rỉ tại các giếng, dọc theo đường ống và tại các trạm trung chuyển. 

Riêng tại Nga, rò rỉ khí mêtan từ các đường ống tăng 40% vào năm 2020 và tiếp tục tăng trong năm 2021. Trong khi đó, tại Mỹ, việc thăm dò dầu khí ở lưu vực Permian của bang Texas và bang New Mexico là một nguồn chính và ngày càng tăng.

Đổi lại, nếu ngành dầu khí giảm mêtan thì có thể tạo bước ngoặt.

TT Biden dẫn đầu liên minh hơn 100 nước thực hiện cam kết mới: Rào cản từ Trung, Nga, Ấn - Ảnh 4.

Hơn 100 quốc gia tại cuộc họp về khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, ngày 2/11 đã tham gia cam kết cắt giảm phát thải khí mêtan để hạn chế sự nóng lên của khí quyển gây ra bởi sự thoát CH4 khỏi những nơi như những ngọn lửa khí này tại Khu bảo tồn người da đỏ Fort Berthold, Bắc Dakota (Mỹ) vào năm 2018 . ẢNH CỦA GABRIELLA DEMCZUK, THE NEW YORK TIMES / REDUX

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) ước tính rằng ngành dầu khí có thể giảm tới 75% lượng khí mêtan rò rỉ với chi phí rất ít.

Hơn nữa, công nghệ tìm kiếm rò rỉ khí mêtan đang phát triển vượt bậc. Các vệ tinh có độ phân giải cao mới có thể xác định chính xác các vết rò rỉ trong vòng vài trăm mét, và nhiều vệ tinh khác sẽ được phóng trong vài năm tới. Dữ liệu của họ có thể giúp các công ty quan tâm ngăn chặn sự rò rỉ mêtan của họ — và cho phép các cơ quan giám sát theo dõi xem ai khắc phục sự cố của họ hay không. 

TT Biden dẫn đầu liên minh hơn 100 nước thực hiện cam kết mới: Rào cản từ Trung, Nga, Ấn - Ảnh 5.

Khí thải mêtan (từ hoạt động của con người) có thể đến từ các nguồn: Dầu khí, nông nghiệp, chất thải sinh học. Ảnh: Marketresearchtelecast

Chưa hết, Đài quan sát phát thải khí mêtan quốc tế cũng ra đời nhằm cung cấp dữ liệu giám sát độc lập.

Mêtan từ chất thải sinh học

Cũng có những cách tương đối đơn giản để giảm lượng khí thải mêtan từ một trong những nguồn chính khác của nó: Chất thải. 

Mêtan được tạo ra khi vi khuẩn phân hủy vật chất hữu cơ trong chất thải - thực phẩm, nước thải hoặc bất cứ thứ gì khác đã từng sống - và nó có thể được thu giữ tại các nhà máy xử lý và bãi chôn lấp. Châu Âu đã đạt được những tiến bộ đáng kể, giảm lượng phát thải chất thải khoảng 20% kể từ năm 2010. Các quốc gia khác có thể sẽ phải đầu tư nhiều để cắt giảm lớn.

Mêtan từ ngành nông nghiệp

Nông nghiệp, một nguồn chính khác, sẽ là một thách thức khó khăn hơn. Chăn nuôi gia súc, bò sữa và sản xuất lúa gạo đều tạo ra một lượng lớn khí mêtan, nhưng các giải pháp có thể mở rộng đối với lượng khí thải của chúng vẫn đang được phát triển.

TT Biden dẫn đầu liên minh hơn 100 nước thực hiện cam kết mới: Rào cản từ Trung, Nga, Ấn - Ảnh 6.

Alok Sharma, Chủ tịch COP26 của Anh. Ảnh: GOV.UK

Alok Sharma, Chủ tịch COP26 của Anh đã đưa ra mục tiêu của hội nghị là "giữ ở mức 1,5 độ C" và liên tục thúc đẩy các quốc gia đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải nhà kính để giữ cho hành tinh không nóng quá 1,5 độ C - mục tiêu tiên quyết nêu rõ trong Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu năm 2015.

Vào năm 2018, một báo cáo từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc cho thấy rủi ro đối với nhiều hệ thống sinh thái và con người tăng lên khi nhiệt độ toàn cầu vượt quá 1,5 độ C. Ở nhiệt độ 2 độ C, khoảng 400 triệu người nữa sẽ có nguy cơ bị các đợt nắng nóng khắc nghiệt tấn công. Các rạn san hô trên toàn thế giới sẽ "hầu như biến mất." Ở 1,5 ° C, một số rạn san hô có thể tồn tại.

Một báo cáo khác của IPCC, được công bố vào tháng 8/2021, củng cố thông điệp rằng cứ tăng thêm 0,1 độ C, hậu quả sẽ tăng lên: Một đợt nắng nóng tàn khốc xảy ra trong quá khứ theo chu kỳ 50 năm một lần sẽ có khả năng xảy ra thường xuyên hơn gấp 8,6 lần ở một thế giới nóng 1,5 độ C và tăng gấp 14 lần ở thế giới nóng 2 độ C.

Vì vậy, COP26 kêu gọi các quốc gia khắp thế giới hãy hành động thật nhanh chóng để cứu chính chúng ta và tương lai con em chúng ta!

Bài viết sử dụng nguồn: Nationalgeographic

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại