Thưa bác sĩ Võ Xuân Sơn, dư luận hiện đang hết sức quan tâm tới tình trạng cá chết ở bờ biển miền Trung, đặc biệt trong cơn bão an toàn thực phẩm như hiện nay.
Các cơ quan chức năng chưa có công bố rõ ràng nguyên nhân nhưng lại có nhiều giả thuyết xả thải từ khu công nghiệp, nhiễm độc thuỷ ngân từ nước thải?
Theo nhận định của bác sĩ việc cá chết như thế liệu vùng biển đó có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ lâu dài của người dân?
TS Võ Xuân Sơn: Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản cho biết, qua nhận định ban đầu, nguyên nhân độc chất mạnh gần như là chắc chắn, song chưa biết nơi nào phát tán.
Như vậy, vấn đề hiện nay là phải xác định độc chất và nơi phát tán, từ đó đánh giá mức độ ô nhiễm của vùng biển và tác động của nó lên sức khỏe của người dân, trước mắt cũng như lâu dài.
Trước mắt, khi chưa xác định được loại độc tố, nơi xuất phát và mức độ lan tỏa, theo tôi, cần khuyến cáo và có biện pháp ngăn chặn người dân không sử dụng hải sản chết cũng như hải sản đánh bắt từ khu vực nghi ngờ nhiễm độc.
Việc này cần làm cho đến khi xác định chính xác loại độc tố, nơi xuất phát và mức độ lan tỏa của hiện tượng nhiễm độc và các hệ lụy của nó.
Tất cả các khuyến cáo thúc đẩy người dân tiếp tục sử dụng hải sản, du lịch ở vùng nghi bị nhiễm độc khi chưa có đánh giá chính xác những vấn đề nêu trên đều là những khuyến cáo vô trách nhiệm, cho dù nhân danh bất cứ điều gì.
TS Võ Xuân Sơn, nguyên BS khoa Thần Kinh, BV Chợ Rẫy, GĐ Trung tâm y tế Exson TP.HCM.
Thói quen tận dụng nguồn cá để làm bột cá làm thức ăn chăn nuôi, làm cá mắm từ nguồn cá này có thực sự nguy hiểm không?
TS Võ Xuân Sơn: Việc tận dụng nguồn cá để làm thức ăn cho người và cho gia súc trong điều kiện bình thường là việc cần làm, vừa tạo nguồn tiêu thụ, vừa mang lại thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, trong điều kiện đang có hiện tượng cá chết hàng loạt do độc tố, lại chưa biết đó là loại độc tố gì, nơi xuất phát và mức độ lan tỏa, cũng như việc chuyển hóa các chất độc đó và tác động trước mắt cũng như lâu dài của nó, người dân không nên vì lợi ích trước mắt, hoặc vì lí do giải quyết khó khăn trước mắt, mà tận dụng nguồn hải sản chết để chế biến thức ăn gia súc, làm mắm hay làm khô cho người.
Sự sống đang bị đầu độc, theo ông, đã đến lúc cảnh báo thảm hoạ môi trường chưa?
TS Võ Xuân Sơn: Tôi không biết những quy định pháp lí về việc cảnh báo thảm họa môi trường nên không thể nói đã đến lúc cảnh báo chưa.
Tuy nhiên, sự chậm trễ của chính quyền trong vụ cá chết do độc tố lần này gây ra sự bất an trong xã hội.
Theo các thông tin trên truyền thông, cá bắt đầu chết từ cuối tháng 3, và rộ lên tại Hà Tĩnh từ ngày 06-04-2016, vậy mà mãi đến ngày 22-04-2016 mới có các chỉ đạo điều tra.
Tại Hà Tĩnh, gần 20 ngày sau, ở nhiều nơi, xác cá chết vẫn chưa được dọn, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Người dân ở những nơi này phải chịu thiệt hại kép, vừa độc tố gây ra chuyện cá chết, vừa ô nhiễm do cá chết, lại kèm theo thiệt hại kinh tế và môi trường lâu dài.
Việc ông Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh khẳng định có thể ăn hải sản vẫn còn sống đánh bắt hoặc nuôi ở vùng có cá chết, và tắm biển ở đó, khi chưa có kết luận chính xác mức độ ô nhiễm, khả năng gây tác hại trước mắt và lâu dài, là vội vàng và thiếu cẩn trọng (báo Giao thông 23-04-2016).
Trên thực tế, vụ ngộ độc ở bữa tiệc sử dụng hải sản đánh bắt ở khu vực cá chết (báo Dân Trí (22-04-2016) là cảnh báo nghiêm khắc về việc này.
Nếu chính quyền tỉnh Hà Tĩnh thực sự mong muốn giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong vụ cá chết này, thì cần tích cực kiến nghị, yêu cầu, tạo điều kiện và hỗ trợ ở mức cao nhất cho các cơ quan chức năng để nhanh chóng tìm ra loại độc tố, nơi xuất phát và mức độ lan tỏa của nó, đánh giá tác động môi trường trước mắt và lâu dài, để có hướng khắc phục hậu quả chính xác nhất.
Vâng xin cảm ơn ông!