Mới đây, mạng xã hội Lotus.vn xuất hiện bài viết phân tích chuyên sâu của TS.BS Nguyễn Kiên Cường, Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh Quân đội - Viện Y học Dự phòng Quân đội với tựa đề: "Bí ẩn về số người chết do Covid-19 tại Trung Quốc và Italia?" để độc giả hiểu thêm về tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như thế nào. Chúng tôi xin đăng tải lại một phần của bài viết này.
Ngày 31/12/2019, hàng loạt các trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân được báo cáo ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Cho đến nay đã có trên 207 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận dịch bệnh này. Toàn cầu vượt mốc 1 triệu ca nhiễm, hơn 50.000 người tử vong. Tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong khác nhau giữa các quốc gia.
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại các quốc gia rất khác nhau?
Đầu tiên, chúng ta biết rằng có sự khác biệt lớn về nguy cơ virus gây ra tử vong cho các nhóm tuổi khác nhau. Đối với SARS-CoV-2, những người lớn tuổi có nhiều khả năng bị bệnh nặng hoặc tử vong vì căn bệnh này.
Trong một báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet, khi xem dữ liệu về tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Trung Quốc và các nơi khác, có thể thấy những người mắc bệnh trong độ tuổi từ 40 - 49 có tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 0,4%. Những người mắc bệnh từ 80 tuổi trở lên, tỷ lệ tử vong là 13,4%. Sự khác biệt về tỷ lệ tử vong này do sự khác nhau về đặc điểm dân số, như Ý là quốc gia có dân số già.
Ngoài ra, Covid-19 còn cực kỳ nguy hiểm đối với những người có bệnh lý mạn tính, đặc biệt là các bệnh về hô hấp, bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường, suy thận và các bệnh lý về gan. Vì vậy, các quốc gia, khu vực với dân số có nhiều vấn đề về sức khỏe hơn có thể chịu sự tác động nặng nề hơn, với tỷ lệ tử vong cao hơn khi nhiễm Covid-19.
Kể từ khi dịch bệnh lan tràn tới nhiều quốc gia trên toàn cầu, các quốc gia đã có sự chuẩn bị về khả năng đáp ứng với dịch bệnh cũng như khả năng giám sát, xét nghiệm nhằm mục đích chẩn đoán, cách ly và điều trị.
Mỗi một quốc gia khác nhau có năng lực khác nhau, điều đó có nghĩa là số trường hợp được xét nghiệm chẩn đoán trong cộng đồng là khác nhau tùy từng quốc gia. Tỷ lệ phần trăm dân số đã được xét nghiệm càng lớn, thì càng cung cấp bức tranh đầy đủ hơn về tỷ lệ tử vong do Covid -19 gây ra.
Vấn đề khác liên quan đến tỷ lệ tử vong đó là mức độ ưu tiên khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 trong cộng đồng. Các xét nghiệm thường được ưu tiên cho các ca bệnh nặng nhất và nguy hiểm nhất.
Điều này có thể đẩy tỷ lệ tử vong cao hơn thực tế, bởi vì chỉ định xét nghiệm không được thực hiện với các trường hợp bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng lâm sàng; mà chủ yếu chỉ định xét nghiệm được dành cho những ca bệnh nặng (những người có nguy cơ tử vong cao).
Các yếu tố khác có khả năng ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong rất lớn bao gồm nguồn lực của một quốc gia (đặc biệt là năng lực chăm sóc sức khỏe), khả năng tổ chức (chẳng hạn như khả năng thực hiện các biện pháp y tế công cộng hiệu quả) và khả năng chuẩn bị để đáp ứng với các tình huống trong tương lai.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong cao hơn trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát (17% đối với các trường hợp từ ngày 1 đến 10/1/2020) và giảm xuống còn 0,7% đối với bệnh nhân khởi phát triệu chứng sau ngày 1/2/2020. Báo cáo cập nhật ngày 21/ 3/2020 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc; tỷ lệ tử vong là 2,3% (1.023 trường hợp tử vong /44.672 trường hợp được xác nhận).
Ý là quốc gia có dân số già đứng thứ hai thế giới sau Nhật Bản. Theo Ngân hàng Thế giới, gần 1/4 dân số của đất nước này từ 65 tuổi trở lên. Câu hỏi là phải chăng điều này góp phần làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở những người mắc Covid-19 tại nước này?
Điều này là có thể. Tuy nhiên, cũng không hoàn toàn phù hợp khi xem xét đến tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Đức, một đất nước có dân số khá già, nhưng lại có tỷ lệ tử vong thấp (1,4%).
Vậy tại sao ở Ý lại có tỷ lệ tử vong cao như vậy? Chúng ta hãy xem xét lại những con số thống kê dưới đây tại Ý từ ngày 31/1/2020 đến ngày 4/3/2020 và những dữ kiện khác để có cái nhìn khách quan hơn.
Lý giải nguyên nhân tử vong do Covid-19 tại Ý cao nhất thế giới
Chúng ta có thể thấy rằng vào ngày 31/1/2020 Ý nghi nhận 2 trường hợp nhiễm Covid-19. Ngày 6/2/2020, ghi nhận 3 trường hợp nhiễm Covid-19, các trường hợp này đều liên quan đến du lịch từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về.
2 tuần sau, vào ngày 20/2/2020, một trường hợp viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 ở người đàn ông ngoài 30 tuổi ở vùng Bologna phía Bắc nước Ý mà không có tiền sử du lịch ngoài nước.
Ngày 21/2/2020 có 20 trường hợp mắc Covid-19, và chỉ sau 10 ngày, đến ngày 1/3/2020 con số mắc ghi nhận đã tăng lên 1,614 người. Trong đó tổng số tử vong tính đến 1/3/2020 là 34 trường hợp chiếm tỷ lệ 2,1%.
Vì vậy người ta đưa ra giả thuyết rằng virus đã lưu hành trong cộng đồng trong khoảng thời gian này. Đến ngày 20/3/2020, số ca mắc Covid-19 tại Ý là 47,021 trường hợp và số ca tử vong là 4,032 trường hợp.
Và chỉ sau 10 ngày nữa số mắc đã tăng lên 110,574 trường hợp với 13,155 ca tử vong được ghi nhận vào ngày 1/4/2020. Đến ngày 3/4/2020, số mắc là 119,827 trường hợp và số ca bệnh tử vong lên tới 14,681 trường hợp.
Một trong các nguyên nhân của dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở Italia có thể do truyền thống văn hóa, họ có sự tiếp xúc gần gũi thân mật hơn giữa các cá nhân trong khi giao tiếp, những cái ôm hôn trong giao tiếp dường như là rất phổ biến ở đất nước này, điều này làm tăng khả năng lây truyền SARS-CoV-2.
Mặt khác, việc hạn chế tiếp xúc chỉ mới được thực hiện ở một số địa phương trên cả nước vào cuối tháng 2, một số địa phương chỉ thực hiện cách ly vào đầu tháng 3, đây cũng là một lý do khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh chóng.
Việc thực thi các quy định về việc cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người chỉ được ban bố trên phạm vi quốc gia kể từ ngày 12/3/2020 khi trên cả nước đã có trên 15,000 trường hợp mắc và trên 1,000 trường hợp tử vong do Covid-19.
Xét về khía cạnh sức khỏe và lối sống, Ý cũng là quốc gia có tỷ lệ tử vong do kháng kháng sinh cao nhất ở châu Âu. Ý đứng đầu trong các nước thuộc Liên minh Châu Âu về tử vong do kháng kháng sinh, chiếm gần 1/3 số ca tử vong do kháng kháng sinh tại các quốc gia này.
Thói quen hút thuốc dường như cũng là một yếu tố liên quan đến tăng nguy cơ tử vong do dịch bệnh bởi hút thuốc lá dẫn đến các bệnh lý ở đường hô hấp; tại Ý, khoảng 28% nam giới hút thuốc.
Các đặc điểm nhân khẩu học của dân số Ý khác với các quốc gia khác. Năm 2019, khoảng 23% dân số Ý ở độ tuổi trên 65, khi xem xét về độ tuổi nhiễm bệnh giữa Trung Quốc và Ý, người ta thấy có sự rất tương đồng về tỷ lệ tử vong ở những người dưới 69 tuổi, nhưng lại có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong trong nhóm trên 70 và đặc biệt là trên 80 tuổi ở Ý cao hơn so với Trung Quốc.
Tại Ý, những người trên 80 tuổi tử vong chiếm tỷ lệ 52,3% trong tổng số các ca bệnh tử vong, trong khi đó tỷ lệ này tại Trung Quốc chỉ là 20,3%. Đáng lưu ý, tại Ý, những ca bệnh ở người từ 90 tuổi trở lên có tỷ lệ tử vong rất cao (22,7%); trong khi đó dữ liệu về các trường hợp tử vong ở người trên 90 tuổi ở Trung Quốc không được báo cáo.
Đặc điểm khác biệt này có thể do đặc điểm cơ cấu dân số của Ý khác với Trung Quốc. Do Ý là quốc gia có dân số già hay có thể vì một lý do nào khác mà chúng ta chưa khai thác phân tích được.
Mặt khác, có thể giải thích về tỷ lệ tử vong tại Ý tăng là do chiến lược được sử dụng xét nghiệm trong chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR.
Sau chiến lược xét nghiệm ban đầu và rộng rãi bằng RT-PCR cho tất cả người có triệu chứng và không có triệu chứng trong giai đoạn đầu của dịch bệnh bùng phát, vào ngày 25/ 2, Bộ Y tế Ý đã ban hành chính sách xét nghiệm ưu tiên cho các bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nặng hơn đã bị nghi ngờ mắc COVID-19 và phải nhập viện.
Những người không có triệu chứng hoặc hoặc trường hợp nhẹ, không được xét nghiệm, và điều này có thể tác động đến 2 vấn đề:
+ Thứ nhất, các trường hợp bệnh nhẹ, các trường hợp bệnh không triệu chứng không được xác định và dẫn tới một tỷ lệ tử vong cao do đã loại đi các ca bệnh thực tế đã nhiễm Covid-19, nhưng không được tính vào trong số liệu thống kê do không có kết quả xét nghiệm xác định chẩn đoán, điều này làm tăng tỷ lệ tử vong từ 3,1% vào ngày 25/2 lên 7,9% vào ngày 17/3.
+ Thứ hai, cách lựa chọn và chỉ định xét nghiệm như vậy có thể dẫn đến một tỷ lệ lớn các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ bị bỏ qua, thiếu giám sát chặt chẽ và thúc đẩy sự lây truyền dịch bệnh một cách nhanh chóng trong cộng đồng.
Cuối cùng, còn nhiều yếu tố khác đóng vai trò như những biến số giúp làm cho thay đổi tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong ở các quốc gia khác nhau, trong đó chắc chắn có vai trò của phát hiện sớm, dự phòng tốt và điều trị thành công ca bệnh, việc điều trị thành công ca bệnh khỏi thì sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong.
Vấn đề điều trị thành công phụ thuộc rất nhiều yếu tố như ca bệnh có được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân có mắc các bệnh lý mạn tính hay không, độ tuổi như thế nào, chất lượng năng lực chuyên môn và nguồn lực y tế trong đáp ứng với các tình huống khẩn cấp, điều kiện cơ sở vật chất…v.v.
Tất cả các yếu tố đó tác động và tạo nên nhiều tình huống khác nhau, cũng như sự khác nhau về tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong, tỷ lệ điều trị khỏi của mỗi nước. Và một điều chắc chắn rằng chúng ta đang làm tất cả, các quốc gia đang nỗ lực chung tay để mong rằng trong một ngày không xa, chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh nguy hiểm này./.
TS. BS. Nguyễn Kiên Cường -Viện Y học dự phòng Quân đội