Đã có trẻ tử vong vì ngộ độc thuốc hạ sốt
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2005 đến nay, bệnh viện tiếp khoảng 10 trường hợp bị ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol đến điều trị, đã có một trường hợp bệnh nhi tử vong do suy đa tạng.
TS. BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thống kế tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngộ độc Paracetamol đứng hàng thứ 2 trong ngộ độc trẻ em.
Tại khoa Cấp cứu – chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương các bệnh nhi bị ngộ độc Paracetamol thường được chuyển từ tuyến dưới lên, đến trong trình trạng rất nặng.
Ngày 14/8, Khoa cấp cứu cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi ngộ độc Paracetamol tương đối nặng được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên.
Khoa Cấp cứu - Chống độc vẫn thường tiếp nhận trường hợp bệnh nhi ngộ độc thuốc hạ sốt từ tuyến dưới chuyển lên.
Lý do ngộ độc là do gia đình cho trẻ uống quá liều. Bệnh nhi chỉ hơn 2 tuổi, nặng 10kg nhưng gia đình cho uống tới 500mg/ lần. Tới ngày thứ 4 sau uống thuốc tình trạng bé nặng nên được gia đình đưa đi cấp cứu.
Thuốc Paracetamol uống có cần kê đơn
Theo bác sĩ Duy thuốc hạ sốt Paracetamol được dùng từ thập niên 60 và được coi là thuốc khá an toàn. Vì khi uống thuốc sẽ tác dụng đến vùng trung tâm nhiệt trên não sẽ hạ nhiệt độ từ từ tới mức nhiệt độ trung bình của cơ thể (37 độ C).
"Thuốc hạ sốt Paracetamol được cho là an toàn, thuốc có thể uống mà không cần thiết phải kê đơn. Tuy nhiên, do không có kiến thức dùng thuốc đúng dẫn tới ngộ độc cho trẻ nhỏ", bác sĩ Duy nói.
Paracetamol gây ra ngộ độc khi
Bác sĩ Duy khuyến cáo, nguyên nhân ngộc độc Paracetamol xảy ra trong các trường hợp sau:
- Do thuốc Paracetamol là loại thuốc phổ biến nên bố mẹ thường tự cho con uống. Nhưng không có kiến thức đầy đủ để đảm bảo an toàn cho con.
- Thuốc hạ sốt Paracetamol được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như: viên nén, bột, dạng đút hậu môn, miếng dán… Do có nhiều dạng bào chế cho nên dễ gây nhầm lẫn khi dùng cho trẻ.
- Paracetamol là hoạt chất của thuốc hạ sốt nhưng nó lại có nhiều tên gọi khác nhau, nên có thể gây ra nhầm lẫn và quá liều.
- Trẻ ngộ độc Paracetamol còn do bố mẹ, ông bà bất cẩn để thuốc trong tầm với của trẻ nhỏ.
- Ngộ độc Paracetamol còn xảy ra khi bố mẹ có suy nghĩ dùng thuốc cho con liều càng cao sẽ giảm sốt càng nhanh.
- Nguyên nhân ngộ độc xảy ra do hướng dẫn nhân viên y tế chưa đầy đủ, khiến cho nhiều bậc phụ huynh vẫn cho em uống thuốc cách từ 4-6 tiếng dù trẻ không còn sốt.
Khi nào thì cần dùng thuốc hạ sốt cho trẻ
TS.BS Lê Ngọc Duy.
Bác sĩ Duy cho biết, trẻ được dùng thuốc hạ sốt Paracetamol khi đã xác định được căn nguyên gây sốt và nhiệt độ trên 38,5 độ C.
Liều lượng dùng an toàn bố mẹ cần phải ghi nhớ 10-15mg/kg/lần, nếu trẻ còn sốt thời gian uống nhắc lại sau 4-6 tiếng. Không uống quá 60mg/kg /lần trong 24h; người lớn không quá 4g/ ngày.
"Khi trẻ đã được dùng thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt cao không hạ thì cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để tìm căn nguyên. Trong quá trình dùng thuốc hạ sốt tuyệt đối không kết hợp thuốc.
Khi nghi ngờ trẻ dùng quá liều thì cần phải nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế", bác sĩ Duy lưu ý.
Triệu chứng trẻ ngộ độc thuốc hạ sốt
Theo bác sĩ Duy triệu chứng trẻ ngộ độc thuốc hạ sốt trong 24h đầu thường mơ hồ và dễ nhầm lẫn với bệnh lý của trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu gợi ý như nôn nhiều, li bì, vật vã… thì cần đưa đi khám ngay.
Sau 24-48 giờ ngộ độc thuốc trẻ sẽ có những tổn thương gan như: vàng da, vàng mắt, gan to, đau bụng.
72 giờ sau ngộ độc, trẻ sẽ có rồi loạn tri giác, li bì và tử vong.
"Giải độc Paracetamol không khó nếu bệnh nhân được đưa đến ở giai đoạn sớm. Nếu bệnh nhân đến ở giai đoạn muộn có tổn thương gan điều trị sẽ khó khăn.
Cần lưu ý với những bệnh nhân có vấn đề về bệnh gan mãn tính, teo mật, cần phải dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tùy tiện dùng thuốc khi có chỉ định. Người mới uống rượu cũng tuyệt đối không dùng thuốc", bác sĩ Duy nói.
Trong trường hợp trẻ sốt dưới 38,5 độ C không cần phải dùng thuốc. Có thể dùng các biện pháp đối nhiệt (vật lý) để hạ nhiệt cho trẻ bằng cách: chườm hạ nhiệt, bật điều hoà, nới lỏng quần áo, uống nhiều nước.