Đàm phán thương chiến Mỹ Trung có đi đến hồi kết?
Trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung nối lại hôm nay (30/7) tại Thượng Hải, các chuyên gia tại Việt Nam đã có nhiều nhận định, phân tích về việc có hay không một kịch bản mà cuộc chiến thương mại Mỹ Trung có thể sớm kết thúc, hay tiếp tục leo thang căng thẳng với các toan tính khác của hai bên. Và những điều này sẽ có tác động đến Việt Nam như thế nào? Nhóm hàng nào sẽ chịu nhiều tác động nhất.
Đây chính là những nội dung được các chuyên gia trong Seminar nghiên cứu kinh tế Trung Quốc: "Thương chiến Mỹ - Trung và tác động với Việt Nam", được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chiều qua, 29/7.
TS Phạm Sỹ Thành (bên trái) - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc và TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF)
Theo chuyên gia TS Trần Toàn Thắng, thương chiến chịu sự tác động của các yếu tố như giá hàng hóa xuất khẩu Mỹ sang Trung Quốc tăng, thương mại thế giới suy giảm, giá hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ tăng... và diễn biến theo hướng hai bên trong khi giảm thiệt hại, cố gắng trả đũa thuế theo hướng gây ảnh hưởng nhiều nhất cho bên kia.
Đơn cử như trong 1.102 sản phẩm bị áp thuế, yếu là hàng nguyên liệu, tập trung vào sản phẩm từ các ngành công nghiệp đóng góp hoặc hưởng lợi từ chính sách công nghiệp "Made in China 2025".
Hay như việc hạn chế sản phẩm tiêu dùng thông thường. Các mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là máy móc, thiết bị cơ khí, thiết bị điện (34,2 tỷ USD), tạp phẩm (6,8 tỷ USD) và xe cộ, máy bay (2.7 tỷ USD). Các biện pháp còn lại được hai cường quốc tiếp tục triển khai đó là "đe dọa" rồi đàm phán và Lock in về sản phẩm công nghệ.
Theo vị chuyên gia, triển vọng của việc giảm căng thẳng giữa hai bên rất khó định đoán, bởi đây không phải câu chuyện lợi ích ngắn hay dài hạn mà còn liên quan đến cá tính của Tổng thống Mỹ Donald Trump hay mục đích của từng bên.
"Với sự khó định đoán về phía tổng thống Donald Trump cũng như việc Trung Quốc vẫn còn chờ đợi thay đổi trên chính trường Mỹ để có thể quyết định về các vấn đề thương mại, khó có thể cho rằng, cuộc chiến sẽ có thể kết thúc vào cuối năm nay.
Việc có chấm dứt cuộc chiến hay không còn phụ thuộc vào sức chịu đựng của cả hai bên.", TS Trần Toàn Thắng nhận định.
Khá đồng tình với quan điểm này, TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, kết quả cuộc đàm phán tại Thượng Hải khó có thể khả quan bởi Tổng thống Donald Trump là người dám nói "không" và sẵn sàng ra khỏi phòng đàm phán, dù không đạt được kết quả.
Việt Nam hưởng lợi gì từ thương chiến Mỹ Trung
Bàn về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới Việt Nam, dựa trên phân tích, ông Trần Toàn Thắng cho rằng, tăng trưởng GDP dưới tác động của chiến tranh thương mại từ năm 2020 đến hết năm 2022 được dự báo sẽ lần lượt sụt giảm 0,4%; 0,36% và 0,29%.
Theo Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm NCIF, hiện chưa có đủ cơ sở để khẳng định FDI đang thực sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, bởi dòng FDI vào Trung Quốc vẫn lớn và thông tin sự dịch chuyển thì chưa rõ ràng cho dài hạn.
"Thực tế chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa thực sự gây ra tác động đủ lớn để doanh nghiệp phải đưa ra quyết định chuyển sản xuất thực sự, sẽ phải chờ đến năm 2020 và năm 2021 để có thể nói xu thế dịch chuyển FDI có thực sự diễn ra hay không”, ông Thắng nói.
Theo chuyên gia, cơ hội lỗ hổng thị trường hai bên Mỹ Trung lớn và Việt Nam có thể tận dụng trong ngắn hạn. Đầu tư theo M&A (mua bán sát nhập) sẽ gia tăng.
Các ngành hàng thực phẩm chế biến, cung cấp phế liệu thực phẩm, thức ăn gia súc hay nhóm hóa chất và nhựa có thể là những nhóm được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung nếu cuộc chiến này tiếp diễn.