Bộ Tài chính vừa đề xuất đánh thuế nhà từ 700 triệu và thuế ô tô từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Theo tôi có hai nguyên tắc thuế cần phải tuân thủ. Nguyên tắc thứ nhất, tất cả chính sách thuế về bất động sản phải hỗ trợ cho chủ trương của Chính phủ là giúp người dân mua nhà. Vì vậy, những chính sách nào tác động ngược lại với chủ trương đó thì không hợp lý.
Nguyên tắc thứ hai là sự công bằng, tức là người nhiều tiền hơn sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Do đó, tôi đề xuất chỉ đánh thuế đối với việc sử dụng đất mà không đánh thuế với giá trị tài sản trên đất.
Hơn nữa, để công bằng cho tất cả mọi người, tôi đề xuất cho những người mua căn nhà đầu tiên thì tiền lãi người dân phải trả cho ngân hàng để mua nhà sẽ được miễn thuế. Tức là thu nhập người dân dùng để trả lãi cho ngân hàng thì thu nhập được dùng để trả lãi đó được miễn thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ cho người mua nhà. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng cho căn nhà đầu tiên.
Hiện nay việc mua nhà, mua ô tô đã phải chịu rất nhiều loại thuế, phí. Bây giờ nếu lại đánh thuế nhà và ô tô sẽ dẫn đến việc phí chồng phí, thuế chồng thuế?
Đúng là hiện nay việc mua bán ô tô đã có phí của nó. Do đó, cần tránh trường hợp người dân phải trả phí kép dẫn đến thuế chồng thuế.
Chẳng hạn như người dân đã phải trả thuế thu nhập cả nhân rồi, bây giờ tôi có vài trăm triệu mua một căn nhà nhưng lại phải trả thuế thì sẽ dẫn đến thuế chồng thuế. Do vậy chỉ nên đánh thuế trên đất mà thôi.
Nói như vậy có nghĩa là ông không đồng tình với đề xuất đánh thuế nhà và ô tô của Bộ Tài chính?
Đúng vậy. Tôi không đồng tình với đề xuất đánh thuế của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế là để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Theo ông, có cách nào khác để tăng thu cho ngân sách mà không phát sinh thêm các loại thuế đánh vào đầu người dân?
Có rất nhiều cách không bắt buộc phải thu thuế để cân đối ngân sách của nhà nước. Ngân sách của nhà nước có hai đầu, đầu vào và ra.
Bây giờ mình mới chỉ nói đến đầu vào thôi, cứ thiếu hụt là thu thuế. Nào là thuế VAT, xăng dầu, bây giờ lại đến thuế tài sản nữa... nhưng vấn đề quan trọng là đầu ra sử dụng thuế như thế nào thì vẫn còn nhiều lãng phí về đầu tư công, chi phí công. Ngay cả bộ máy hành chính còn rất cồng kềnh, trong đó các vấn đề về lãng phí, tham nhũng vẫn còn. Do vậy, mình chỉ cần điều chỉnh đầu ra thôi mà không bắt buộc phải điều chỉnh đầu vào.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh đầu vào cũng cần vì cần tăng ngân sách cho quốc gia khi chi phí cho xã hội ngày càng lớn. Do đó, mỗi lần tăng thuế như thế này, Bộ Tài chính phải giải trình được với việc tăng thuế như vậy, đầu vào được sử dụng như thế nào. Còn đầu ra sẽ có biện pháp gì để sử dụng hiệu quả chi phí. Việc này tôi không thấy Bộ Tài chính đề cập đến.
Xin cảm ơn ông!