3 tuần sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức, đại dịch Covid-19 bùng lên ở Việt Nam, gây ra những tác động nặng nề ở 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, vốn là nơi tập trung các khu công nghiệp lớn của đất nước. Sau đó, dịch tiếp tục bùng lên và gây tác động với toàn bộ 63 tỉnh thành, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại ở thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, mô tả những thách thức trong đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính là rất phức tạp với số người bị ảnh hưởng rất nhiều. Dịch ảnh hưởng tới 63 tỉnh thành với hàng chục triệu người bị tác động. Trong khi đó, một nửa bộ máy nhân sự của Chính phủ là những người mới được bổ nhiệm.
TS Nguyễn Đức Kiên nhận định Chính phủ đã tiếp cận công tác phòng chống dịch bệnh một cách linh hoạt và chủ động. Các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương, tuy mới nhậm chức, nhưng đã ngay lập tức bắt nhịp được với hoạt động của Chính phủ.
"Tư tưởng chủ đạo của Chính phủ trong 100 ngày qua là phân cấp phân quyền. Chính quyền các cấp cũng phải hành động với thẩm quyền đã được quy định. Ngoài ra, mỗi việc đều có người chịu trách nhiệm cụ thể. Thủ tướng sẽ hỏi ai chịu trách nhiệm", ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.
Ông Kiên nhận xét: "Chính phủ 100 ngày qua là Chính phủ chủ động và hành động vì dân".
Kể từ ngày 5/4 đến 9/7/2021, Chính phủ đã đưa ra khoảng hơn 360 Quyết định, Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, điều hành. Trong đó, các văn bản liên quan đến phát triển Kinh tế - Xã hội chiếm khoảng 50%. Tiếp theo là các chỉ đạo về nhân sự, chiếm khoảng 27% và cuối cùng là phòng chống Covid-19 với khoảng 22%.
Trong số gần 200 văn bản của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, TS Nguyễn Đức Kiên chỉ ra 3 quyết định có thể coi là điểm nhấn về kinh tế, bao trùm từ kinh tế vĩ mô tới chăm lo đời sống người lao động trong dịch.
"Lường trước khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng dịch Covid-19. Với thông tư này, các doanh nghiệp không bị nhảy nhóm sang nợ xấu, tránh những ảnh hưởng trong tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kinh doanh", ông Kiên nhận xét.
Thứ 2, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Cuối cùng, những ngày cuối tháng 6 này, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 NQ/CP về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo quyết định này, có 12 đối tượng sẽ được thụ hưởng chính sách, Nhà nước đề ra chính sách và các địa phương sẽ tổ chức chi trả.
"Điểm quan trọng là chúng ta đã đổi mới tư duy. Chúng ta có thể chấp nhận đâu đó có nhầm lẫn, có sai… Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là đa số người lao động, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, có thể nhận được tiền từ gói hỗ trợ 900 tỷ đồng của thành phố. Các biện pháp hỗ trợ đã bước đầu đã phát huy hiệu quả", ông Kiên nhấn mạnh.
Với 3 quyết định quan trọng, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng Chính phủ đã dự báo trước tình hình, đưa ra các chính sách hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, sau đó cân bằng thu chi ngân sách và cuối cùng là hỗ trợ người lao động. "Đó cũng là điểm mạnh, điểm nhấn của Chính phủ trong 100 ngày đầu tiên", ông Kiên nhận định.
Trải qua những đợt bùng dịch tiếp theo, cách xử lý của Việt Nam đã thay đổi. Thay vì phong tỏa một khu vực rộng, Việt Nam tiến tới khoanh vùng điểm dịch và chỉ phong tỏa những khu vực có ca mắc. Việc rút kinh nghiệm giúp Việt Nam chống dịch hiệu quả, đồng thời đảm bảo đời sống người dân tốt hơn.
Trong đợt dịch thứ 4, các khu công nghiệp ở Bắc Ninh và Bắc Giang rồi tới Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam đều có ổ dịch lớn. Tuy nhiên, cách hành xử của Việt Nam đã có những thay đổi bước ngoặt.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành chống dịch theo mô hình từ nhỏ tới lớn. Việc giãn cách xã hội toàn bộ Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất Việt Nam, chỉ được tiến hành sau khi các biện pháp giãn cách nhỏ không phát huy hiệu quả. Sự thay đổi để phù hợp với tình hình phản ánh sự linh hoạt, chủ động của Chính phủ trong việc ứng phó với Covid-19.
"Cách hành xử của chúng ta chuyển từ duy lý đến có tình có lý. Duy lý là gì? Trước đây, chúng ta công bố thông tin và lịch trình di chuyển của người mắc Covid-19. Chúng ta thay đổi bằng cách nói số bệnh nhân, các điểm đến để những người có liên quan tự soi vào, tự khai báo", ông Kiên cho biết.
Sở dĩ Chính phủ làm được điều này nhờ chủ động áp dụng công nghệ 4.0 vào chống dịch với Bluezone là điển hình. Công nghệ giúp mọi người nắm được thông tin và có thể tự kiểm tra xem mình có nằm trong nhóm có nguy cơ hay không. Bên cạnh đó, ông Kiên cũng cho rằng công tác truyền thông nên cụ thể hơn, nhất là việc làm rõ số ca nhiễm nhưng đã được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa.
Không lâu sau khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam đã nhận định vắc xin sẽ trở thành yếu tố chính trị trên bàn cờ thế giới và sẽ cần ngoại giao vắc xin để đảm bảo nguồn cung thuốc cho người dân. Chính vì vậy, Việt Nam nằm trong nhóm nước tham gia đàm phán vắc xin tương đối sớm. Tuy nhiên, vắc xin nhập khẩu chỉ là một phần trong chiến lược chống dịch của Việt Nam.
"Chúng ta đã xác định rất rõ, nhập vắc xin là 1 chân trong kiềng 3 chân chống dịch. Chân kiềng 1 là biện pháp phòng chống, thứ 2 là vắc xin nhập và thứ 3 là sản xuất vắc xin nội địa", ông Kiên chia sẻ.
Hiện tại, có 2 loại vắc xin Made in Vietnam đang được thử nghiệm Giai đoạn 1 và Giai đoạn 3. Với góc nhìn của một nhà kinh tế, ông Kiên cho rằng Việt Nam nên ứng xử với vắc xin tương tự như cách các nước khác, chẳng hạn như Nga hay Mỹ, ứng xử với vắc xin của họ. (Nga tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 trong cộng đồng còn Mỹ áp dụng chế độ thời chiến với sản xuất vắc xin)
"Chúng ta cũng phấn khởi khi cuối tháng 6 vừa qua, Bộ y tế đã quyết định tiến hành song song thử nghiệm giai đoạn 2 và 3, giúp rút ngắn quy trình sản xuất, mang lại hy vọng đẩy nhanh tốc độ triển khai vắc xin. Đứng về góc độ thời cơ, nếu chúng ta không tiến hành sản xuất vắc xin trong nước và tiêm đại trà trong quý 4, đây sẽ là tổn thất lớn cả về kinh tế, chính trị và khoa học y tế", ông Kiên nhận định.
Với vắc xin phòng Covid-19, Chính phủ lần đầu tiên cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự các nhà cung cấp khi xảy ra phản ứng phụ trong quá trình tiêm vắc xin. Nó tương đồng với cách ứng xử mới của cả thế giới với vắc xin. Điều này tiếp tục cho thấy sự nỗ lực, chủ động của Chính phủ.
Về tốc độ nhập vắc xin, ông Kiên cho biết trong một thời gian dài, Việt Nam không được công nhận là quốc gia có dịch vì số ca mắc và tử vong quá thấp. Chính vì vậy, việc tiếp vận vắc xin theo cơ chế COVAX gặp khó khăn. Các nhà cung ứng cũng không ưu tiên vắc xin cho Việt Nam mà dồn lực cho các nước giàu đang bị dịch tàn phá.
"Tinh thần yêu nước rất đúng nhưng Chính phủ các nước khác cũng yêu dân của họ chứ. Khi chúng ta đòi công bằng, bình đẳng, bác ái thì COVAX, một tổ chức phi lợi nhuận ra đời để phân phối vắc xin, cũng có tiêu chí ấy chứ. Chính vì thế, Việt Nam phải nhường vắc xin mà họ định phân phối cho mình sang các nước khác dịch nặng hơn. Vì vậy thay đổi tư duy về chủ động sản xuất vắc xin nội như cách thế giới đã làm là phù hợp", ông Kiên giải thích.
(Ảnh: Việt Hùng - Quốc Thọ - Quân Mạnh)