TS Ngô Tuyết Mai: Con cái có tới 4 nhóm sức khỏe cần cha mẹ chăm sóc, bạn đã biết chưa?

Thanh Hương |

Muốn trở thành cha mẹ tốt thì bạn hãy tự suy ngẫm và kiểm tra, xem mình đang làm tốt mảng sức khỏe nào trong 4 mảng dưới đây, có thiếu sót gì hay không.

Theo Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai - hiện đang là giảng viên ngành Sư phạm Tiếng Anh của Khoa Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn thuộc Trường Đại học Flinders của Úc, các cha mẹ cần nhận ra những biểu hiện không tích cực mà mình vô tình gây ra với con cái, để nuôi dạy con tốt hơn.

Để hiểu rõ hơn về chủ đề này, chúng tôi xin mời độc giả tham khảo quan điểm của Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai.

Những điều cha mẹ nên tránh làm với con

PV: Là một giảng viên chuyên ngành tiếng Anh, nhưng chị lại mở lớp dạy về việc làm cha mẹ, xin chị cho biết cơ duyên nào đã khiến chị đưa ra quyết định như vậy, thưa chị?

TS Ngô Tuyết Mai: Tôi xin đính chính một chút, trước đây tôi là giảng viên chuyên ngành tiếng Anh, nhưng bây giờ tôi là giảng viên TESOL, chuyên đào tạo giáo viên để dạy tiếng Anh.

Trong 20 năm trở lại đây, tôi tập trung nhiều vào đào tạo giáo viên và trong các khóa đào tạo, các học viên của tôi đã chia sẻ băn khoăn rất lớn của họ trong việc nuôi dạy con cái của chính họ.

Nhiều học viên của tôi nói rằng, dù họ đã đào tạo thành công nhiều học sinh ở trên lớp học, nhưng về nhà, họ lại cảm thấy bất lực với con cái của mình.

Tôi là người làm việc trực tiếp với giáo viên, nên trăn trở của họ cũng là trăn trở của tôi. Nếu họ gặp vấn đề với con cái thì họ sẽ khó tập trung tốt cho việc học ở trên lớp cũng như công việc giảng dạy. Và thiết nghĩ nếu các thầy cô còn gặp khó khăn trong việc dạy con thì những bố mẹ khác ngoài ngành giáo dục có thể còn gặp khó khăn hơn nhiều trong việc dạy con.

TS Ngô Tuyết Mai: Con cái có tới 4 nhóm sức khỏe cần cha mẹ chăm sóc, bạn đã biết chưa? - Ảnh 3.

Giảng viên - Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai. (Ảnh: NVCC)

Thực tế nữa dẫn tôi đến quyết định mở lớp học làm cha mẹ cũng tới từ chia sẻ của chính các học viên trong lớp của tôi, liên quan đến sự thiếu hợp tác giữa giáo viên, nhà trường và các phụ huynh. Thực tế, có phụ huynh hợp tác và hỗ trợ tốt cho công việc của giáo viên trong công việc giáo dục con trẻ, nhưng cũng có những phụ huynh giao phó toàn bộ việc học và việc dạy bảo con cái cho các thầy cô và nhà trường, và khi con cái học không được tốt, nhiều người lại đổ lỗi và quy trách nhiệm hoàn toàn cho giáo viên và nhà trường

Xuất phát từ những thực tế như vậy, tôi nghĩ đã đến lúc cần phải giúp các giáo viên làm tốt công việc làm cha mẹ của chính họ trong gia đình, đồng thời giúp họ để họ giúp được các phụ huynh khác hợp tác tốt hơn với giáo viên và thông qua đó giúp các con của các phụ huynh đó.

Như bạn biết, nhà trường, thầy cô giáo, gia đình và xã hội đều là các yếu tố để hình thành nhân cách của trẻ, trong đó yếu tố gia đình và công việc làm cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

PV: Chị từng có lớp học dạy và nhận diện về những hành động không tốt của bố mẹ với con cái. Vậy theo chị, những điều cha mẹ không nên làm với con mình là gì? 

TS Ngô Tuyết Mai: Có rất nhiều nhóm hành vi không nên khiến cho cha mẹ đôi khi vô tình tạo ra những kết quả không tốt với con cái. Biểu hiện đầu tiên để nhận diện điều này đó là khi con không kết nối với cha mẹ và cha mẹ không có quan hệ tốt với con cái.

Có thể con bạn vẫn khỏe mạnh, có kết quả học tập tốt hay hòa đồng với bạn bè xung quanh, tóm lại con rất bình thường nhưng con lại không muốn trò chuyện, chia sẻ, và kết nối với chính cha mẹ thì có thể là cách dạy con của bạn đang có vấn đề. Thường thì nếu cha mẹ làm tốt thì con cái sẽ muốn kết nối, thích chia sẻ và được nói chuyện với cha mẹ.

TS Ngô Tuyết Mai: Con cái có tới 4 nhóm sức khỏe cần cha mẹ chăm sóc, bạn đã biết chưa? - Ảnh 4.

(Ảnh: NVCC)

Ví dụ khi bạn muốn biết một điều gì đó rất riêng tư của con mà con nhất định không chia sẻ thì lúc này, bạn cũng nên "chột dạ" một chút, cũng cần phải xem lại bản thân, xem mình có vô tình làm điều gì không tốt với con hay không.

Về góc độ nghiên cứu, tôi đã nghiên cứu và thấy rằng có 4 nhóm hành vi, thái độ của cha mẹ không nên áp dụng với các con.

Nhóm thứ nhất là nhóm nghiêm khắc thái quá: Con vừa mới nói một điều gì đó không đúng ý thì bố mẹ đã nổi nóng và đưa ra những sự cấm đoán, phản ứng và phán xét, thậm chí dùng tới đòn roi, bạo lực để "nói chuyện" và răn đe con.

Nhóm thứ hai chính nhóm kiểm soát (còn gọi là cha mẹ trực thăng): Cha mẹ muốn biết và muốn kiểm soát, nhúng tay vào tất cả mọi thứ về con, từ việc con ăn gì, làm gì, đi chơi với ai, học gì, chơi gì... và không cho con quyền được quyết định bất cứ điều gì, dù là nhỏ nhất.

Nhóm thứ ba là nhóm thích tạo bệ đỡ cho con, muốn loại bỏ hết các rào cản, khó khăn trong cuộc sống của con để con không gặp khó khăn gì trong học tập và cuộc sống. Và nếu khó khăn có xuất hiện thì cha mẹ sẽ hiện diện và giải quyết thay con.

Nhóm thứ tư là nhóm thích so sánh con mình với con người khác hoặc so sánh những đứa con với nhau trong cùng gia đình và cho rằng họ đang nêu gương để con tiến bộ.

PV: Từ chia sẻ của chị, có thể thấy rằng có lẽ hầu như tất cả chúng ta đều sẽ có lúc nào đó vô tình gây ra những việc không nên làm với con mình. Liệu rằng việc trở thành cha mẹ tốt là quá khó?

TS Ngô Tuyết Mai: Quan điểm của tôi, cũng giống như những nhà nghiên cứu giáo dục khác trên thế giới, đó là công việc làm cha mẹ là không bao giờ dễ dàng. Chúng ta có thể hoàn thành hết bằng cấp này, bằng cấp khác, nhưng chúng ta chưa bao giờ được học làm cha mẹ một cách bài bản, khoa học để chúng ta có thể làm cha mẹ bình an, hạnh phúc và thông thái.

Từ khi mang bầu con, người mẹ cần học cách kiềm chế cảm xúc của chính mình để con không bị quen với những tiếng quát tháo, tức giận của mẹ, cho đến khi con ra đời, con suy nghĩ khác và làm trái ý cha mẹ, con có thể làm chúng ta thất vọng, chúng ta nên ứng xử thế nào để không phản sư phạm.

Đó chính là lý do chúng ta cần phải học làm cha mẹ, là lý do tôi tâm huyết với chủ đề làm cha mẹ, để từ góc độ sư phạm của mình, có thể giúp các bậc phụ huynh giải mã các vấn đề, tìm ra được câu trả lời trong quá trình đồng hành cùng các con và nuôi dạy con có khoa học, có phương pháp sư phạm hơn. Tôi tin rằng việc làm cha mẹ vừa là khoa học và vừa là nghệ thuật và các cha mẹ đều cần phải học để nắm vững những nguyên tắc và kỹ năng làm cha mẹ để ứng dụng linh hoạt và phù hợp với từng đứa trẻ.

PV: Vậy trong hành trình nuôi dạy con, có bao giờ chị vô tình gây ra những ứng xử không tốt với con không, thưa chị?

TS Ngô Tuyết Mai:Trong hành trình 26 năm nuôi con của tôi, có những lúc tôi cũng vô tình có những hành động, lời nói không được tế nhị, kiểu như vô tình khen một người khác, có thể là bạn bè hay anh chị em của con trước mặt con để mong con học hỏi và nêu gương người đó, nhưng lại vô tình khiến con nghĩ là mẹ đang so sánh mình với người khác và khiến con có cảm giác bất an.

Tuy nhiên, vì là giáo viên, tôi luôn có thói quen quan sát, lắng nghe, chiêm nghiệm và điều chỉnh mình, giống như tôi vẫn hay làm với các học viên của tôi nên tôi có thể nhận biết ngay thái độ, phản ứng của con, từ đó sẽ tự điều chỉnh cách dạy con sao cho phù hợp. Nếu sai, tôi sẵn sàng xin lỗi con.

"Cha mẹ hãy yêu con đúng cách"

PV: Từ những chia sẻ trên đây, chị có muốn nhắn nhủ gì cho các bậc cha mẹ có thể vô tình làm tổn thương cho con không, thưa chị?

TS Ngô Tuyết Mai: Trẻ em có 4 nhóm sức khỏe cần được chăm sóc.

Thứ nhất là sức khỏe thể chất: Thường là các bậc phụ huynh ở Việt Nam đã làm khá tốt điều này nếu bạn lo lắng đến bữa ăn, giấc ngủ của con, cho con tập luyện thể thao.

Thứ hai là sức khỏe cảm xúc: Ở Việt Nam có vẻ chưa được quan tâm thích đáng. Hãy luôn luôn quan tâm đến cảm xúc của con trẻ, ví dụ ở trường hôm nay con vui hay con buồn, hoặc con cảm thấy như thế nào sau khi nghe bố hoặc mẹ nói điều gì đó... chẳng hạn.

Thứ ba là sức khỏe xã hội, tức là mối quan hệ của con với những người xung quanh. Có vẻ như nhiều cha mẹ chưa quan tâm thích đáng đến nhóm sức khỏe này của con.

Thứ tư là sức khỏe trí tuệ, ví dụ là tạo điều kiện cho con học hảnh, học cả các môn chính khóa và các môn học khác như cho học đàn, học nhạc, học vẽ, học ba lê, học bơi...

TS Ngô Tuyết Mai: Con cái có tới 4 nhóm sức khỏe cần cha mẹ chăm sóc, bạn đã biết chưa? - Ảnh 6.

TS Ngô Tuyết Mai cùng con trai. (Ảnh: NVCC)

Vậy muốn trở thành cha mẹ tốt thì bạn hãy tự suy ngẫm và kiểm tra, xem mình đang làm tốt mảng sức khỏe nào trong 4 mảng trên, thiếu sót ở mảng nào hay không.

Thật ra, cha mẹ Việt Nam hay cha mẹ ở trên thế giới nói chung thì đều có một đặc điểm chung là rất yêu thương con và muốn đem lại cuộc sống tốt nhất cho con, nhưng tôi vẫn luôn muốn nhắc nhở các học viên của mình rằng, mỗi một ngày trôi qua, bạn đã, đang và sẽ gửi điều gì vào ngân hàng ký ức của các con bạn? 

Từ ánh mắt, lời nói, giọng điệu, suy nghĩ, cảm xúc, hành động... của bạn đều được gửi vào ngân hàng ký ức của con. Đừng nghĩ con mình nhỏ và tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm với con của mình và cho rằng con sẽ quên những cảm xúc tiêu cực, thực ra, ít nhiều những điều đó sẽ đều được lưu lại trong ngân hàng ký ức của các con.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ đừng thấy người khác nghiêm khắc với con và con họ rất ngoan mà vội vàng làm theo họ. Có thể bạn không biết ngoài sự nghiêm khắc, các cha mẹ đó đã cho những gì vào ngân hàng ký ức của con họ.

Từ góc độ giáo dục, khi bạn chê, mắng và nghiêm khắc với một đứa trẻ thì bạn phải bù lại bằng ít nhất 3 lời khen hoặc 3 hành động tích cực khác."

TS Ngô Tuyết Mai

Nên có thể bạn chỉ nhìn thấy người ta nghiêm khắc với con họ mà không biết họ đã có những hành động tích cực gì khác với con họ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần có những suy nghĩ sâu, thấu đáo, có sự quan sát và có sự giao tiếp và học hỏi có chọn lọc từ các phụ huynh khác.

Thêm nữa, cha mẹ hãy yêu con nhưng hãy học cách làm cha mẹ để yêu con đúng cách. Yêu con, định hướng cho con, đồng hành cùng con nhưng vẫn tin tưởng con, tôn trọng con để con tự lập trong suy nghĩ, trong hành động để con trưởng thành.

Cuối cùng, cha mẹ đừng quá cầu toàn. Để đạt được thành công, mỗi đứa trẻ cũng phải mắc những sai lầm và các sai lầm đó là cơ hội học tập rất tốt. Thế nên việc bố mẹ mong muốn thay đổi hành vi của con ngay lập tức mà không áp dụng phương pháp sư phạm thì có thể phản tác dụng, có thể gây ức chế vô cùng không chỉ cho chính đứa trẻ ấy mà còn cho cả cha mẹ.

PV: Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ rất tâm huyết và hữu ích.


[EDIT] photo-1

Sau khi miệt mài cống hiến trong nhiều năm, giảng viên Ngô Tuyết Mai đã được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng khoa Đại cương (nay là khoa Tiếng Anh chuyên ngành) của Trường ĐH Hà Nội vào năm 2005.

Trong 5 năm làm trưởng khoa, vì muốn nâng cao các kỹ năng về quản lý nên năm 2010, chị Tuyết Mai tiếp tục sang Úc để học tiến sỹ chuyên ngành Quản trị Đại học trong 4 năm. Khi trở về, chị được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế tại Trường ĐH Hà Nội và tiếp tục cống hiến nhiều năm cho trường ĐH Hà Nội.

Sau đó 2 năm, TS Ngô Tuyết Mai đã quay trở lại Úc làm nghiên cứu sau tiến sĩ và được mời làm giảng viên cao cấp tại ĐH Flinders ở thành phố Adelaide. Hiện tại, chị đang là giảng viên cao cấp tại Khoa Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn của ĐH Flinders.

Chị Tuyết Mai đã được nhận giải thưởng Giảng viên xuất sắc của ĐH Flinders năm 2021. Chị cũng là đồng sáng lập viên của Công ty đào tạo Smart Learn Solutions của Úc cung cấp các giải pháp học tập thông minh cho các giáo viên và phụ huynh Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại