Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Nên "thu hồi lại dự án BOT Cai Lậy"
Sáng 30/11, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) hoạt động trở lại sau 3 tháng tạm dừng thu phí. Việc nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ và chờ trả lại 100 đồng hay việc đưa tiền lẻ một cách chậm rãi... khiến giao thông qua đây ùn tắc trong nhiều giờ, trạm phải xả. Ngày hôm qua (2/12), do tình hình tiếp tục căng thẳng nên trạm đã phải xả, đóng 10 lần.
Trao đổi với PV, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc người dân sử dụng tiền lẻ là không sai tuy nhiên cần phải bình tĩnh hơn, các cơ quan chức năng, nhất là Bộ GTVT phải vào cuộc quyết liệt nếu không sẽ đẩy tình hình ngày càng căng thẳng.
TS Liêm lo ngại, việc phản đối sẽ lan rộng ra các trạm BOT khác và khi đó câu chuyện không còn chỉ của BOT Cai Lậy.
Theo ông, những mâu thuẫn, bất đồng của lái xe với chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy chính là ở vị trí đặt trạm BOT này.
"Lãnh đạo Bộ GTVT không ít lần nói đã kiểm tra, rà soát và khẳng định trạm thu phí này vẫn nằm trong dự án, nhưng tôi chỉ hỏi tại sao chủ đầu tư làm con đường tránh mà lại thu cả tiền phí trên Quốc lộ 1A?
Ở đây, theo tôi hiểu đó là thỏa thuận của Nhà nước với doanh nghiệp và thu như thế sẽ được nhiều tiền, nhanh chóng thu hồi vốn nhưng người dân sẽ không bao giờ chấp nhận, vì làm ở đâu thì thu ở đó, không thể làm một chỗ thu một chỗ khác.
Đó cũng là nguyên nhân chính tạo ra mâu thuẫn, bất đồng trong thời gian qua", ông Liêm nêu rõ.
Ông cho hay, Bộ GTVT đang đứng trước một bài toán khó, giữa việc dời trạm thu phí BOT Cai Lậy và để thu phí. Bởi di dời thì phải bồi thường cho nhà đầu tư, đẩy rủi ro cho ngân hàng, còn tiếp tục thu phí thì sẽ tiếp tục gặp phải sự phản đối của người dân.
Người dân hò reo, vẫy tay ăn mừng khi BOT Cai Lậy xả trạm. Ảnh: Viết Dũng.
"Nhiều người nói cần phải có đối thoại giữa ba bên là Nhà nước, doanh nghiệp, người dân để làm rõ sự đúng sai của các bên, nhưng tôi nghĩ không cần thiết, bởi mọi thứ đã rất rõ ràng.
Đối thoại để tìm hiểu ý kiến của nhau, thỏa hiệp nhưng đây không thỏa hiệp mà cứ tiếp tục thu phí như thế thì việc làm này chỉ vô ích", TS Liêm nói.
Đưa ra giải pháp cho những mâu thuẫn, bất đồng giữa tài xế và chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc đầu tiên Nhà nước cần làm trong lúc này là thu hồi lại dự án BOT.
"Nhà nước nên sử dụng ngân sách để thanh toán tiền cho nhà đầu tư, thu hồi lại dự án và di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy, không thu phí nữa. Còn nếu không có tiền thì có thể tìm một khu đất nào đó, giao cho chủ đầu tư để bù đắp khoản tiền bỏ ra.
Nhà nước và doanh nghiệp có thể chịu thiệt một tý nhưng theo tôi chỉ có làm như vậy mới giải quyết triệt để vấn đề bất đồng tại BOT Cai Lậy và chắc chắn người dân sẽ rất ủng hộ việc làm này", TS Liêm đề nghị.
Giải pháp đối với BOT Cai Lậy của 1 chuyên gia kinh tế
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng "hiến" một số giải pháp để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy hiện nay. Cụ thể:
Sử dụng ngân sách Nhà nước thanh toán 300 tỷ tiền đầu tư cho nhà thầu về việc nâng cấp đoạn đường cũ qua thị xã Cai Lậy. Phương án thế nào là do thoả thuận giữa hai bên, đồng thời, yêu cầu kiểm toán, thanh tra lại dự án để đảm bảo giá thành và chất lượng. Mục đích của việc này là biến đoạn đường qua thị xã thực sự trở thành một hàng hoá công.
Dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đầu đoạn đường tránh mới xây, nằm sau ngã ba. Vì đây là đoạn đường được coi là hàng hoá tư hoặc công tư hợp doanh (PPP), nên mức phí về cơ bản do chủ đầu tư quyết định, nhưng có một khả năng nhỏ chính quyền vẫn được phép can thiệp nếu thấy có yếu tố độc quyền.
Về nguyên tắc, chính quyền có quyền đặt thêm một trạm thu phí ở đầu đường vào thị xã và trạm này độc lập với trạm bên đường tránh, tiền thu về thuộc ngân sách.
Trạm này có hai mục đích, một là thu hồi một phần vốn sửa chữa và chi phí duy tu con đường (điều này phải được sự đồng ý của Hà Nội vì đây là tài sản Quốc gia) và hai là mang tính chính sách, nhằm điều tiết lượng xe đi qua thị xã Cai Lậy theo ý chí của chính quyền, đặc biệt nhằm hạn chế các xe hạng nặng đi qua khu dân cư, bảo vệ đời sống người dân thị xã.
>> Xem thêm clip: BOT Cai Lậy xả trạm ngày 2/12 (nguồn: Pháp luật TP.HCM)