Từ 9h30 đến 11h30 ngày 3/6/2016, Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã tổ chức giao lưu trực tuyến với độc giả về chủ đề "Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát".
TS Hoàng Xuân Ba - Trợ lý GS, Khoa Ngoại, Đại học Y khoa Keck, Đại học Nam California (VSC) đã tham gia trả lời câu hỏi giao lưu về chủ đề này.
Hỏi: Thưa ông Hoàng Xuân Ba, nhiễm độc chì sẽ gây những tác hại gì đối với người sử dụng? Chì có gây ung thư không và nếu có thì gây theo cơ chế nào, và gây ra loại ung thư gì? Sử dụng sản phẩm nước giải khát bị nhiễm chì trong thời gian dài có dẫn tới ung thư hay không? ([email protected])
TS Hoàng Xuân Ba: Chì có thể gây tác hại đến mọi tế bào, mọi cơ quan trong cơ thể, những tác hại này thường nặng nề hơn ở trẻ em. Nhưng đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy chì có thể gây ra 1 bệnh ung thư cụ thể nào cho con người. Do cơ thể là 1 khổi thống nhất và có liên quan chặt chẽ đến nhau nên nhiễm độc chì có thể gián tiếp gây ra ung thư, qua tác hại của chì tới hệ miễn dịch, các cơ quan thần kinh nội tiết, tủy xương, hệ bạch huyết…
Chúng ta không nên chỉ chú ý vào nước giải khác mà chì có thể vào cơ thể bằng nhiều nguồn: không khí ô nhiễm, các sản phẩm xăng dầu, các loại sơn dân dụng và công nghiệp, nhiều loại thực phẩm, thậm chí cả nước uống, vấn đề là lượng chì được đưa vào trong cơ thể vượt ngưỡng thải độc của cơ thể của con người trong 1 thời gian dài hoặc ngắn để gây ra ngộ độc chì cấp và mãn tính.
Chúng ta cũng ko nên quá lo ngại khi uống 1 lượng nhỏ chì vì cơ thể chúng ta là bộ may thải độc mạnh và tương đối hoàn hảo để có thể đào thải, ngăn ngừa tác hại của chì. Tác hại và ngộ độc chì chỉ xảy ra khi lượng hóa chất này vượt quá khả năng đào thải và thải và thải độc của cơ thể chúng ta.
Hỏi: Thưa tiến sĩ Ba, cháu nghe nói hình như tỷ lệ người tiểu đường ở Mỹ cao nhất thế giới, có phải không thưa tiến sĩ, và có phải do dân họ uống nhiều Coca, Pepsi? ([email protected])
TS Hoàng Xuân Ba: Mỹ là 1 trong những quốc gia có tỉ lệ bệnh tiểu đường cũng như các bệnh rối loạn chuyển hóa rất cao.
Thói quen uống các loại nước đóng chai có nhiều đường và các chất tạo ngọt chỉ là 1 trong những nguyên nhân của dịch bệnh này, còn những nguyên nhân khác như lối sống, chế độ dinh dưỡng và những yếu tố như tâm lý tinh thần đã được chỉ ra như những nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh tiểu đường type II.
Hỏi: Chào anh, tôi được nghe kể về anh nhiều trên Facebook rằng nhiều người ung thư nhờ đến anh mà đã khỏi bệnh. Rất cảm ơn anh đã đến trả lời câu hỏi của chúng tôi.
Nhân đây tôi có một câu hỏi mà suy nghĩ từ lâu thế này nhờ anh giải đáp giúp. Tôi đang bị tiểu đường nên chế độ ăn uống của tôi đã cố gắng thay đổi nhiều, ăn uống rất ít đồ ngọt. Vậy liệu người tiểu đường như tôi có nguy cơ ung thư cao hơn người bình thường không? Cảm ơn anh. (Hoàng Dung - Hà Nội)
TS Hoàng Xuân Ba: Cảm ơn anh đã đưa ra 1 câu hỏi thiết thực. Theo các nghiên cứu về dịch tễ học, người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc tất cả các bệnh ung thư cao hơn người không mắc phải căn bệnh này.
Cũng theo nhiều nghiên cứu khoa học những rối loạn về chuyển hóa ở người bệnh ung thư cũng tương tự như rối loạn về chuyển hóa ở người bị bệnh tiểu đường.
Ngoài ra cũng có 1 giả thuyết: Việc điều trị bệnh tiểu đường bằng các thuốc hạ đường huyết gây độc hại cho gan, tụy… có thể cũng làm tăng nguy cơ bệnh ung thư cho bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh ung thư ở đường tiêu hóa.
Để phòng các biến chứng của bệnh tiểu đường, và phòng ung thư việc chỉ ăn kiêng các chất ngọt là chưa đủ, anh nên tìm hiểu thêm các kiến thức để phòng các biến chứng của bệnh tiểu đường và nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tôi có 1 vài gợi ý cho anh như sau:
- Giảm tối đa khẩu phần ăn các loại thịt động vật.
- Tăng tối đa các hoạt động thể lực ngoài trời và có giấc ngủ sâu đủ thời gian.
- Dùng thêm những thực phẩm chức năng có các chất chống oxy hóa mạnh như là alpha lipoic acid, magie, các loại rau củ quả tươi…
Hỏi: Thưa ông Hoàng Xuân Ba, xin ông cho biết những người đã dùng sản phẩm nhiễm chì trong thời gian dài có cách nào để xét nghiệm biết các nguy cơ không và cần làm ngay việc gì để tránh tác hại? (Phạm Dung - Thanh Hóa)
TS Hoàng Xuân Ba: Trên thực tế, chúng ta không có biểu hiện của nhiễm độc chì thì cũng không nên lo ngại về khả năng nhiễm độc, tác hại của chì đối với cơ thể.
Việc xét nghiệm để tìm nồng độ chì trong cơ thể, trong máu, trong các cơ quan tổ chức và việc làm cần được thực hiện ở những cơ quan chuyên nghiệp cao vì sai số của những xét nghiệm này và độ tin cậy của nó là không hoàn hảo.
Chúng ta nên tránh tối đa việc tiếp xúc với chì trong môi trường sinh hoạt và sản xuất, cũng như tăng cường sử dụng các loại thực phẩm cũng như thực phẩm chức năng có khả năng tăng cường thải độc của cơ thể.
Thói quen vận động thể lực đều đặn, ăn nhiều rau quả tươi sạch, uống trà xanh và các loại nước trà dược thảo tự đun nấu…, có thể là phương thức thải độc và chống lại tác hại của chì cũng như nhiều loại độc tố khác.
Hỏi: Thưa ông, ở trên thế giới có tình trạng như Việt Nam không, khi sản phẩm được sử dụng một thời gian mới phát hiện ra lỗi nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng? ([email protected])
TS Hoàng Xuân Ba: Đây là điều chắc chắn, ở những nước phát triển như Mỹ và châu Âu đã có nhiều trường hợp các thực phẩm, dược phẩm có tiềm năng phá hại sức khỏe của con người gây bệnh tật và thậm chí gây tử vong đã được lưu hành trong 1 thời gian rất dài.
Bởi các cơ quản quản lý dược phẩm và thực phẩm của các nước này sau 10 hoặc 20 năm mới bị phát hiện và cấm lưu hành.
Bởi vậy chúng ta cũng không nên quá bi quan và nhìn những gì xảy ra ở nước ta như là những hiện tượng tồi tệ mà không có ở các nước khác trên thế giới.
Hỏi: Tỷ lệ người mắc ung thư có nguyên nhân liên quan trực tiếp đến nhiễm độc chì tại Mỹ ra sao? Nguồn gốc như thế nào (từ nước giải khát, thực phẩm...)? ([email protected])
TS Hoàng Xuân Ba: Theo kiến thức của tôi, không có số liệu thống kê chỉ ra sự liên quan giữa nhiễm độc chì và 1 bệnh nhân ung thư cụ thể nào ở nước Mỹ.