TS. BS Võ Xuân Sơn: Thoát vị đĩa đệm có thực sự đáng sợ?

Tiểu Nhã |

Nhiều bệnh nhân đến với tôi trong tâm trạng hoang mang, lo lắng cùng cực, chỉ vì đi chụp MRI, thấy có khối thoát vị đĩa đệm.

Trên báo chí, mạng xã hội, luôn tràn ngập các thông tin về bệnh thoát vị đĩa đệm, nào là nó nguy hiểm, nào là nó gây liệt, nào là nó làm tàn đời...

Đa phần các thông tin về thoát vị đĩa đệm đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến một phương pháp chữa bệnh nào đó, hoặc một cơ sở khám chữa bệnh, hoặc massage, bấm huyệt, thậm chí là cả những cơ sở bán bàn ghế, giường...

Phần lớn thoát vị đĩa đệm không gây ra cái gì và không cần điều trị. Theo các nhà nghiên cứu thì 1/3 số người bị thoát vị đĩa đệm không có triệu chứng gì, 1/3 nữa thì có triệu chứng nhưng tự hết mà chẳng cần đến bác sĩ, thầy nắn hay thầy cúng... Như vậy, 2/3 số người bị thoát vị đĩa đệm không cần đến bất cứ loại thầy nào.

Đối với 1/3 còn lại, họ cần đến thầy thuốc. Nhưng thầy thuốc trị cái gì? Đại đa số các thầy thuốc không trị thoát vị đĩa đệm, mà trị cái mà thoát vị đĩa đệm gây ra. Nói cho đúng hơn, họ trị cái mà có thể là do thoát vị đĩa đệm gây ra.

Đau là triệu chứng thường gặp nhất ở người bị thoát vị đĩa đệm như: đau thắt lưng, đau cổ gáy, đau thần kinh tọa, đau vai gáy, vai tay... Trong số người bị đau có thoát vị đĩa đệm, thì không hẳn đau là do thoát vị đĩa đệm gây ra. Ngay cả khi đau thực sự có liên quan đến thoát vị đĩa đệm, thì nó cũng thông qua các hiện tượng viêm, thậm chí là tâm lí.

TS. BS Võ Xuân Sơn: Thoát vị đĩa đệm có thực sự đáng sợ? - Ảnh 1.

TS BS Võ Xuân Sơn

Lúc đó, các thầy thuốc thực chất là trị đau, chứ không phải trị thoát vị đĩa đệm. Nhiều người bệnh sau khi hết đau, cho là mình đã hết bị thoát vị đĩa đệm. Nhưng sau khi chụp lại, khối thoát vị còn.

Tôi có một anh bạn rất thân. Anh là một đại gia thường xuyên mua các phát minh. Một số trong các phát minh đã được anh tổ chức sản xuất, thành các sản phẩm phục vụ sức khỏe và bán ra khắp thế giới. Anh bị thoát vị đĩa đệm. Tôi khuyên anh mổ, vì lúc đó tình trạng khá nặng nề.

Anh qua Hongkong tình cờ gặp một nhà phát minh. Người ấy giới thiệu cho anh một cái máy nằm trên cái máy ấy mấy ngày về hết đau. Anh mừng quá và mua luôn bản quyền gần cả triệu USD. Anh mang về gặp tôi, đề nghị tôi xem xét có thể ứng dụng cho bệnh nhân. Nếu được, anh sẽ tặng cho tôi cả dàn máy.

Tôi thấy không có cơ sở nào để tin vào cái máy đó. Anh đỡ đau, nhưng triệu chứng về vận động, cảm giác của anh vẫn y nguyên. Chụp chiếu lại, mọi thứ vẫn y chang trước khi anh nằm cái máy thần kì gì đó. 1 tháng sau, anh đến và đề nghị tôi mổ, vì chân anh yếu đi nhiều. Sau khi mổ xong, anh bỏ luôn cái phát minh kia vào kho.

Có một dạo, nhiều người làm trong lĩnh vực xoa bóp (chiropractic) có những báo cáo, cho thấy sau khi họ xoa bóp, khối thoát vị biến mất. Họ lí giải rằng thao tác xoa bóp đã đẩy khối thoát vị đĩa đệm về chỗ ban đầu.

Thực ra thì tôi gặp khá nhiều bệnh nhân, bị thoát vị đĩa đệm, có khối thoát vị đĩa đệm vỡ rời ra. Họ không được xoa bóp, hay điều trị gì đặc biệt, nhưng sau một thời gian, chụp lại thì khối thoát vị vỡ rời ra đó biến mất, cứ như là nó có cánh và bay ra khỏi người bệnh nhân vậy.

TS. BS Võ Xuân Sơn: Thoát vị đĩa đệm có thực sự đáng sợ? - Ảnh 2.

Thoát vị đĩa đệm gia tăng

Theo các nhà nghiên cứu, thành công này thuộc về hệ miễn dịch của chúng ta, với các tế bào thực bào. Chúng nhận thấy các mảnh vỡ của đĩa đệm là vật lạ, nên ra sức "ngốn" sạch. Tuy nhiên, thành công thì ai cũng muốn là do mình cả. Nên có câu "phúc chủ may thầy" là vậy.

Có một số lí giải cho rằng việc kéo dãn cột sống tác động vào khối thoát vị. Lí giải đó có thể đúng một phần. Thực ra thì kéo giãn cột sống chỉ gián tiếp làm giảm áp lực tác động lên thần kinh của khối thoát vị đĩa đệm. Điều trị thực sự tác động vào khối thoát vị đĩa đệm chỉ là mổ.

Nhưng các nhà nghiên cứu cho thấy, chỉ có khoảng 1% số người bị thoát vị đĩa đệm là cần phải mổ.

Như vậy, khi phát hiện ra mình bị thoát vị đĩa đệm, bạn có tới 99% khả năng là không cần mổ, trong đó, có tới 66% khả năng là không cần đến bất cứ thầy thuốc nào. Còn ngay cả khi các triệu chứng có vẻ nặng, bạn cũng có tới 32/33 (tức là khoảng 97%) cơ hội là không phải mổ.

Mà ngay cả khi phải mổ, thì với tiến bộ y học hiện nay, với sự phát triển của Phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu, những tác dụng phụ của cuộc mổ được giảm xuống mức tối đa, khả năng biến chứng giảm xuống tối thiểu, cuộc mổ trở nên thực sự nhẹ nhàng, đôi khi như một cuộc dạo chơi.

Vậy thì, hãy đừng quá lo lắng, nếu như phát hiện mình bị thoát vị đĩa đệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại