Tháng 1 năm 2016, tôi đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh, háo hức chờ đến ngày làm việc đầu tiên ở trường Đại học RMIT Việt Nam vào buổi sáng hôm sau. Tôi đến thành phố Hồ Chí Minh sau 5 năm rưỡi giảng dạy ở Malaysia, vì vậy, tôi khá quen thuộc với cuộc sống ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh vẫn đem đến cho tôi những thử thách mới, cả về chuyên môn và trải nghiệm cuộc sống.
Buổi tối đầu tiên của mình, tôi loay hoay tìm thẻ SIM cho chiếc điện thoại, rồi ngồi xuống và ăn một bát phở, nghĩ lại về cuộc "đánh vật" trong hàng giờ để tìm mua chiếc thẻ SIM vì bất đồng ngôn ngữ.
Tôi luôn háo hức thử các món ăn mới, nhưng phở là một lựa chọn an toàn. Trước khi tôi đặt chân đến đây thì các nhà hàng Phở Việt Nam ở London đã rất nổi tiếng. Tôi sớm nhận ra rằng, việc không có các kỹ năng sử dụng tiếng Việt lại cho phép tôi thử các trải nghiệm không ngờ về hương vị của thành phố bằng cách "đoán mò" và chọn ngẫu nhiên một món trong thực đơn.
Phải "vật lộn" với ngôn ngữ cũng có lợi, điều này khiến người Sài Gòn phải trổ tài tiếng Anh của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của tôi ở thành phố Hồ Chí Minh là một cuộc khám phá liên tục về những cử chỉ, hành động của người dân địa phương, và điều này đã định hình nên hành trình của tôi trong suốt 5 năm rưỡi qua.
Cảm xúc phấn khích khi bạn không hề biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, cố gắng giải mã nền văn hóa khác biệt với những trải nghiệm trước đó, điều này không chỉ thay đổi cách tôi làm nghề như một nhà làm phim thể nghiệm, mà còn thay đổi chính bản thân mình. Tôi đã học "cách" lái xe máy, thật sự là một bộ môn nghệ thuật mà người Việt đã nâng tầm. Nhưng quan trọng nhất, tôi học được cách bóc tách từng lớp của thành phố này, để khám phá điều gì đã khiến nó đặc biệt, khi tôi từ một du khách trở thành một cư dân của thành phố.
Trong vòng 6 tháng kể từ khi bắt đầu làm việc RMIT cùng với một số đồng nghiệp, tôi phát triển một dự án khám phá và ghi lại thành phố. Chúng tôi tập trung vào những con hẻm, vì đây chính là cấu trúc trên khắp thành phố. Quận 4 là địa điểm trung tâm, và có vị trí địa lý độc đáo. Đây cũng là nơi có những con hẻm lớn không bị ảnh hưởng bởi du lịch và phát triển thương mại.
Lần đầu tôi vào một con hẻm, ở Đường 14 và 15 ở Quận 4, tôi đi bộ xuyên qua khu chợ trải dài dọc đường Đoàn Văn Bơ. Cảm nhận đầu tiên là sự phấn khích khi đi qua những con phố chật hẹp thật sự ồn ã và đầy màu sắc. Lướt qua những người bán hàng, xe ba gác hay xe máy thật sự là một trải nghiệm "nặng đô" mà trước đó tôi chưa từng biết. Đến nay, tôi vẫn giữ nguyên cảm giác thích thú đó mỗi khi đi qua nơi này. Khu chợ khiến tôi cảm thấy hoàn toàn khác biệt với phần còn lại của thành phố, đó là sự hứng thú khi adrenaline lên cao. Không có nhiều nơi mà tôi từng đến khiến tôi có cảm giác đó.
Khu chợ rõ ràng là nơi để người dân kiếm sống, họ không có thú xa xỉ thả bộ và nhìn ngắm xung quanh và bị cuốn vào dòng năng lượng nơi đây như tôi, nhưng đó là một thí dụ khác về cách mà "từng địa điểm" được hình thành trong cộng đồng, và văn hoá này là mạch máu của toàn thành phố.
Di chuyển từ khu chợ vào trong một con hẻm ở phía sau là một thế giới khác mở ra. Đi qua một "ngôi nhà tình nghĩa" mà khu dân cư xây cho một cặp đôi già, là một mạng lưới những tuyến đường nhỏ, không ồn ã như khu chợ nhưng sự hứng thú thì không suy chuyển. Tôi đã yêu những con hẻm này ngay khi lần đầu tiên nhìn thấy chúng. Một không gian hẹp, màu sắc, chất liệu hấp dẫn con mắt của một nhà làm phim và hoạ sĩ. Càng đi nhiều, tôi càng khám phá thêm nhiều điều thú vị về không gian nơi đây. Tôi nghĩ điều tôi thực sự thích thú là "chất" của những nơi này.
Không một điều gì trong con hẻm cố gắng biến thành một thứ gì khác. Nó chân thực một cách khủng khiếp, một thứ quá hiếm hoi trong nền văn hóa cóp nhặt ngày nay.
Các ngôi nhà được tận dụng với nhiều chức năng khác nhau và luôn mang tính hữu dụng, ngoại trừ những nơi mà người dân có sinh kế tốt thì làm những cánh cửa và cửa sổ với hoa văn cầu kỳ. Mọi con hẻm đều được tối ưu hoá để không lãng phí bất cứ không gian nào. Và không gian chỉ vừa đủ để người có thể đi qua.
Một điểm "chất lượng" khác ấn tượng với tôi là tính hữu dụng của những con hẻm. Đó có thể là những quán cà phê, nhà hàng, nơi tụ họp, sân chơi, quán karaoke, với những chiếc xe máy chạy ngang qua. Sự sáng tạo trong cách họ tận dụng khoảng không gian là một tài sản văn hóa giá trị nên được hiểu rõ và ứng dụng trong sự phát triển của Sài Gòn hiện đại hôm nay. Những sự phát triển mới cho thấy tất cả những vấn đề xã hội của phương tây, bởi chúng được xây dựng mà không để tâm tới những hiểu biết về cộng đồng dân cư hiện hữu.
Những không gian này cung cấp một cái nhìn sâu vào văn hoá đô thị như một phần của thành phố, nhưng chính người dân mới tạo ra sức sống độc đáo trong đó. Những khu vực này phát triển với động lực là con người. Một số người chỉ đủ kiếm sống qua ngày. Số khác có một xưởng sản xuất nhỏ ở ngay phía sân nhà, hay một tiệm tạp hoá, nhưng đa phần là các quán nhỏ bán cà phê và đồ ăn.
Những cư dân ở Quận 4 đều chào đón tôi mỗi lần tôi đến. Tôi chẳng bao giờ gặp phải sự phản đối nào. Những khuôn mặt tươi vui, những tiếng cười tôi gặp đã nuôi dưỡng trong tôi một niềm yêu thích với không chỉ không gian đô thị nơi đây mà cả những cư dân tạo nên nó.
Quan hệ giữa không gian sống và con người sống ở đây là chân thật và hiếm có. Đây là một ví dụ về việc các thành phố nên được xây dựng như thế nào. Những kỹ sư nên phát triển cộng đồng thông qua những giá trị hơn là lợi ích.
Những con hẻm cho chúng ta thấy một thành phố bền vững hơn. Tôi hiểu rằng, có thể chúng được xem như những thứ lạc hậu, và không phải là hình ảnh của một Sài Gòn hiện đại thường được biết. Nhưng những nơi này là Sài Gòn, không chỉ là yếu tố địa điểm mà còn là văn hóa, là cách sống. Chúng đại diện cho những gì khác biệt so với phần còn lại của Đông Nam Á. Chúng có đặc trưng đến từ mối quan hệ giữa cộng đồng và nơi họ sinh sống, không phải là một đặc trưng được "phát minh" ra bởi một nhà phát triển.
Những con hẻm ở Quận 4 và trong thành phố rộng thường bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận về di sản. Các biệt thự kiểu Pháp ở Quận 1 và Quận 3 thường chiếm trung tâm trong các cuộc thảo luận đó. Nhưng những con hẻm đem lại cho chúng ta cái nhìn về di sản đương đại sống động và đang biến chuyển. Nó hướng tới tương lai, nhưng cũng là nơi trú ngụ của một cộng đồng luôn san sẻ với nhau.
Khi chúng ta đang nỗ lực vượt qua thời gian giãn cách, lần đầu tiên tôi kiểm tra bản đồ của chính phủ về sự lây nhiễm trong thành phố ở đường 14 và 15 ở Quận 4. Thật khó khăn khi nhìn thấy quá nhiều chấm vàng (vùng có rủi ro được đánh dấu bằng màu vàng trên bản đồ). Nhưng giống như Việt Nam, người dân mạnh mẽ và sẽ vượt lên trên nghịch cảnh với nụ cười và sự lạc quan về một tương lai tươi sáng.