Vào chiều 19/9, CFA đưa ra thông báo về việc thành lập đội ngũ huấn luyện mới cho U22 Trung Quốc, đồng nghĩa với việc HLV Guus Hiddink chính thức bị sa thải.
Trước thông tin này, truyền thông Trung Quốc tỏ ra không quá bất ngờ. Nguyên nhân cũng là bởi ngay từ hôm thứ Hai (15/9), tờ Sports Sina đã đăng tải một bài viết với tiêu đề "Có một lý do cho việc sa thải của Hiddink".
Tờ báo này nhận định việc HLV Hiddink nhanh chóng bỏ lại trận thua bạc nhược 0-2 trước U22 Việt Nam ở sau lưng để đi nghỉ ở châu Âu có thể khiến cho mối quan hệ giữa ông và CFA đổ vỡ. Và đến sáng nay, đơn vị này còn tiết lộ thêm một thông tin quan trọng khi cho biết trợ lý Sun Jihai của HLV Hiddink vốn đã xin được thôi làm nhiệm vụ ở đội U22 Trung Quốc từ một tuần trước, một động thái "dọn đường" để CFA đưa đội ngũ huấn luyện mới lên thay thế.
Thất bại trước người trợ lý cũ Park Hang-seo khiến HLV Hiddink phải nhận trát sa thải.
Cùng với đó, các tờ báo lớn của Trung Quốc cũng đồng loạt đưa ra những bài phân tích nói về nguyên nhân thất bại của HLV Hiddink, người nhận mức lương lên tới 4 triệu euro/năm nhưng gần như không để lại được dấu ấn gì trong 13 tháng làm việc.
Tờ Sohu đưa ra bài bình luận với nội dung xung quanh việc lựa chọn nhân sự một cách khó hiểu của HLV người Hà Lan.
"Chỉ 4 tháng trước khi VCK U23 châu Á, cũng là vòng loại Olympic Tokyo diễn ra, bóng đá Trung Quốc đã phải sa thải HLV của đội U22, đồng nghĩa với việc những sự chuẩn bị trong hơn 1 năm qua gần như vô ích".
"Trong 1 năm vừa qua, chúng ta không thấy được sự chân thành trong cách làm việc của Hiddink. Có nhiều cầu thủ trẻ dù chơi tốt ở Chinese Super League nhưng lại không được triệu tập, trong khi một số cầu thủ không có phong độ tốt khi chơi ở nước ngoài nhưng vẫn được gọi.
Gần như rất ít khi thấy HLV Hiddink dự khán các trận đấu tại giải VĐQG, chủ yếu ông ấy dành thời gian cho những kỳ nghỉ ở Hà Lan. Trong khi đó, HLV Marcello Lippi của ĐTQG Trung Quốc rất thường xuyên đến theo dõi các trận đấu. Khi ông ấy không thể có mặt thì chúng ta cũng thấy được sự có mặt của các trợ lý ở trên khán đài", tờ Sohu phân tích.
HLV Hiddink bị truyền thông Trung Quốc đánh giá hời hợt trong thái độ làm việc.
Trong khi đó, trang Sports Sina cũng có một số lập luận giống ở trên nhưng với thái độ phê phán còn mạnh mẽ hơn và coi Hiddink có 3 "tội" trong thái độ làm việc, cách thức quản lý và vận hành công việc.
Tờ báo này chỉ ra: "Khi nhậm chức vào tháng 8 năm ngoái, Hiddink đã phát biểu rằng: "Về mặt địa lý, Tokyo ở rất gần, nhưng đường đến Olympic Tokyo thì lại rất xa". Đó là câu nói cho thấy ông ấy nhận thức được trách nhiệm nặng nề đối với mình. Thế nhưng những gì sau đó lại khiến tất cả phải thất vọng.
Ví dụ như việc chọn đội hình, gần như HLV đã bê nguyên dàn cầu thủ tham dự ASIAD 18 và gọi thêm một số người đang chơi ở nước ngoài về để tạo thành một bộ khung chính xuyên suốt.
Tại vòng loại U23 châu Á vào tháng 3 vừa qua, phải rất vất vả Trung Quốc mới giành được ngôi đầu trong một bảng đấu chỉ gồm Malaysia, Lào và Philippines. Họ phải may mắn lắm mới thoát hiểm trước Malaysia ở lượt trận cuối.
Đa số đều thấy được rằng Hiddink không mấy quan tâm và rất ít theo dõi Chinese Super League. Từ đầu năm tới nay, số ngày ông ấy có mặt tại Trung Quốc rất ít và chỉ ở châu Âu.
Vị chiến lược gia này cũng có phần quá dễ dãi với những cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài và bỏ quên các cá nhân xuất sắc chơi tại giải trong nước.
Thái độ làm việc, cách thức quản lý và vận hành công việc chính là ba "tội lỗi" lớn nhất mà Hiddink mắc phải. Cuối cùng mọi thứ đã hoàn toàn vô ích sau 1 năm làm việc của ông ấy tại U22 Trung Quốc", cây viết của Sports Sina phân tích và đánh giá.
Được biết, hợp đồng của HLV Hiddink với CFA kéo dài tới sau Olympic Tokyo (tháng 8/2020). Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ có "1 năm vô ích", CFA sẽ còn phải đền bù hợp đồng cho HLV này với số tiền không hề nhỏ cho thời gian còn lại trong hợp đồng.