Truyền thông quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt đến căng thẳng ở Biển Đông

THANH HÀ |

Nhiều hãng lớn, uy tín thế giới và khu vực gần đây liên tục đưa tin việc Trung Quốc tái diễn các hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời có những bài bình luận bày tỏ sự phản đối Trung Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng về tình hình hiện nay.

Cụ thể, khi người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu về việc tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương 8 quay trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, báo chí nước ngoài như: Reuters, South China Morning Post, VOA tiếng Trung, Euronews… đồng loạt đưa tin.

Theo đó, ngày 16.8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, vùng biển tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm ngày 13.8 “là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

“Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế. Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế” – bà Lê Thị Thu Hằng thông tin.

Khi cập nhật về tình hình và các biện pháp đấu tranh của Việt Nam khi tàu Hải Dương 8 trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 22.8 , Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng mọi biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Tương tự, trước thông tin Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cử 2 tàu đến khu vực thăm dò khai thác dầu của Công ty Ấn Độ ONGC, báo chí Ấn Độ, trong đó có nhiều hãng tin lớn như: Times of India, The Tribune… đều đồng loạt đưa tin, trong đó cho rằng hành động của Trung Quốc có thể tạo ra tình hình “nguy hiểm” ở khu vực.

Truyền thông Australia và khu vực cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-24.8 của Thủ tướng Australia Scott Morrison . Trong đó, các bài viết của một số tờ như The Australian, ABC, Australian Financial Review… cho biết, Việt Nam và Australia cùng bày tỏ quan ngại về căng thẳng trên Biển Đông. Tờ Strait Times của Singapore cho hay, Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi các quốc gia Châu Á cùng “đứng lên vì độc lập và chủ quyền” trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông.

Tương tự, khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố ngày 22.8 bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam sau khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, những ngày sau đó, nhiều hãng tin lớn, uy tín trong khu vực và trên thế giới như Financial Times, Bloomberg, Bangkok Post, Jiji Press… đồng loạt đưa tuyên bố này. Trong đó, Bloomberg nhận định “Biển Đông tiếp tục là một nguồn căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ” cho dù hai nước đang trong cuộc chiến thương mại căng thẳng.

Mới đây nhất, ngày 27.8, ngay sau tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng Trung Quốc tái diễn các hành động vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các hãng tin nước ngoài như The Diplomat, PhilStar, Japan Times… đều đăng tải thông tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại