Theo Korea IT Times, thời gian qua, Việt Nam đã khiến cả thế giới thán phục về tinh thần kiên cường, đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tháng 8/2020, tờ Economist đã xếp Việt Nam vào top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Thành quả này có được là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc Việt Nam.
Giai đoạn 2016-2020 và những bứt phá của "ngôi sao đang lên" ở châu Á - Việt Nam
Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, Việt Nam đã duy trì được nền kinh tế vĩ mô ổn định, đồng thời giữ lạm phát ở mức thấp. Tăng trưởng kinh tế hàng năm của đất nước trong giai đoạn 2016-2020 tương đối cao, bình quân đạt 6,8%/năm. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2020 cải thiện 39 bậc so với năm 2016, đứng thứ 8 trong số các nền kinh tế đầu tư tốt nhất thế giới.
Đặc biệt, mức sống của người dân trong những năm gần đây liên tục được cải thiện. Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo nên một "huyền thoại" về xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 10% năm 2015 xuống ở mức dưới 3% năm 2020.
Đáng chú ý, năm 2020 được coi là năm thành công nhất của Việt Nam. Quốc gia này đã trở thành "hình mẫu" của toàn cầu về việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi các nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng "phi thường", với mức tăng trưởng 2,91% - mức cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam kết thúc năm 2020 và nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và củng cố; dịch bệnh được kiểm soát và tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm cao nhất thế giới.
Các yếu tố làm nên "chiến thắng" cho Việt Nam
Bên cạnh nhiệm vụ chính trị cốt lõi, Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã chủ trương mở rộng hội nhập kinh tế, đối ngoại, đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Trong những năm qua, Chính phủ đã tạo ra những bước đột phá trong quan hệ quốc tế bằng việc ký kết 5 và thực thi 4 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), góp phần thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế của Việt Nam, đồng thời nâng cao uy tín, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất và sức cạnh tranh; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cải cách hành chính. Kết quả là đến năm 2018, hơn 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính của Việt Nam đã được đơn giản hóa, giúp cả nước cải thiện 20 bậc về môi trường kinh doanh và 10 bậc về năng lực cạnh tranh trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Khi đại dịch Covid-19 hoành hành làm thay đổi sâu rộng đến điều kiện sống xã hội toàn cầu, đảo ngược quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới thì tại Việt Nam, một quốc gia vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lĩnh vực y tế, đã thành công trong việc kiểm soát số ca nhiễm. Ngay từ khi khủng hoảng bắt đầu xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để kiểm tra, khoang vùng và dập tắt sự lây lan của dịch.
Ngoài ra, Chính phủ đã nhanh chóng đề ra các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Thêm vào đó là tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc với phương châm "chống dịch như chống giặc" đã giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép trong năm 2020 - chiến thắng đại dịch với chính sách hiệu quả, chi phí thấp, đồng thời giữ ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: Động lực mới
Đại dịch Covid-19 đưa ra cả thách thức và cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn. Cuộc họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Yonhap cùng một số hãng thông tấn quốc tế kỳ vọng rằng, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do và tiềm năng thu hút các nhà đầu tư ngày càng tăng, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ với vai trò là trung tâm sản xuất chủ chốt của các tập đoàn toàn cầu, điển hình như Samsung.
Trong bối cảnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển nhanh chóng, với việc Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc, 2 nước hướng tới mục tiêu nâng mức thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2022.
Việt Nam là quốc gia đang đổi mới, năng động và chủ động hội nhập quốc tế. Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia phát triển, có tiềm lực lớn về vốn, khoa học và công nghệ, và đòi hỏi một thị trường trẻ để tiếp tục đà phát triển. Đây là những thuận lợi để 2 quốc gia mở rộng hợp tác đầu tư, thương mại cùng với hợp tác khoa học công nghệ.