Màu răng đen: Biểu tượng của sức mạnh, địa vị cao sang
Người xưa tin rằng, màu răng đen thể hiện sự chỉnh chu và quý phái của người phụ nữ.
Tục nhuộm răng đen từng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới như các nước Đông Nam Á, bán đảo Thái Bình Dương hay cả Nam Mỹ.
Định nghĩa về vẻ đẹp và sự thu hút hiển nhiên rất khác biệt ở các thời kì xã hội khác nhau, và răng đen hồi đó không chỉ là một biểu tượng thẩm mĩ mà còn phục vụ cho mục đích khác như bảo vệ răng miệng.
Thường phong tục này chỉ xuất hiện ở những phụ nữ đã kết hôn, tuy nhiên đôi khi nam giới cũng làm theo, coi như một cách ngừa sâu răng tương tự như chất trám răng của nha khoa hiện đại.
Cũng như các phong tục tập quán khác, nhuộm răng đen cũng có ý nghĩa văn hóa lâu đời.
Người ta tin rằng, chỉ có các loài động vật hoang dã và quỷ dữ mới có hàm răng trắng, dài, nhuộm răng đen đảm bảo rằng, người nhuộm sẽ không bị nhầm với linh hồn quỷ dữ.
Ngoài ra theo Phật giáo, màu đen còn tượng trưng cho sức mạnh và địa vị cao. Người xưa tin rằng, màu răng đen thể hiện sự chỉnh chu và quý phái của người phụ nữ.
Hàm răng nhuộm đen từng là chuẩn mực xưa
Nhật Bản: Nhuộm răng đen từng được ưa chuộng ở mọi tầng lớp trong xã hội
Ở Nhật, tục nhuộm răng được gọi là Ohaguro. Đầu tiên, bột sắt sẽ được ngâm trong trà hoặc rượu sake, khi sắt bị oxi hóa, phần chất lỏng sẽ chuyển thành màu đen.
Vị của thuốc nhuộm theo đó sẽ rất kinh khủng nên đã được bỏ thêm gia vị như quế, hồi hay cỏ đinh hương.
Người thực hiện uống loại thuốc nhuộm này và răng sẽ chuyển thành màu đen. Phương pháp này phải được thực hiện hàng ngày hoặc vài ngày một lần để giữ màu nhuộm cho răng.
Geisha trong một vở kịch cổ
Hiện chưa có tài liệu cụ thể nào về nguồn gốc xuất hiện của phong tục này, nhưng theo như các ghi chép, tục nhuộm răng bắt đầu trở nên phổ biến vào khoảng thời kì Heian tại Nhật, tức khoảng năm 794 - 1192.
Răng đen thời đó được đánh giá là một biểu tượng của vẻ đẹp nữ giới, phổ biến ở tất cả các tầng lớp từ geisha, kĩ nữ, nữ giới trên 18 chưa chồng đến phụ nữ đã lập gia đình và được duy trì đến tận năm 1870.
Ngày 5/2/1870, triều đình Nhật Bản ra lệnh cấm tục lệ nhuộm răng, nữ hoàng Nhật đưa ra tuyên bố về tiêu chuẩn mới của cái đẹp là hàm răng trắng sáng.
Phong tục này từ đó bị mai một dần, chỉ còn được nhắc đến qua phim ảnh và sách truyện lịch sử.
Răng đã nhuộm đen nếu cạo trắng đi sẽ không về lại sắc tố ban đầu mà có màu xám hoặc đen lờ lợ, không đều, dân ta thường gọi là "răng cải mả".
Các nước Đông Nam Á coi nhuộm răng và ăn trầu là nét đẹp văn hóa
Cho đến giữa thế kỷ XX, các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan... còn nhuộm răng đen bằng bột nhựa cánh kiến.
Một vài nơi như Lào, Campuchia thì đốt cành cây may cu, may tửu hay may me cho nhựa chảy xuống một mảnh kim loại hoặc ống tre, thêm một ít nước rồi mài đều tạo độ dính để nhuộm răng.
Buổi tối trước khi đi ngủ, người ta làm sạch răng, rồi dùng tay quệt nhựa bôi vào răng 3-4 lần. Cách 2-3 ngày họ nhuộm lại cho răng đen bóng.
Trước kia, răng đen là một tiêu chuẩn về vẻ đẹp của phụ nữ, các bé gái 12-13 tuổi đã bắt đầu nhuộm răng. Ngày nay chỉ những người cao tuổi còn có răng đen.
Cho đến giữa thế kỷ XX, các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan... còn nhuộm răng đen bằng bột nhựa cánh kiến.
Nhắc đến nhuộm răng ở các nước Đông Nam Á thì không thể không nhắc đến tục ăn trầu. Ở nhiều nơi trên đất Việt Nam hay Thái Lan, trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong hôn nhân, tang ma và các dịp nghi lễ.
Nhai trầu vẫn là thói quen hàng ngày của một số người ở nông thôn. Một miếng trầu gồm có: mảnh lá trầu quệt vôi, miếng cau có hạt, có thể có thêm miếng vỏ cây và thuốc lào. Ăn trầu giúp cho hàm răng được đen đều và chắc khỏe.
Theo một thống kê của người Pháp vào năm 1938, khoảng 80% phụ nữ Đông Dương nhuộm răng đen. Ở một số hòn đảo trên Indonesia và Philippines một số bộ lạc thiểu sổ cũng duy trì việc nhuộm răng này.
Có thể thấy đây là một phong tục từng phổ biến của khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: Ancient OriginsOrigins, Traveldudes và nhiều nguồn khác