Truy tố ông Mai Phan Lợi về tội trốn thuế

Ninh Cơ |

Bị cáo buộc không thực hiện chế độ kiểm toán, hoá đơn chứng từ theo quy định của pháp luật, Mai Phan Lợi, nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), đã cùng đồng phạm trốn thuế 2 tỉ đồng.

Ngày 6-12, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Mai Phan Lợi, nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC); từng là trưởng văn phòng đại diện một cơ quan báo chí phía Nam tại Hà Nội, về tội Trốn thuế, theo khoản 3, Điều 200 Bộ luật hình sự. Bị can Bạch Hùng Dương, nguyên giám đốc MEC, cũng bị truy tố cùng tội danh.

Truy tố ông Mai Phan Lợi về tội trốn thuế - Ảnh 1.

Ông Mai Phan Lợi lúc bị bắt - Ảnh: Công an cung cấp

Theo cáo trạng, Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng MEC thành lập từ năm 2012 theo quyết định của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Doanh thu của trung tâm là các khoản tiền tài trợ hoặc nhận được từ các tổ chức trong và ngoài nước thanh toán hợp đồng thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Từ năm 2012 đến tháng 3-2021, MEC đã phát sinh doanh thu nhận tổng số tiền hơn 19 tỉ đồng. Tuy nhiên, mỗi lần trung tâm nhận được tiền tài trợ của các tổ chức, ông Lợi đều chỉ đạo giám đốc là Bạch Hùng Dương ký các chứng từ rút tiền và chỉ đạo nhân viên không lập hóa đơn giá trị gia tăng các dịch vụ, công việc đã thực hiện.

Bị can Lợi cũng chỉ đạo cấp dưới không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật, không lập báo cáo tài chính, không nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Tổng số tiền ông Mai Phan Lợi cùng đồng phạm trốn thuế gần 2 tỉ đồng.

VKSND cáo buộc trong vụ án này, bị can Mai Phan Lợi thực hiện hành vi phạm tội với các vai trò là người chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo cho nhân viên dưới quyền không thực hiện kê khai nộp thuế, trực tiếp chiếm hưởng toàn bộ số tiền trốn thuế. Còn bị can Bạch Hùng Dương đã thực hiện chỉ đạo của Mai Phan Lợi không kê khai nộp thuế. Do vậy, Dương phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Lợi trốn thuế.

Ông Mai Phan Lợi từng là phó tổng thư ký tòa soạn, trưởng văn phòng đại diện báo ở TP HCM có cơ sở tại Hà Nội. Năm 2016, ông Mai Phan Lợi từng gây bức xúc dư luận vì có tạo một thăm dò trên trang Facebook Diễn đàn Nhà báo trẻ về việc máy bay Casa 212 rơi khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Sau đó, ông Mai Phan Lợi bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo do "xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam, gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, đồng đội, người thân, đồng đội của những cán bộ chiến sĩ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ, tổn hại đến uy tín đội ngũ những người làm báo".

Điều 200. Tội trốn thuế

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế."

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại