Sự việc này tiếp tục gây ra lo ngại, băn khoăn trong ngành y tế và đội ngũ bác sĩ vì cho rằng, nếu BS Lương bị truy tố, nhiều y, bác sĩ sẽ rất hoang mang, e ngại khi thực hiện nhiệm vụ.
Đừng đổ hết lỗi lên bác sĩ
Đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa lên tiếng về việc BS Hoàng Công Lương bị truy tố. Tuy nhiên, 1 lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng: Thời điểm xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đã ban bố quyết định tạm giam BS Hoàng Công Lương để phục vụ công tác điều tra.
Sau đó, các cơ quan chuyên môn, gia đình các nạn nhân đã viết đơn kiến nghị cho BS Lương được tại ngoại. BS Lương được thay đổi biện pháp ngăn chặn, được tại ngoại không có nghĩa là không bị truy tố.
Việc phân xử có tội hay không sẽ do toà án phán xử, chúng tôi không can thiệp sâu vào nội bộ xử lý.
BS Lương là người có nhiệt huyết, năng lực chuyên môn tốt, nếu đưa ra xét xử có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Cơ quan xét xử cần xem xét cả tình tiết cụ thể phản ánh trung thực vụ án, xác định đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận, BV Bạch Mai (Hà Nội) - lọc máu là 1 quy trình gồm nhiều công đoạn.
Mỗi cơ sở y tế có 1 năng lực riêng và vận hành theo khả năng. Do đó, mỗi cơ sở y tế sẽ có quy trình quản lý, vận hành phù hợp với điều kiện của mình.
Do đó, dịch, máy móc, nguồn nước… nhập về phải từ công ty có đủ năng lực, bệnh viện chịu trách nhiệm giao cho từng bộ phận trong bệnh viện rồi phân cho các cấp.
BS Lương chỉ chịu trách nhiệm nhỏ trong việc này chứ không phải toàn bộ trách nhiệm. Cần xem xét cụ thể để có phán quyết đúng đắn.
Việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa, bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị…
Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng.
Vì vậy, BS Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - người nhận trách nhiệm bào chữa miễn phí cho BS Hoàng Công Lương - cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng hành vi khách quan và cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” truy tố đối với BS Lương.
Đặc biệt là các tài liệu, chứng cứ chứng minh 1 BS điều trị bình thường trong khoa như BS Lương có chức vụ, quyền hạn và phải chịu trách nhiệm về việc bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế, về chất lượng nước RO chạy thận sau khi sửa chữa hay không?
Sốc, hoang mang
TS.BS Võ Xuân Sơn - Giám đốc phòng khám Quốc tế EXSON, nguyên BS BV Chợ Rẫy, TPHCM - khi trao đổi với Báo Lao Động cho rằng: Tôi không biết Viện kiểm sát đã xem xét kĩ vụ việc thế nào nhưng đây chắc chắn vẫn là điều đau đớn cho ngành y.
Viện kiểm sát cho rằng, BS Hoàng Công Lương - Đơn nguyên thận (BV Đa khoa Hòa Bình) - đã được huấn luyện, nên biết rõ là chạy thận cần phải có nước được xử lí tiêu chuẩn. Điều đó hoàn toàn đúng.
Nhưng BS Lương có thể xác định nước có thể dùng được bằng cách nào? Ngửi, nếm, uống thử…?
TS.BS Võ Xuân Sơn phân tích: Nói BS Lương vi phạm quy trình chuyên môn để chạy thận cho bệnh nhân thì phải xét xem BV Đa khoa Hòa Bình đã có quy trình hay chưa? Bộ Y tế đã ban hành quy trình này ở thời điểm vụ việc diễn ra chưa? Nếu BV Đa khoa Hòa Bình ban hành quy trình chuyên môn để chạy thận rồi mà BS lương vi phạm thì mới nói là BS Lương có tội.
TS.BS Võ Xuân Sơn nói: Việc truy tố BS Lương làm cho nhiều BS sốc và hoang mang. Nếu BS Lương bị kết tội, có thể nhiều BS sẽ từ chối điều trị bệnh nhân ở những ca khó.