Học sinh không trúng tuyển lớp 10 THPT tìm trường nghề
Từ 7h sáng 7/7, rất đông phụ huynh và học sinh đã tới Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội để nộp hồ sơ xét tuyển vào hệ 9+. Trong số những gương mặt 2k8 có Quách Minh Đức, HS Trường THCS Phương Mai. Em nộp hồ sơ xét tuyển vào nghề công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà sau khi không đủ điểm trúng tuyển vào lớp 10.
Phụ huynh và học sinh đến Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội nộp hồ sơ xét tuyển hệ 9+
Trước đó, Đức đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Trần Hưng Đạo và nguyện vọng 2 vào Trường THPT Khương Đình. Tuy nhiên, với số điểm thi vào lớp 10 chỉ đạt 14.5 điểm nên em trượt cả 2 nguyện vọng.
Đức tự trách mình trước đó đã không tập trung học tập, nhưng sau thời gian được bố mẹ động viên em dần lấy lại được tinh thần. “Bố mẹ cũng định hướng cho em rồi cả nhà cùng nhau lựa chọn nghề nghiệp”.
Cũng có con lỡ bước vào lớp 10 công lập, chị Hà An đến nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin của Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội. Con chị là học sinh Trường THCS Thực Nghiệm, dù số điểm thi vào lớp 10 đủ để “bon chen” vào các trường tư thục nhưng chị Hà An quyết định tìm hướng khác. Lý do là bởi năm 2018, chị từng có trải nghiệm xếp hàng nộp hồ sơ khó quên tại Trường THCS &THPT Tạ Quang Bửu cho con đầu nên với cháu thứ 2 chị quyết không lặp lại tình trạng đó.
“Nhớ lại năm 2018 đi nộp hồ sơ cho bạn đầu ứa nước mắt, điểm chuẩn thì “nhảy múa” liên tục còn phải đặt cọc giữ chỗ, luôn nơm nớp lo sợ”, chị An kể. Cháu thứ 2 nhà chị Hà An có chút đắn đo khi chọn học nghề nhưng sau thời gian tìm hiểu, phân tích kỹ lưỡng cũng đã bắt đầu “nhẹ nhõm” với lựa chọn mới.
Không giống như nhiều học sinh khác, Chu Hải Quân – học sinh Trường THCS Quang Minh xác định ngay từ đầu sẽ đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Đó cũng là lý do vừa qua Quân không thi tuyển vào lớp 10. Hôm nay, Quân được cô ruột là chị Dung chở đến trường nghề để nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành cơ khí.
“Xưa đến giờ lực học của cháu cũng biết không lên được THPT nên vừa rồi cháu không thi. Ở tuổi này thì bố mẹ phải tìm một chỗ học cho cháu đến lúc trưởng thành. Bố cháu làm cơ khí nên quyết định cho cháu học nghề từ sớm vừa được học văn hóa”, chị Dung nói.
Nhiều trường nghề "cán mốc" tuyển sinh 9+
Những ngày vừa qua, Ban tuyển sinh Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội bận rộn với công tác tư vấn cũng như tiếp đón thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển. Bà Trần Thúy Vân, Phó trưởng ban tuyển sinh cho biết, năm nay nhà trường được giao 390 chỉ tiêu hệ 9+ nhưng đến thời điểm này, số lượng hồ sơ nhận được đã là 472 và còn tiếp tục tăng. Đặc biệt, sau khi có kết quả thi lớp 10 THPT, nhà trường ghi nhận số học sinh có điểm thi từ 24-38 điểm đến nộp hồ sơ gia tăng.
Theo bà Vân, hiện tổng chỉ tiêu của 13 nghề tuyển sinh đã “cán mốc”. Trong số đó có những nghề có số lượng hồ sơ vượt chỉ chỉ tiêu như công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm, chăm sóc sắc đẹp... Tuy nhiên, có nghề một số nghề vẫn chưa đủ chỉ tiêu như cắt gọt kim loại, hàn...
Tương tự, sau khi có kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội liên tục nhận được các cuộc gọi của phụ huynh học sinh có con có điểm thi tuyển sinh dưới 35 tìm hiểu về hệ 9+.
Bà Nguyễn Phương Anh – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường cho biết năm 2023, nhà trường được giao 180 chỉ tiêu với 6 nghề đào tạo. Đến thời điểm này, nhà trường sắp cán mốc chỉ tiêu đề ra. Dự kiến ngày 12/7 thí sinh đợt 1 sẽ nhập học.
Trong thời gian này, các cán bộ tuyển sinh của Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội vừa dẫn các phụ huynh tham quan mô hình đào tạo của nhà trường và giải đáp những băn khoăn liên quan đến môi trường, nội dung học tập, bằng cấp và cơ hội việc làm sau 3 năm vừa học văn hóa vừa học nghề.
Nhiều cơ hội với hệ 9+
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, những năm qua, học sinh hệ 9+ có tỉ lệ tốt nghiệp khoảng 97%. Trong đó, 60% học sinh hệ này liên thông lên cao đẳng và đại học.
Thời điểm này nhiều trường nghề đã "cán mốc" tuyển sinh hệ 9+
Theo ông Huy, học sinh tốt nghiệp THCS học hệ 9+ sẽ học song song văn hóa và học nghề. Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể lấy bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề và có cơ hội học liên thông lên bậc học cao hơn - CĐ, ĐH với thời gian rút ngắn. Do đó, tiết kiệm kinh phí cho gia đình.
“Trường chúng tôi học phí học văn hóa là 300 nghìn/tháng, còn học nghề nhà nước hoàn toàn tài trợ. Đặc biệt, năm nay các bạn học liên thông hệ cao hơn như CĐ thì nhiều ngành nghề được nhà nước hỗ trợ 70% học phí như: kỹ thuật điện điện tử, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật ô tô... Gia đình chỉ đóng 30% học phí”.
Ông Huy cho biết, hiện nay nhiều gia đình đã định hướng phân luồng sớm cho con em. Do vậy nhiều em đăng ký vào trường học song bằng lớp 10 và trung cấp đã có chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều học sinh THCS có điểm cao.
Chia sẻ về lộ trình học 9+ với các phụ huynh, bà Nguyễn Phương Anh – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết, học sinh có thời gian học 3 năm. Kết thúc lớp 11, các em đã học xong chương trình nghề, sang lớp 12 các con chỉ học văn hóa và tập trung ôn thi tốt nghiệp. Môn thi tốt nghiệp cũng giảm tải, chỉ thi 4 môn.
Bà Phương Anh cho biết, những năm gần đây tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh 9+ thường đạt 100%, trên 70% học sinh học liên thông. Nếu học thêm 1 năm, các em sẽ lấy bằng CĐ với danh hiệu kỹ sư thực hành.
“Sau khi tốt nghiệp cao đẳng các em có thể đi làm. Nhà trường cam kết giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp, ra trường 100% sinh viên có việc đúng chuyên môn với lương cam kết 8-20 triệu đồng tháng”.
Theo bà Phương Anh, khảo sát những năm qua cho thấy trên 50% sinh viên nhà trường tốt nghiệp CĐ học liên thông lên ĐH.
Hiện, Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh liên thông với Trường ĐH Nha Trang và ĐH Giao thông vận tải. Tuy nhiên vì phần đa học sinh ở khu vực phía Bắc nên thường các em chọn học liên thông tại Trường ĐH Giao thông vận tải. “Học hệ 9+, nếu muốn liên thông lên ĐH thì sau khi tốt nghiệp THPT các em chỉ mất 3 năm để có bằng ĐH, như vậy tiết kiệm thời gian hơn so với các bạn học ĐH 4 năm”.