Nêu ý kiến tham luận tại Hội nghị "Quán triệt, triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị" của Ban chỉ đạo 197 thành phố sáng 4/3, Đại tá Nguyễn Xuân Đình, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự đô thị CATP Hà Nội cho biết:
Thực tế việc kinh doanh buôn bán, hàng ăn uống bày bán tràn lan, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều tuyến phố của thủ đô.
Cùng với đó, khu vực cổng xung quanh các bến xe, bệnh viện tình trạng xe dù, bến cóc, dừng đỗ sai quy định, các điểm trông xe không phép, thu phí sai phép, quá giá tại các khu vui chơi, đình đền chùa... vẫn diễn ra.
"Nhiều điểm trông giữ xe năm ngoái làm tốt nhưng năm nay lại không tốt mà báo chí đã phản ánh nhiều", Đại tá Đình nói, đồng thời, nhấn mạnh thêm, đây là vấn đề nhức nhối nhất của năm 2016.
Theo Đại tá Đình, qua kiểm tra, hiện nay trên địa bàn thành phố 939 điểm trông giữ phương tiện chiếm vỉa hè, lòng đường, trong đó, trông trên vỉa hè là 687 điểm, 245 điểm dưới lòng đường và có 695 điểm có phép và 244 điểm không có phép.
"Trong số điểm trông dưới lòng đường, vỉa hè, đáng chú ý là có 395 điểm trông giữ phương tiện trước cửa các cơ quan, trường học, xí nghiệp, đặc biệt, là các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội.
Cũng theo kiểm tra của chúng tôi, chỉ có 186 điểm có phép, chiếm 47,1% còn lại là không phép, toàn bộ cửa các cơ quan hành chính nhà nước là không có phép tắc gì cả, chiếm 52,9%.
Đặc biệt, càng các cơ quan to một tý thì lại càng không chấp hành, chiếm hết không còn lối đi, kể cả sắp xếp trên vỉa hè, tràn xuống lòng đường, không có lối đi", Đại tá Đình nêu rõ.
Với thực trạng như vậy, qua kiểm tra, Cảnh sát trật tự Hà Nội thấy rằng, đối với cơ quan cấp phép là Sở GTVT và UBND quận, huyện có vấn đề, đó là nhiều đơn vị cấp phép không tiến hành kiểm duyệt, đối chiếu cụ thể, thậm chí không có sơ đồ cấp phép.
"Cho nên người được cấp phép muốn kẻ thế nào thì kẻ, dẫn đến tình trạng chiếm hết cả vỉa hè, không còn lối cho người đi bộ. Cấp phép vi phạm quyết định 1517 của Thành phố, tức là cấp phép phải cách ngã ba, tư 15 - 20m nhưng đây lại cấp phép luôn...
Thế rồi, cấp phép trên vỉa hè để xe máy, dưới lòng đường cấp phép để ôtô nên không còn chỗ nào cho người đi bộ mà phố Triệu Quốc Đạt là điển hình. Rất nhiều điểm cơ quan cấp phép không quan tâm.
Đối với những chỗ lẽ ra phải thu biển nhưng lại không thu. Các cơ quan, tổ chức được cấp phép thì đều quá, có những chỗ cấp 500m nhưng dùng tới 1000m, các quy định không được căng dây nhưng vẫn căng, che chắn bình thường hoặc không kẻ vạch sơn, khu vực được cấp...
Thậm chí, có những điểm được cấp phép, người được cấp phép không làm mà cho thuê lại nên không chấp hành như khu vực cổng bệnh viện Phụ sản Trung ương...", Đại tá Đình nói thêm.
Trưởng phòng Cảnh sát Trật tự Hà Nội cũng nêu, việc chưa có quy định được giữ phương tiện vi phạm hay không dẫn tới công tác xử lý không quyết liệt, thiếu hiệu quả. Chế tài xử lý các cơ sở vi phạm kinh doanh sau 24h chưa có cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
Ngoài ra, trong năm qua, qua khảo sát công an TP xác định trên các tuyến quốc lộ ở khu vực ngoại thành hiện còn 26 tụ điểm chợ "cóc".
Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng chợ "cóc" vẫn giữ nguyên chưa có chuyển biến gì", ông Đình nêu thực trạng.
Thừa nhận thực trạng ông Đình nêu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho hay, nhiều điểm cấp phép trông giữ xe trên hè của cơ quan nhà nước chấp hành chưa tốt, trong khi các cơ quan này đáng ra phải gương mẫu.
Ông Viện đề nghị có phương án giải quyết từng điểm nóng một, có cơ chế duy trì, tăng chế tài xử phạt.