Nôn cả lít máu vì không nhịn được "niềm vui"
Cứ vào dịp Tết khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai lại dồn dập người nhập viện do chảy máu tiêu hóa, xơ gan, men gan tăng vì rượu. Ông Nguyễn Thái M. 46 tuổi, trú tại Hưng Yên có tiền sử chảy máu tiêu hóa. Bác sĩ đã khuyến cáo ông nên kiêng rượu tuyệt đối, nhưng bệnh nhân không cầm được niềm vui ngày Tết nên đã làm lon bia với bạn bè.
Kết quả ông bị nôn ra cả lít máu và được người thân đưa vào viện cấp cứu gấp. Bác sĩ chẩn đoán chảy máu thực quản trên nền xơ gan. Không chỉ riêng ông M., rất nhiều bệnh nhân ở khoa này đều bị chảy máu thực quản do xơ gan do suy nghĩ "uống ít không sao", nhưng đây là quan niệm sai lầm.
TS BS Vũ Trường Khanh – Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thường những bệnh nhân bị xơ gan sẽ dẫn đến chảy máu tiêu hóa rất nhiều. Có bệnh nhân có tiền sử chảy máu thực quản nhiều lần trên nền xơ gan nhưng lại khó bỏ rượu.
TS BS Vũ Trường Khanh
Ở người bị xơ gan, dòng chảy máu bị chậm bởi mô sẹo trong gan gây ra. Khi máu đến gan bị chậm lại, nó bắt đầu chảy ngược trở lại, gây tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch mang máu đến gan.
Áp lực đẩy lượng máu vào tĩnh mạch nhỏ ở gần đó, chẳng hạn như trong thực quản. Những tĩnh mạch dễ vỡ, mỏng bắt đầu thêm máu. Đôi khi các tĩnh mạch có thể bị vỡ và chảy máu. Những bệnh nhân này khi cấp cứu đều trên nền điều trị 2 bệnh đó là chảy máu tiêu hóa và sảng rượu.
Bia cũng hại như rượu
TS Khanh cho biết, nhu cầu sử dụng rượu bia trong dịp Tết rất cao. Người bình thường, vui Tết có uống quá một chút thì sau đó cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân nghiện rượu có tiền sử xơ gan, viêm gan thì vào dịp Tết chỉ cần một chén rượu, bia sẽ bị nghiện lại.
Đây là điều rất nguy hiểm, kể cả chọn loại bia rượu tốt nhưng nếu sử dụng liều lượng lớn vẫn rất có hại. Bình thường trong rượu ethanol không gây tổn thương gan nếu uống với lượng vừa phải. Nhưng phần lớn ethanol qua gan chuyển hóa thành Acetaldehyde - đây chính là chất gây độc kể cả rượu được sản xuất trên dây chuyền hiện đại của nhà máy.
Điều này lý giải lý do tại sao, kể cả uống rượu vang hay whisky, bia dài kéo dài vẫn gây xơ gan giống như nhau.
TS Khanh còn khuyến cáo, có người kiêng rượu mạnh, rượu tự nấu và cho rằng uống rượu vang đỡ độc hơn. Nhưng nếu một ngày mà lượng uống nhiều thì lượng cồn vào cơ thể vẫn nhiều dù rượu vang chỉ từ 10-12o độ cồn, nếu uống 500 - 600ml thì tác hại cũng vậy.
Nếu theo quy định FDA, một ngày uống dưới 3 lon bia thì chưa gây ra tổn thương gan, nếu uống quá sẽ tăng thêm nguy cơ hại gan. Chúng ta phải ý thức được điều này vì tất cả rượu bia đều sẽ quy ra độ cồn, nên khi sử dụng cần lưu ý liều lượng.
(Ảnh minh họa)
Phần lớn bệnh nhân xơ gan nặng được chuyển vào khoa tiêu hóa bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa ồ ạt. Xơ gan gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa, có những người đã bỏ rượu 5-7 tháng nhưng uống rượu bia vào dịp Tết vẫn có nguy cơ tổn thương gan.
"Cách đây 20 năm, tỷ lệ bệnh nhân xơ gan nội trú tại khoa Tiêu hoá vẫn là 50% nhưng nguyên nhân chính là do virus viêm gan A, B, C rồi mới đến rượu, nguyên nhân do rượu chỉ chiếm 10%.
Nhưng hiện nay, bệnh nhân xơ gan thì có đến 60-70% là do rượu. Có người mắc cả virus viêm gan và nghiện rượu nên bị xơ gan rất nhanh", TS Khanh cũng chia sẻ.
Có thể thấy, vài vụ ngộ độc rượu cấp tính khiến 5-7 người tử vong là nghiêm trọng. Nhưng điều đó không thấm tháp với những người đang chết mòn khi mắc các bệnh mãn tính do rượu.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trong dịp Tết khi thăm hỏi chúc nhau thường có uống chén rượu chúc mừng, nhiều ngày liên tiếp như vậy tổng lượng rượu nạp vào rất nhiều, có khi đến vài chục chén. Bác sĩ Ninh cho rằng, nếu phải uống rượu cần chọn rượu có nguồn gốc rõ ràng.
Uống rượu xong cần uống cốc nước lọc để đảo thải nhanh hơn, cần ăn chút gì có tinh bột, chất đạm để quá trình hấp thu của rượu chậm lại đỡ say hơn. Nếu để bụng đói, cồn cào thì rượu sẽ hấp thu nhanh dễ say.
Ăn thêm một vài hoa quả như bưởi, cam cũng làm kìm hãm quá trình hấp thu rượu. Cũng có thể uống một vài loại nước mát gan, thải độc của đông y hay đơn giản chỉ là chút nước canh để pha loãng lượng rượu trong người.
Điều gì xảy ra nếu bạn uống một ly rượu mỗi ngày?