Nam tài xế tông ngã xe cảnh sát giao thông, cùng người phụ nữ và con nhỏ làm việc với CSGT ngay sau đó, trình bày do con đang bị bệnh và chở đến bệnh viện - Ảnh: PC08
Không thể nói vội mà tông cả cảnh sát giao thông
Sau vụ việc tài xế xe hơi tông ngã xe cảnh sát giao thông ở quận 5 trình bày do đang chở con bị bệnh đến bệnh viện và tinh thần đang hoảng loạn mới xảy ra sự việc như video mạng lan truyền.
Theo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, tài xế này vi phạm hai lỗi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" và "không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông".
Bạn đọc báo Tuổi Tuổi Online nêu nhiều ý kiến bức xúc về hành động của tài xế xung quanh vụ việc này.
Bạn đọc "Quatsg" nêu ý kiến: Nếu dừng lại nói rõ cho cảnh sát giao thông thì chắc chắn họ cũng sẽ mở đường để tới bệnh viện sớm nhất, họ đã từng giúp nhiều người như vậy.
Còn bạn đọc Linh chia sẻ: Con bệnh cần chạy gấp thì có mở đèn ưu tiên/đèn khẩn cấp xin đường không? Gặp cảnh sát giao thông sao không mở kiếng xe xin cảnh sát giao thông dẫn đường giúp mà tông chạy?.
Còn bạn đọc có nick name "phuong nguyen" thì bình luận: Tinh thần hoảng loạn vậy có nên lái xe lưu thông không, rủi gây ra tai nạn thì sao?.
Cùng chung thắc mắc và bức xúc, bạn đọc Minh Tú viết: cảnh sát giao thông dừng lại mà còn tông xe cảnh sát giao thông rồi bỏ chạy, lỡ không may gây tai nạn tiếp thì sao, trình bày với cảnh sát giao thông để họ biết thì sẽ giúp mình thôi.
Trường hợp khẩn cấp cảnh sát giao thông sẽ hỗ trợ
Video: Vụ xe hơi tông ngã xe cảnh sát giao thông, tài xế sẽ bị phạt đến mức nào?
Nhiều bạn đọc cũng cho biết, trước đây, có không ít trường hợp xe cá nhân chở người đi sinh được các chiến sĩ cảnh sát giao thông hỗ trợ "mở đường" đến bệnh viện sớm.
Điển hình như vụ hồi cuối tháng 3-2021, anh Lê Minh Thanh (31 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) chở người chị từ Đồng Nai lên TP.HCM để đi sinh. Khi vừa qua hầm Thủ Thiêm (quận 1) thì người chị chuyển dạ, sinh con trên xe.
"Lúc đó đường đông quá nên tôi lúng túng không biết làm gì. Chị tôi thì đẻ luôn trên xe rồi. Lúc đó trong đầu tôi chỉ mong sao có cảnh sát giao thông để dẫn đường đi cho nhanh. Chị tôi thì la, còn em bé thì khóc thét liên tục, tôi hoảng quá luôn", anh Thanh kể.
Khi xe anh vừa qua cầu vượt Nguyễn Tri Phương (quận 5) thì thấy hai cảnh sát giao thông (Đội Chợ Lớn) đứng ngay góc ngã ba. Anh không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ biết chạy đến nhờ cảnh sát giao thông dẫn đường đến bệnh viện.
"Hai anh hỏi có chuyện gì vậy? Tôi trình bày có người đẻ trên xe cần đến bệnh viện gấp. Hai anh cảnh sát giao thông liền nói lên xe nhanh anh dẫn đi. Tôi mừng quá trời, lên xe chạy theo hai anh", anh Thanh kể lại.
Hai cảnh sát giao thông dùng mô tô đặc chủng mở còi hú, dẫn đường cho xe anh Thanh đến được bệnh viện nhanh chóng.
Hay là trường hợp của anh Nguyễn Công Tôn (31 tuổi), chiều ngày 20-4-2021, anh nhận tin vợ bị vỡ ối, đau bụng, la hét. Anh hoảng loạn gọi xe hơi công nghệ đến nhà ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức đưa vợ đến Bệnh viện Từ Dũ.
Trên đường đi đến giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống, vợ kêu đau nhưng xe không thể đi vì đường đông do giờ cao điểm. Thấy có chiến sĩ cảnh sát giao thông (Đội Cát Lái) đứng làm nhiệm vụ gần đó, anh Tôn chạy đến nhờ hỗ trợ và được cảnh sát giao thông dùng xe mô tô đặc chủng mở đường đến bệnh viện kịp thời, vợ anh và con ổn định.
Theo một cán bộ cảnh sát giao thông ở TP.HCM, mọi công dân đều phải tuân thủ Luật giao thông đường bộ, tuy nhiên trong các trường hợp cấp bách, khẩn cấp cụ thể thì cảnh sát giao thông có thể hỗ trợ người dân.
Trong trường hợp khẩn cấp cụ thể, cần đến bệnh viện gấp mà bị cảnh sát giao thông dừng xe thì người dân cần bình tĩnh, trình bày rõ ràng với cảnh sát giao thông, tùy tình hình và trường hợp cảnh sát giao thông sẽ đánh giá, tạo điều kiện, hỗ trợ, giải quyết cho người dân.
"Nhiều trường hợp chở người đi sinh đẻ, nếu gấp quá thì các chiến sĩ cảnh sát giao thông sẽ đánh giá tình tình, hỗ trợ 'mở đường' đến bệnh viện sớm", cán bộ cảnh sát giao thông này nói.