Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, liên quan sự việc giáo viên cắt tóc học sinh là do trước đó, một số học sinh nhuộm tóc màu khói, màu vàng, không đúng nội quy của trường. Cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần nhắc nhở, quán triệt trực tiếp tại lớp, trên nhóm lớp và nhóm phụ huynh học sinh.
Đa số các em đã chấp hành nhuộm lại màu tóc tự nhiên, duy chỉ còn một nữ sinh không chịu nhuộm lại màu tóc như cũ và trong lúc nóng giận, cô giáo đã dùng kéo cắt lọn tóc của em này. Sự việc được quay video lại và lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, gây nhiều tranh cãi.
Sự việc giáo viên Trường THPT Đội Cấn (Vĩnh Phúc) cắt tóc nữ sinh trên lớp vì em này nhuộm màu sáng gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội nhiều ngày qua.
Theo ghi nhận của PV, ngày nay, không khó để nhận ra nhiều học sinh ở các trường THCS, THPT trang điểm đậm, một số em nhuộm tóc đến trường.
Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 8 một trường THCS tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, mỗi sáng em thường dành khoảng 10 phút để tô son, dặm má hồng và kẻ mắt nước. “Ở trường cấm không cho học sinh nhuộm tóc nên dù thích em cũng chỉ trang điểm, các bạn khác cũng vậy”, Minh Anh nói.
Chị Hồ Tuệ An, có con gái năm nay học lớp 10, Trường THCS- THPT Marie Curie (Hà Nội) nói rằng, con gái ở tuổi dậy thì, thích làm duyên nên mỗi sáng tới trường đều tô một chút son môi và trang điểm vùng mắt. Nhà trường không cấm học sinh nhuộm tóc, chỉ cấm sơn móng tay loè loẹt.
“Tôi ủng hộ vì ở nơi nào đều phải chấp hành nội quy nơi đó, nhất là trường học, các con cần dành thời gian để học tập thay vì tập trung làm đẹp. Tuy nhiên, trong vai trò người mẹ tôi không quá khắt khe khi con sử dụng mỹ phẩm, chỉ khuyên con mua nơi uy tín, tránh hỏng da”, chị Tuệ An nói.
Khuyên nhủ, thuyết phục học sinh
Theo Thông tư 32/2020 ban hành Điều lệ trường THCS- THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ GD&ĐT, điều 36 quy định: Trang phục của học sinh phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường. Tùy điều kiện của từng trường, hiệu trưởng có thể quyết định để học sinh mặc đồng phục nếu được nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường nhất trí.
Nhiều học sinh ở các trường THCS, THPT vẫn trang điểm đậm, một số em nhuộm tóc đến trường.
Trong các hành vi học sinh không được làm cũng không có nội dung cấm trang điểm, nhuộm tóc. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số trường quy định “cấm” học sinh nhuộm tóc, trang điểm đậm.
Ví dụ như nhiều năm qua, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh yêu cầu nam sinh không được để tóc dài, nữ không để những kiểu đầu thời trang. Tất cả học sinh đều bị cấm nhuộm tóc màu. Theo quy định, nếu học sinh vi phạm, tuỳ mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách hoặc cảnh cáo, thậm chí bị đình chỉ học tập nếu vi phạm nhiều lần.
Ông Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, về nội dung trang điểm, nhuộm tóc nhà trường đưa vào nội quy trường học để nhắc nhở, khuyến khích học sinh chấp hành. Trên thực tế, sau mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày hoặc dịp Tết, các nữ sinh vẫn thường nhuộm màu tóc theo ý muốn để đi chơi. Tuy nhiên, khi quay trở lại trường học, giáo viên sẽ khuyên, động viên các em nên “trả lại màu tóc đen” và các em đều chấp hành nghiêm túc.
Ông Thuận cho rằng, không nên đưa nội dung cấm trang điểm, nhuộm tóc thành quy định trong nhà trường vì hiện nay không có bất kỳ văn bản nào quy định việc đó.
“Chưa kể, học sinh ở tuổi mới lớn , có những cá tính riêng, cần phải tôn trọng. Nhà trường, thầy cô nắn các em vào khuôn khổ nhưng trên tinh thần giáo dục, động viên để các em chấp hành là chính”, ông Thuận nói.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, ở trường quy định về đồng phục gồm áo, quần đồng phục do trường cấp phát, học sinh mặc đồng đều khi đến trường.
Còn trang điểm bao gồm: đánh phấn son, nhuộm tóc, sơn móng tay… hiện nay không có quy định, điều khoản nào cấm học sinh thực hiện. Tuy nhiên, nhà trường cũng giáo dục, yêu cầu học sinh nếu có trang điểm chỉ trang điểm nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi và môi trường sư phạm. Đối với những em trang điểm bất thường, phản cảm… giáo viên chủ nhiệm sẽ có lời khuyên, thuyết phục để học sinh thay đổi.
“Quan điểm của nhà trường là tuyệt đối không xúc phạm đến thân thể và tinh thần của học sinh. Đánh giá phẩm chất của học sinh, chủ yếu dựa vào tinh thần, thái độ học tập, rèn luyện; cách đối xử với mọi người xung quanh”, ông Khang nói.
Trong khi đó, cũng có một số ý kiến khác cho rằng, học sinh tới trường chủ yếu để học tập, tham gia các sinh hoạt do đó, cần cấm nhuộm tóc, trang điểm loè loẹt, tạo môi trường chung lành mạnh, tránh ganh đua lẫn nhau.
Bộ GD&ĐT quy định các hành vi học sinh không được làm:
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
3. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.
4. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
5. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
6. Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
7. Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.