Môn học “quý tộc”, học phí bình dân
Từ năm học 2021 - 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức đưa bộ môn golf vào giảng dạy ở Hòa Lạc như một trong những bộ môn giáo dục thể chất để sinh viên lựa chọn.
Đây là cơ sở giáo dục đại học công lập đầu tiên của Việt Nam đưa golf vào giảng dạy trong chương trình giáo dục thể chất cho sinh viên. Theo ông Nguyễn Việt Hoà, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao, Đại học Quốc gia Hà Nội, bước đầu, Trung tâm phối hợp với 1 học viện về Golf để đầu tư cơ sở vật chất và tập huấn cho các giảng viên.
Từ năm học 2021 - 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức đưa bộ môn golf vào giảng dạy ở Hòa Lạc như một trong những bộ môn giáo dục thể chất để sinh viên lựa chọn. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội.
Được mệnh danh là môn thể thao “quý tộc” nhưng học phí để học golf tại Đại học Quốc gia Hà nội cũng theo tín chỉ giống như những môn học khác. Ngoài ra, sinh viên không phải đóng bất kỳ loại phí bổ sung nào. Dụng cụ tập luyện cần thiết được Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao của nhà trường cung cấp cho sinh viên.
Dù không được luyện tập trong điều kiện cơ sở vật chất chuyên nghiệp nhưng sinh viên đã được làm quen với môn học thể chất mới. Nhiều sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ cảm xúc thích thú với môn học này. Sinh viên Phạm Lương Trang, Đại học Quốc gia HN cho hay: “Khi tập môn học này, em không thấy quá khó và thấy môn học này khá thú vị”.
Nhận xét về môn golf, thầy giáo Vũ Ngọc Giao – Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Môn golf cũng giống như các môn thể thao khác đòi hỏi tập luyện có hệ thống, điều độ thì phát triển thể chất tốt. Riêng môn golf, người học sẽ phát triển tốt về tim mạch, hệ thống xương khớp, các cơ và dây chằng và quan trọng giúp chúng ta có đầu óc thư thái”.
Ngành đào tạo kén người học
Theo tìm hiểu, trước Đại học Quốc gia Hà Nội, một số trường đại học đã đưa môn golf vào đào tạo chính quy. Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đào tạo sinh viên chuyên ngành golf từ năm 2016, mỗi khóa 20 sinh viên.
Nhà trường tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét kết quả học THPT kết hợp thi năng khiếu và Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp thi năng khiếu.
Mã tổ hợp tuyển sinh áp dụng cho cả 2 phương thức và tất cả các ngành là: T00 (Toán, Sinh, Năng khiếu); T05 (Văn, Giáo dục công dân, Năng khiếu); T01 (Toán, Năng khiếu 2, Năng khiếu 3); M08 (Văn, Năng khiếu 2, Năng khiếu 3).
Trường Đại học Tôn Đức Thắng đào tạo ngành golf từ năm 2019, tại khoa Khoa học thể thao. Mỗi năm, trường tuyển được 15-20 sinh viên.
Được biết, học phí ngành golf của Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở mức từ 40 - 50 triệu/năm học. Trung bình mỗi học kỳ, sinh viên sẽ được đi thực tế ở các sân golf hơn 10 lần. Trong quá trình học tập, nhà trường cũng trang bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị tập luyện cho sinh viên.
Ngoài là một ngành độc lập, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, golf còn được đưa vào môn giảng dạy như là môn thể thao tự chọn áp dụng cho ngành về Kinh doanh, đặc biệt là Kinh doanh quốc tế.
Tuy là môn học hấp dẫn người học nhưng đến nay ngành đào tạo này vẫn kén người học, thậm chí có trường phải đóng mã ngành.
Đơn cử như Trường Đại học Hồng Bàng, từ năm 2017, trường kết hợp với một trường đại học ở Hàn Quốc đưa golf vào đào tạo. Nhưng sau 3 năm mở ngành, trường không tuyển được sinh viên. Trường đã quyết định đưa golf vào danh sách các môn học thể thao tự chọn cho sinh viên, tập để làm quen, rèn luyện trong trường học.
Golf là môn thể thao ngày càng phát triển nhưng thực tế, không phải ai cũng có thể chơi. Đại diện các trường cũng cho biết, ngành golf càng kén người học. Sinh viên con những gia đình có điều kiện kinh tế có thể thích chơi gofl, có điều kiện theo học nhưng lại không thích học để làm công việc này.