Ngày 22-11, Quốc hội (QH) thảo luận hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (còn gọi là đặc khu).
Một trong những vấn đề mà các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận là mô hình tổ chức chính quyền và thẩm quyền của trưởng đặc khu.
Nghiêng về phương án trưởng đặc khu
Trong dự luật, Chính phủ đưa ra hai phương án về mô hình chính quyền đặc khu. Theo đó, phương án 1 là thiết chế trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và trưởng khu hành chính.
Mô hình này không tổ chức HĐND, UBND. Phương án 2 là tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có cả HĐND và UBND.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) sau khi nhận xét dự luật có nhiều thể chế vượt trội, được đúc rút từ kinh nghiệm thành công cả trong nước và thế giới đã nghiêng về phương án 1.
Bởi theo bà Tâm, phương án này không vênh với hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đặc biệt là các điều 111, 112 của hiến pháp đều quy định việc tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với điều kiện cụ thể.
Mặt khác, bà Tâm cho rằng phương án 1 mà Chính phủ trình có sự nghiên cứu, tiếp thu những điểm cốt lõi của đề án chính quyền đô thị mà TP.HCM đã “thai nghén” hơn 20 năm nay.
“Quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường ở TP.HCM cũng như nhiều địa phương đã có những thành công. Như vậy, lý luận, thực tiễn cũng đã có để chúng ta thực hiện mô hình này” - bà Tâm nói.
Các ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Nguyễn Thanh Phong (Cần Thơ), Huỳnh Thành Chung (Bình Phước), Phùng Đức Tiến (Hà Nam) và nhiều ĐB khác cũng đồng tình với phương án 1 mà Chính phủ trình.
Thậm chí ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) còn đề nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm có hướng dẫn về tổ chức chính quyền ở các đặc khu và giao cho trưởng đặc khu quyết định về số lượng cấp phó, biên chế và quản lý hành chính.
Không sợ trưởng đặc khu lạm quyền
Có một số ĐB bày tỏ băn khoăn và chọn phương án 2 vì lo ngại trưởng đặc khu sẽ lạm quyền và mô hình chính quyền địa phương như ở đặc khu sẽ vi hiến.
Tuy vậy, nhiều ĐB cho rằng với cơ chế bổ nhiệm, giám sát như trong dự luật thì không nên lo ngại điều này.
Theo ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), việc giám sát trưởng đặc khu như trong dự luật sẽ do HĐND tỉnh, đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện.
Ngoài ra còn có giám sát của nhân dân, của MTTQ, báo chí trên địa bàn. “Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm thì đương nhiên sẽ có cơ chế giám sát từ trên xuống. Chúng ta hãy yên tâm” - ĐB Hoa nói.
ĐB Huỳnh Thành Chung khẳng định rằng: Trưởng đặc khu sẽ là thiết chế đáp ứng tốt nhất nguyện vọng, nhu cầu của người dân và nhà đầu tư.
Bởi thiết chế này là một cơ chế có cách vận hành đặc biệt theo hướng trực tiếp, giảm các khâu trung gian và thủ tục hành chính.
3 đặc khu có những ưu tiên khác nhau
• Vân Đồn: Phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm.
• Bắc Vân Phong: Phát triển các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, tài chính.
• Phú Quốc: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao; công nghệ sinh học.
(Theo Tờ trình tóm tắt của Chính phủ về dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt)
"Thiết chế này sẽ xác định rõ nhất trách nhiệm và quyền của người đứng đầu trong khuôn khổ pháp lý. Trách nhiệm trực tiếp của trưởng đặc khu trước Đảng và nhân dân sẽ được đề cao.
Nếu chúng ta dựa vào cơ chế tập thể thì tính chịu trách nhiệm cá nhân sẽ bị hạn chế" - ĐB Chung nói và nhấn mạnh: "Dưới sự lãnh đạo của Đảng, QH, Chính phủ, giám sát của MTTQ và nhân dân thì trưởng đặc khu không thể lạm quyền, tư lợi. Khi họ làm tốt thì sẽ được tôn vinh và vì vậy kích thích được họ cống hiến".
ĐB Phùng Đức Tiến thậm chí còn đề nghị cần giao nhiều quyền hơn cho trưởng đặc khu. Đồng thời các đặc khu cũng cần phải có hệ thống tư pháp thông thoáng.
“Trưởng đặc khu vừa trực thuộc Thủ tướng vì do Thủ tướng bổ nhiệm, vừa trực thuộc HĐND tỉnh thì e rằng cơ chế có thông thoáng đến đâu cũng khó phát huy hiệu quả” - ĐB Tiến nói.
ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) từ kinh nghiệm chuẩn bị đặc khu Vân Đồn cho rằng vấn đề quan trọng là phải lựa chọn được đúng người để trao quyền làm trưởng đặc khu.
Bà Lan cũng đồng tình việc không cần lo lắng trưởng đặc khu sẽ lạm quyền vì cơ chế giám sát như trong dự luật thiết kế là rất tốt.
"Chủ động trong cuộc chơi"
Trao đổi với báo chí bên hành lang QH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói những cơ chế vượt trội mà dự luật này đưa ra đều ngang bằng hoặc hơn những đặc khu khác ở khu vực và thế giới. "Đây là việc chúng ta chủ động trong "cuộc chơi". Muốn vậy thì dự luật này phải có những vượt trội hơn hẳn, từ tổ chức chính quyền cho đến những ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược".
Giải trình một số vấn đề trước QH, Bộ trưởng Dũng cảm ơn những phát biểu đồng thuận, thể hiện tinh thần đột phá, táo bạo của các ĐB. Bộ trưởng Dũng cũng mong muốn nhận được ý kiến của các ĐB chưa phát biểu tại nghị trường để có cơ sở hoàn thiện luật.
Trong ít phút ngắn ngủi tổng kết phiên thảo luận về dự luật đặc khu, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói đây là một dự luật mới, khó nhưng cũng là một dự luật đặc biệt với những thể chế đặc biệt. Từ đó, ông Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến.
Đồng thời sau kỳ họp này, cần tổ chức nhiều hội thảo, kể cả hội thảo cho các ĐB chuyên trách để làm sáng tỏ hơn những điều còn băn khoăn.
Ông Uông Chu Lưu coi đó là những sự chuẩn bị quan trọng để dự luật này trình ra Ủy ban Thường vụ QH trước kỳ họp thứ 5 sẽ diễn ra năm 2018.