Ngày nay, trẻ em được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ rất sớm. Bố mẹ bận rộn cũng thường xuyên cho con xem điện thoại, máy tính bảng để giúp chúng ngồi yên một chỗ.
Thông thường, Youtube và Youtube Kids là 2 ứng dụng hàng đầu được các bé yêu thích, chọn click vào đầu tiên.
Bất chấp các nền tảng này đề ra chính sách bảo vệ người dùng như chặn video có nội dung tình dục, phản cảm, giới hạn độ tuổi, các đoạn clip chứa nội dung bẩn vẫn xuất hiện nhan nhản.
Đáng nói hơn, đối tượng mà chúng nhắm đến thường là khán giả nhỏ tuổi. Vậy nên trước khi con em mình trở thành nạn nhân tiếp theo, phụ huynh phải nên cảnh giác, đừng để rơi vào những trường hợp dưới đây.
Thử thách tự sát Momo
Bắt đầu từ một tác phẩm của một nghệ sĩ Nhật Bản, thử thách Momo dần trở thành nỗi ám ảnh đối với các bậc phụ huynh.
Tháng 10/2018, không ít bố mẹ ở một số quốc gia khu vực Mỹ Latin lên tiếng cảnh báo sau khi con mình trở thành nạn nhân của trò chơi đáng sợ này.
Khi ấy, Momo đóng vai một nhân vật ảo, thông qua ứng dụng WhatsApp, Messenger, gửi những hình ảnh bạo lực và thử thách buộc nạn nhân phải thực hiện những hành động có thể gây hại cho bản thân, kèm theo đó là lời đe dọa bị trừng phạt nếu như không tuân theo lời yêu cầu.
Bẵng đi một thời gian, thử thách Momo trở lại bằng một phương thức mới mẻ hơn là len lỏi vào các video hoạt hình tưởng chừng an toàn như Fortnight, Peppa Pig… trên ứng dụng dành cho trẻ em Youtube Kids.
Cụ thể, ở giữa đoạn phim hoạt hình, Momo sẽ xuất hiện để yêu cầu các nhân vật tự sát. Hình ảnh tiêu cực này chỉ xuất hiện vài giây nên các bậc phụ huynh rất khó phát hiện.
Tại các quốc gia Argentina, Brazil, Canada và Colombia đã nhận được rất nhiều báo cáo về các vụ thiệt mạng liên quan đến thử thách Momo.
Không ít bà mẹ cũng lên tiếng cảnh báo sau khi phát hiện con mình nghe theo thử thách Momo và thực hiện hàng loạt thử thách điên rồ như cạo trọc đầu, cầm dao tự cứa cổ…
Đứng trước những cáo buộc và làn sóng tẩy chay, đại diện Youtube mới đây cũng lên tiếng khẳng định họ không tìm thấy bất cứ bằng chứng về các video khuyến khích người xem tham gia thử thách Momo.
Youtube cũng cho biết họ đang nỗ lực áp dụng các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn các nội dung liên quan đến Momo trên ứng dụng Youtube Kids.
Tuy nhiên, thông báo của Youtube không đủ sức thuyết phục các bậc phụ huynh. Hiện tại, họ sẽ hạn chế cho con xem Youtube và Youtube Kids để phòng ngừa những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra trong tương lai.
Spiderman Elsa
Đầu năm 2017, mạng xã hội Việt xôn xao trước những đoạn clip có nội dung phản cảm nhắm đến đối tượng trẻ em.
Trong đó, diễn viên sẽ hóa trang thành các nhân vật hoạt hình quen thuộc như người nhện (Spiderman), nữ hoàng băng giá (Elsa)... nhưng lại thực hiện những hành động mang tính chất bạo lực, máu me thậm chí còn có nhiều phân cảnh gợi dục, hôn hít…
Xem những đoạn clip này, đến cả người trưởng thành cũng cảm thấy đỏ mặt, đối với trẻ em lại càng nguy hiểm bởi chúng có thể bắt chước làm theo.
Sau khi nhận được hàng loạt báo cáo, cơ quan chức năng cũng vào cuộc điều tra và xác định 2 ekip sản xuất đứng đằng sau những video phản cảm.
Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với chủ sở hữu kênh Youtube kia, sự việc một thời gian sau mới dần lắng xuống.
Nhân vật hoạt hình có nội dung phản cảm
Trẻ em là đối tượng tiềm năng mà các kênh Youtube "bẩn" hướng đến. Tận dụng những nhân vật hoạt hình quen thuộc, những kẻ xấu chỉnh sửa nội dung trở nên biến tướng, phản cảm.
Ví dụ như chú heo hồng Peppa Pig quen thuộc, nay lại đi cắn người, cầm dao tự dí vào đầu mình như thể đang gieo rắc vào đầu những khán giả nhỏ tuổi ý định tự tử đáng sợ.
Những đoạn clip có nội dung không phù hợp với trẻ em xuất hiện nhan nhản trên Youtube Kids.
Cách đây không lâu, bác sĩ nhi Free Hess cũng là một người mẹ sống tại bang Florida, Mỹ, đã đăng đàn cho biết cô vô tình tìm thấy một video hướng dẫn tự tử thế nào cho hiệu quả trên Youtube Kids.
Trong đó, một người đàn ông đeo kính râm cầm dao tưởng tượng tận tình hướng dẫn: "Nhớ nhé các con, cắt ngang để có được sự chú ý, cắt dọc nếu muốn đạt kết quả cao nhất".
Hiện tại đoạn clip này đã bị gỡ khỏi Youtube Kids song sau khi nghiên cứu nền tảng dành cho trẻ em này, nữ bác sĩ còn phát hiện rất nhiều đoạn clip nội dung khai thác chủ đề lạm dụng tình dục, buôn người, bạo lực súng đạn và bạo lực gia đình.
(Nguồn: Tổng hợp)