Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump huỷ cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được dự định tiến hành ở Singapore vào ngày 12/6 tới không hoàn toàn bất ngờ nhưng việc ông Trump đổi ý chỉ không đầy một ngày sau đó thì gây bất ngờ thực sự bởi chắc chắn phải có đột biến gì đấy xảy ra trong khoảng thời gian ấy.
Ông Trump tỏ ra hài lòng về phản ứng ôn hoà của phía Triều Tiên sau khi cuộc gặp ở Singapore bị ông quyết định huỷ. Điều còn đáng được chú ý đến hơn thế là việc ông Trump cho biết Mỹ và Triều Tiên đang trao đổi "rất hiệu quả" về việc khôi phục cuộc gặp và lộ ý cuộc gặp vẫn có thể được tiến hành ở Singapore vào ngày 12/6 tới hoặc "nếu cần thiết thì sau đó".
Qua đấy có thể thấy được ba điều là Mỹ và Triều Tiên vẫn kiên định chủ ý tiến hành cuộc thượng đỉnh và hai bên trong thực chất hiện vẫn đang xúc tiến quá trình chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh cũng như nếu cuộc thượng đỉnh không được tiến hành vào ngày 12/6 tới thì sẽ vào thời điểm khác không muộn hơn nhiều.
Rõ ràng là cuộc thượng đỉnh không hề bị huỷ mà đang được dàn xếp lại hoặc chỉ bị hoãn mà trong trường hợp này không phải bị hoãn vô thời hạn.
Ông Kim Jong-un đã trao đổi ý kiến về hội nghị Mỹ-Triều với ông Moon Jae-in vào cuộc họp chiều 26/5. Ảnh: CNN
Nhân tố bí ẩn
Sự thay đổi quyết định nhanh chóng này khẳng định nguyên do khiến ông Trump quyết định huỷ cuộc gặp như nêu trong bức thư gửi ông Kim Jong-un chỉ là lý do mang tính ngoại giao chứ không phải thực chất. Công bằng và khách quan mà nói thì phía Mỹ chứ không phải phía Triều Tiên đã khơi mào cuộc khẩu chiến giữa hai bên trong thời gian vừa qua.
Mỹ tập trận chung với Hàn Quốc, cả Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đều đã dùng cái gọi là Mô hình giải pháp Libya để áp đặt cho Triều Tiên và doạ Triều Tiên.
Nguyên do chính khiến ông Trump quyết định huỷ cuộc gặp là lo ngại sẽ phải chịu thất bại chứ không giành về được thành công từ cuộc gặp ở Singapore, tức là đến Singapore để gặp ông Kim Jong-un nhưng rồi không nhận về được nhượng bộ gì từ phía ông Kim Jong-un trong vấn đề "phi hạt nhân hoá Triều Tiên" theo cách hiểu và tiêu chí của Mỹ.
Cũng có thể hiểu là giữa Mỹ và Triều Tiên trong quá trình chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh đến nay vẫn còn bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích đến mức làm cho cuộc gặp không thể thành công.
Ông Trump đã đầu tư cả thể diện lẫn uy danh vào sự kiện này và sẽ vô cùng tai hại về mọi phương diện đối với ông Trump nếu đến Singapore rồi mà ra về tay không trong khi chỉ cần có cuộc gặp với ông Trump thôi đã đủ để có lợi cho ông Kim Jong-un và Triều Tiên.
Vì thế, việc ông Trump lại cho rằng cuộc gặp có thể sẽ vẫn diễn ra vào ngày 12/6 tới ở Singapore hoặc nếu cần thiết thì có thể muộn hơn chắc chắn có nguyên do quyết định nhất ở tiến triển thực chất trong quá trình đàm phán chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh giữa hai bên về nội dung mà cụ thể và trước hết về vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Nhiều khả năng hai bên đã có những nhượng bộ lẫn nhau đủ để giúp cả hai phía tin tưởng rằng vẫn có thể đạt được thoả thuận từ nay đến trước ngày 12/6 hoặc đến thời điểm nào đấy sau đó. Những nhượng bộ lẫn nhau này ẩn hiện trong cái gọi là "Công thức Trump" và trong "lộ trình từng bước" được phía Triều Tiên nêu ra khi thể hiện phản ứng về quyết định của ông Trump huỷ cuộc gặp.
Xem ra, cả Mỹ và Triều Tiên hiện đang cùng nhau nỗ lực cứu cuộc gặp và đều ý thức được rằng chỉ có thể làm nổi việc ấy nếu chịu cùng tiến lại gần nhau. Hai vấn đề quyết định nhất mà họ phải giải quyết và phải đạt được sự đồng thuận thì cuộc thượng đỉnh mới có thể được tiến hành, dù vào ngày 12/6 tới hay sau đó, là nhất trí về nội hàm của "phi hạt nhân hoá" và về lộ trình thực hiện việc "phi hạt nhân hoá" này.
Một lý do khác nữa có thể là dư luận chung trên thế giới về việc ông Trump huỷ cuộc gặp không được thuận và lợi lắm đối với ông Trump. Ông Trump bị để ý nhiều đến việc cho tới nay mới chỉ thấy phá bỏ chứ chưa gây dựng nên thoả thuận quốc tế nào đa phương cũng như song phương, chỉ thấy gây ra thêm vấn đề mới chứ chưa giải quyết được vấn đề nào tồn tại lâu nay đối với nước Mỹ và thế giới.
Cho dù có được thêm nhiệm kỳ cầm quyền nữa thì ông Trump vẫn sẽ không thể giải quyết được mọi vấn đề với Iran nếu bám giữ đến cùng vào 12 điều kiện mới đưa ra trong khi nếu giải quyết được vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thì sẽ làm nên lịch sử và đi vào lịch sử.
Cuộc chơi với Triều Tiên đối với ông Trump nhiều rủi ro hơn và không dễ thắng bằng chuyện kinh doanh bất động sản nhưng cái danh và lợi có thể có được từ đó lại rất đáng để ông Trump chấp nhận rủi ro và tận dụng cơ hội.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.