Sáng 9/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Trong tương lai gần, các biện pháp trừng phạt cũ với Iran được tạm thời dỡ bỏ cách đây chưa đầy ba năm sẽ được khôi phục.
Kết quả là, các công ty thương mại, chủ yếu là châu Âu, hoặc phải ngừng kinh doanh với Iran; hoặc phải chịu sự trừng phạt của Mỹ. Rõ ràng, hầu hết các doanh nghiệp sẽ chọn phương án đầu tiên - ít quốc gia muốn có trong danh sách xử phạt của Mỹ. Điều này lần lượt sẽ đánh mạnh vào các lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ của nền kinh tế Iran, mới chỉ bắt đầu phục hồi sau nhiều thập kỷ bị cô lập.
Điều gì đã làm Trump thay đổi thỏa thuận?
Hầu hết nhiên liệu hạt nhân của Iran (trước khi ký thỏa thuận) đã được làm giàu tới 20%; sau khi thỏa thuận được thực hiện, nhà máy làm giàu urani ở Kum đã trở thành một viện nghiên cứu hạt nhân hòa bình, không còn khả năng làm làm giàu urani; đồng thời Iran đã tháo dỡ 20.000 máy ly tâm IR-2 hiệu quả nhất trong làm giàu uranium, tạm thời chỉ để lại những máy ly tâm IR-1 cũ và không hiệu quả.
Ngoài ra, Iran phải đóng cửa lò phản ứng Arak, nơi có thể sản xuất plutonium; ngay cả nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân của Iran chỉ có thể làm giàu đến ngưỡng 3,64% trong 10 năm (để làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân, urani phải làm giàu đến 5%; nhưng để sản xuất vũ khí hạt nhân, urani phải được làm giàu tối thiểu là 90%).
Đồng thời Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế - IAEA kiểm soát thường xuyên các địa điểm trên, các thanh tra viên có quyền thăm bất kỳ địa điểm nào thấy nghi ngờ trên lãnh thổ Iran.
Kể từ khi thực hiện JCPOA, các chuyên gia IAEA đã đưa ra một số báo cáo xác nhận rằng, Tehran hoàn toàn tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố điều ngược lại.
Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Ảnh: AP
Bài học nào cho Triều Tiên từ chương trình hạt nhân Iran?
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra trong tháng 6 tới đây tại Singapore.
Nhiều ý kiến cho rằng, bài học hạt nhân Iran làm nhà lãnh đạo Triều Tiên tăng thêm cơ sở để tin rằng, Mỹ chưa hẳn là đối tác tin cậy. Bởi nếu ông Trump tôn trọng thỏa thuận, tiếp tục hợp tác với Iran trong lĩnh vực kiểm soát hạt nhân, điều đó sẽ làm nền tảng xây dựng lòng tin trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, mà trong đó, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chắc chắn sẽ là chủ đề chính của cuộc gặp.
Thông tấn xã Triều Tiên KCNA, cơ quan ngôn luận chính thức của Bình Nhưỡng, đã đưa ra một thông điệp chỉ trích quyết định của Trump: "Mỹ cố tình gây căng thẳng và bất ổn trên thế giới; trong khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang tiến tới hòa bình và hòa giải".
Do đó, rất có thể ông Kim Jong-un sẽ không phá hủy kho vũ khí hạt nhân của mình, vì thiếu lòng tin ở Mỹ. Ngay cả những chuyến đi thường xuyên của tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng và những cử chỉ của thiện chí của Triều Tiên, chẳng hạn như việc phóng thích các tù nhân Mỹ, cũng không giúp được gì trong việc đàm phán hạt nhân sắp tới.
Các nhà chống đối JCPOA cho rằng, thỏa thuận hạt nhân của Iran đã cho Tehran cơ hội để phát triển những tên lửa đạn đạo mới, điều đó thật phi lý. Và bây giờ là Triều Tiên, họ đã có vũ khí hạt nhân và chắc chắn họ không dễ dàng từ bỏ nó.
Iran có tiềm năng phát triển vũ khí hạt nhân trong trường hợp rút hẳn ra khỏi thỏa thuận không? Điều đó là hiển nhiên; họ tiếp tục làm giàu urani và sản xuất plutonium, bất chấp lệnh cấm vận quốc tế; sau đó Iran có thể nhanh chóng trở thành một cường quốc hạt nhân.
Và nếu điều đó xảy ra thì Saudi Arabia sẽ giành tất cả nguồn lực của mình để phát triển vũ khí hạt nhân. Theo giới phân tích, nghịch lý chính sách của ông Trump là muốn triệt tiêu vũ khí hạt nhân của Iran, thì lại đẩy thế giới và khu vực đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Nếu Iran rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân thì có thể ảnh hưởng đến Triều Tiên. Iran là một nước có công nghệ và công nghiệp phát triển; vì vậy họ có thể giúp đỡ những nước mà Mỹ cho là kẻ thù của mình.
Do đó, tác động về việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là khá mạnh mẽ, nó tác động tiêu cực đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra, bởi vì các bên không tin tưởng lẫn nhau; liệu Triều Tiên có đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy một hiệp ước hòa bình lâu dài với Mỹ?
Giới chuyên gia nhận định, bài học về việc từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iraq, Lybia và bây giờ là Iran càng có cơ sở để nhà lãnh đạo Triều Tiên không có lý do để từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Bơn giản là khi có vũ khí hạt nhân trong tay, Triều Tiên tự do làm những gì họ muốn trong giới hạn; mà không sợ có một ngày nào đó, Mỹ sẽ hành động với Triều Tiên giống như cách hành xử với Iraq, Lybia và Iran hiện nay./.