Triều Tiên đã rút kinh nghiệm từ mô hình Libya
Hơn một tháng trước ngày dự kiến sẽ diễn ra cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên - tức ngày 12.6 tới ở Singapore - cả hai phía Triều Tiên và Mỹ đã bất ngờ có những động thái gây bất lợi cho khả năng sự kiện này được tiến hành như hai bên đã dự định.
Phía Triều Tiên bực bội về việc Mỹ và Hàn Quốc lại tập trận chung, và cảnh giác về những thông tin cho thấy phía Mỹ chủ ý áp đặt Triều Tiên chấp nhận mô hình giải pháp của Mỹ về vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Trong đó, điều đặc biệt nghiêm trọng đối với Triều Tiên là phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng Triều Tiên phải chấp nhận cái gọi là Mô hình giải pháp Libya.
Ai cũng biết rằng chính những điều đã xảy ra với Libya là một trong những nguyên cớ thôi thúc Triều Tiên đẩy mạnh phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa bằng mọi giá. Vì thế, Triều Tiên đã hủy cuộc gặp cấp cao với Hàn Quốc và lần đầu tiên đề cập đến khả năng hủy cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Trump sau đó khẳng định Mỹ không có chủ trương áp dụng mô hình giải pháp Libya đối với Triều Tiên, tức là tách biệt mình với ông Bolton, và chơi chiêu sách "Cây gậy và củ cà rốt".
Ông Trump tuyên bố rằng nếu Triều Tiên và Mỹ đạt được thỏa thuận về giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, thì mọi chuyện sẽ trở nên rất tốt đẹp đối với Triều Tiên, còn nếu không thì rất có thể lịch sử của Libya sẽ lặp lại.
Điểm khác biệt so với Libya, đó là mục đích của Mỹ không phải là lật đổ chính thể hiện tại ở Triều Tiên, mà là tìm kiếm thỏa thuận với chính quyền Triều Tiên hiện nay. Nếu không đạt được thỏa thuận với chính quyền hiện tại ở Triều Tiên về giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của nước này, thì Mỹ mới tính đến mô hình giải pháp Libya.
Mô hình giải pháp Libya thực chất có hai nội dung chính, đó là Libya từ bỏ tất cả vũ khí hủy diệt và ngừng chương trình hạt nhân, đổi lại Mỹ cam kết đảm bảo an ninh và hậu thuẫn phát triển cho Libya. Thỏa thuận được kí năm 2003 và phía Libya đã thực hiện nghiêm chỉnh, nhưng rồi năm 2011, Mỹ cùng với Anh và Pháp lại phát động cuộc chiến tranh nhằm mục tiêu thay đổi thể chế nhà nước ở Libya.
Năm 1994, chính quyền Bill Clinton ở Mỹ đã kí thỏa thuận với Triều Tiên, nhưng rồi đâu có thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ những gì đã kí. Mỹ và đồng minh thường cho rằng Triều Tiên không đáng tin cậy vì cam kết rồi không thực hiện, trong khi bản thân họ lại cam kết mà không thực hiện hoặc thậm chí còn lật lọng.
Chơi 'đòn gió' để tránh đòn thật
Sự không tin tưởng lẫn nhau này phủ bóng xuống cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un từ giai đoạn ý tưởng được tung ra đến quá trình chuẩn bị, từ diễn biến của cuộc gặp đến cả thời kỳ sau đó, khi hai bên cùng nhau thực hiện những điều thỏa thuận với nhau ở cuộc gặp. Cũng chính vì thế mà mọi khía cạnh về nội dung cũng như kỹ thuật của cuộc gặpTrump-Kim đều trở nên rất nhạy cảm và đều có thể gây nguy hiểm cho cuộc gặp này.
Phát biểu nói trên của ông Trump và việc Mỹ rút máy bay ném bom chiến lược B-52 ra khỏi diện tham gia tập trận chung với Hàn Quốc cho thấy hai điều.
Thứ nhất là ông Trump chủ trương không tạo cớ để phía Triều Tiên hủy cuộc thượng đỉnh. Cách tiếp cận của ông Trump xem ra là thà có cuộc thượng đỉnh và không đạt được thỏa thuận với Triều Tiên vẫn còn hơn không có cuộc thượng đỉnh.
Thứ hai, phi hạt nhân hóa Triều Tiên là mục tiêu quan trọng và mang tính chất quyết định nhất của ông Trump ở cuộc thượng đỉnh này, nhưng nội hàm cụ thể của cụm từ này sẽ là kết quả thương thảo giữa hai bên.
Chắc chắn rằng phía Mỹ muốn Triều Tiên chấp nhận mô hình giải pháp Libya, nhưng họ cũng đủ thực tế để biết trước rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ chấp nhận mô hình ấy bởi nhiều lý do, trong đó lý do chính là Mỹ đã tự cho thấy mình không phải đối tác đáng tin cậy, và chưa chắc rằng Mỹ sẽ thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ những điều đã kí kết với Triều Tiên.
Ngoài ra, Mỹ và đồng minh khi xưa có thể phát động chiến tranh chống Libya, thế nhưng hiện tại và cả trong tương lai, Mỹ sẽ vừa không dám, lại vừa không thể làm nổi việc ấy với Triều Tiên. Triều Tiên khác với Libya về khu vực địa lý, về vị thế và thực lực, đồng thời Triều Tiên cũng đã có bài học nhãn tiền từ Libya.
Cho nên thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên về giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên - nếu hai ông Trump và Kim Jong-un thực sự sẽ thảo luận vào tháng 6 tới đây ở Singapore - không thể là một quá trình ngắn, mà phải được thực hiện với nhiều bước đi nhỏ liền nhau theo một lộ trình thời gian cụ thể.
Mục đích của quá trình này là để hai bên xây dựng lòng tin lẫn nhau và không bên nào có thể đơn phương tự lật ngược như ông Trump đã làm với thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran.
Như vậy, cả Triều Tiên và Mỹ vừa rồi đều đã chơi 'đòn gió' để tránh phải ra đòn thật, bởi cả hai phía đều có lợi ích thiết thực trước mắt và chiến lược lâu dài đối với việc tiến hành cuộc gặp cấp cao này.
Cuộc thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ là lần đầu tiên Triều Tiên cho thế giới thấy vị thế ngang bằng với Mỹ, và Triều Tiên cũng ý thức được rằng cơ hội này chỉ đến vì Tổng thống Mỹ là người như ông Trump hiện tại.
Trong khi đó, ông Trump nhìn nhận đây là cơ hội và cách thức duy nhất để có được giải pháp hòa bình với Triều Tiên. Ông Trump đang cần cách giải quyết mới và giải pháp mới cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, nhằm chứng minh rằng quyết định rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran của mình là đúng đắn và cần thiết đối với nước Mỹ.
Trên hết, dường như Mỹ cũng đang muốn tìm cách giải quyết lại vấn đề hạt nhân và tên lửa của Iran, cũng như quan hệ của Mỹ với Iran theo cái gọi là "Mô hình giải pháp Triều Tiên".
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Triều Tiên đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều