Lốp Ford - Firestone
Năm 2000, Cục An toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) mở cuộc điều tra về lốp Firestone sử dụng trên mẫu xe Ford Explorer. Dòng lốp này bị lỗi, gai lốp có nguy cơ rơi ra trong lúc xe đang vận hành.
Do gai lốp rơi ra, lốp xe lập tức nổ tung hoặc hư hỏng khiến tài xế mất lái, qua đó gây tai nạn hoặc lật xe. Một cuộc điều tra sau đó chỉ ra rằng, quy trình kiểm tra chất lượng lỏng lẻo của hãng lốp Firestone cùng điều kiện làm việc khắc nghiệt là nguyên nhân dẫn tới vấn đề trên.
Ford không hoàn toàn vô can. Thời điểm đó, hãng biết Explorer dễ lật khi vào cua gấp nên khuyến cáo khách hàng không bơm căng lốp mà chỉ bơm tới khoảng 26 psi (35 là chỉ số bình thường). Việc bơm lốp non khiến lốp sinh nhiệt và ma sát lớn hơn, tăng tỷ lệ gặp rủi ro.
Tổng cộng, hơn 6 triệu lốp trên thị trường bị thu hồi. Ước tính tới 2020, ít nhất 271 người đã tử vong vì tai nạn liên quan tới lốp Ford - Firestone, biến đây thành một trong những sai sót "chết chóc" nhất lịch sử ngành ô tô. Ford và Firestone đành chọn cách "chia tay" dù đã hợp tác gần 100 năm, đồng thời CEO cả hai hãng này buộc phải từ chức.
Volkswagen gian lận khí thải xe diesel
Năm 2015, ngành ô tô toàn cầu tiếp tục chấn động vì thông tin Volkswagen gian lận khí thải xe diesel bị phơi bày. Do gặp khó trong khâu phát triển động cơ có mức xả thải thấp theo tiêu chuẩn ngày một nghiêm ngặt, tập đoàn xe lớn thứ 2 thế giới quyết định gian lận.
Họ phát triển và sử dụng một thiết bị có khả năng hạn chế xả thải (bằng cách giới hạn động cơ) khi thử nghiệm khí thải. Tuy nhiên, xe thành phẩm trên thị trường vẫn xả thải ở mức bình thường.
Tập đoàn Đức ban đầu đổ lỗi cho 2 kỹ sư phần mềm của hãng, tuy vậy văn bản được điều tra sau đó cho thấy ban lãnh đạo Volkswagen đã thông qua quy trình gian lận này bất chấp sự phản đối của nhiều kỹ sư.
Bê bối này làm Volkswagen tiêu tốn số tiền lên tới 12 chữ số để nộp phạt và khắc phục hậu quả. Không dừng lại ở đó, xe diesel sau bê bối đã bắt đầu mất dần vị thế trên toàn cầu, qua đó mở đường cho cuộc cách mạng xe điện bắt đầu diễn ra từ cuối thập kỷ 2010.
Túi khí Takata
Lần thu hồi túi khí Takata cũng là lần thu hồi có quy mô lớn nhất và cũng phức tạp nhất lịch sử làng xe Mỹ. Trong giai đoạn giữa 2000 và 2008, hãng cung ứng Nhật sản xuất túi khí lỗi khi gặp độ ẩm/nhiệt độ cao hoặc lâu không sử dụng.
Số túi khí này, khi gặp va chạm mạnh, sẽ nổ ở lực lớn hơn nhiều cho phép. Lực trên làm bung cả khung vỏ kim loại ở ngoài và khiến mảnh vỡ cũng như hóa chất kích nổ túi khí bắn vào người dùng.
Honda cũng bị liên đới vì sự việc này khi họ cùng Takata cố tình chậm trễ trong khâu thông báo lỗi túi khí Takata. Kết quả là riêng hãng xe Nhật bị phạt 70 triệu USD.
Tính tới tháng 9-2021, túi khí Takata đã gây ra 19 ca tử vong tại Mỹ và 27 trên quy mô toàn cầu cùng số lượng các ca chấn thương lên tới hàng ngày. Tổng cộng có hơn 42 triệu xe bị ảnh hưởng với 67 triệu túi khí bị thu hồi dai dẳng trong gần 2 thập kỷ.
Toyota tăng tốc lỗi
Tháng 8/2009, một gia đình 4 người tại Mỹ thiệt mạng vì tai nạn do xe Lexus bị kẹt chân ga vào thảm trải sàn. Toàn bộ sự việc được ghi nhận khi người lái gọi 911 cứu hộ. Tới tháng 11 cùng năm, số người dùng phản ánh lỗi xe Toyota tăng tốc bất thường bùng nổ.
Ban đầu phía Toyota và Lexus khẳng định vấn đề trên tới từ lỗi người dùng. Tuy nhiên, sau đó họ thừa nhận thảm trải sàn có thiết kế lỗi làm kẹt chân ga. Chỉ trong 2 năm 2009 và 2010, hãng triệu hồi 9,3 triệu xe trên toàn cầu.
Tưởng rằng mọi việc đã êm xuôi thì Toyota một lần nữa bị réo tên. Trong quá trình triệu hồi, họ phát hiện một lỗi khác làm xe tăng tốc bất thường (chân ga bị kẹt dù chỉ nhấn nhẹ) nhưng ém đi. Toyota sau đó thừa nhận sai lầm và bị phạt 1,2 tỷ USD, mức phạt hình sự lớn nhất tại Mỹ mà một hãng xe phải đối diện vào thời điểm đó.
Daimler hối lộ
Năm 2010, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) công bố kết quả điều tra và thỏa thuận với Daimler sau khi tập đoàn Đức bị phát hiện đưa hối lộ. Họ khẳng định Daimler đã đưa hối lộ có hệ thống trong hơn một thập kỷ. Bên nhận hối lộ là quan chức chính quyền nhiều quốc gia ở Đông Âu, châu Phi, Trung Đông và châu Á.
Nhờ động thái này, Daimler đã hoàn tất được nhiều thỏa thuận thương mại trên toàn cầu. Nhiều thành viên ban lãnh đạo Daimler hoàn toàn phớt lờ quy tắc chống hối lộ nội bộ trong nhiều năm.
Tổng cộng Daimler hối lộ khoảng 56 triệu USD, thu về 1,9 tỷ USD doanh thu và 90 triệu USD lợi nhuận phi pháp từ những thỏa thuận "đen". Tập đoàn Đức sau đó chấp nhận nộp phạt 185 triệu USD.