Trước kỳ tích của lứa Công Phượng, cả châu Á từng chấn động vì một "U23 Việt Nam" khác

Linh Đan |

Trước khi Công Phượng, Quang Hải… làm nên kỳ tích Thường Châu, bóng đá Việt Nam từng có một lứa cầu thủ U23 khác làm người hâm mộ nức lòng với thành tích chưa ai từng nghĩ đến.

Lứa cầu thủ đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là những cái tên Công Vinh, Anh Đức, Vũ Phong, Thanh Bình… quen thuộc ngày nào. Sở dĩ tiêu đề bài viết phải đặt U23 Việt Nam trong ngoặc kép là bởi ở giải đấu gây chấn động châu Á 13 năm về trước, truyền thông sử dụng cách gọi Olympic Việt Nam. Nhưng dù có gọi thế nào, dấu ấn mà những chàng trai trẻ đó tạo nên ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 vẫn mãi là kỷ niệm khó quên với người hâm mộ bóng đá nước nhà.

QUÂN VẮNG TƯỚNG NGAY SAU TRẬN MỞ MÀN

Vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 khu vực châu Á được chia làm 3 vòng, thi đấu trải dài trong năm 2007, lấy 3 suất để cùng chủ nhà Trung Quốc dự giải. Việt Nam phải bắt đầu tham dự ngay từ vòng sơ loại đầu tiên gặp đối thủ Afghanistan.

Vào thời điểm đó, giành vàng SEA Games 24 vẫn là mục tiêu chính của bóng đá Việt Nam. Bởi thế, khi vòng loại Olympic khởi tranh, dư luận chưa thực sự dành nhiều sự quan tâm vì giải đấu châu lục vẫn bị xem là quá tầm.

Ngày 14/2/2007, Olympic Việt Nam có chiến thắng nhẹ nhàng với tỉ số 2-0 trước Olympic Afghanistan nhờ các bàn thắng của Huỳnh Phúc Hiệp và Nguyễn Vũ Phong để lọt vào vòng 2. Tuy nhiên, ngay sau trận thắng này, HLV trưởng Alfred Riedl phải về Áo chữa bệnh và tạm thời trao quyền lại cho các trợ lý Mai Đức Chung và Trần Công Minh.

Mới xong trận đầu đã "vắng tướng", cộng thêm việc rơi vào bảng đấu gồm những đối thủ khó chơi như Oman, Lebanon, Indonesia ở vòng 2, không nhiều người dám kỳ vọng vào tấm vé đi tiếp cho Công Vinh và các đồng đội.

Trước kỳ tích của lứa Công Phượng, cả châu Á từng chấn động vì một U23 Việt Nam khác - Ảnh 1.

KHỞI ĐẦU NHƯ MƠ

Vòng loại thứ 2 được chia thành 6 bảng, mỗi bảng 4 đội, thi đấu vòng tròn 2 lượt để chọn ra 2 đội đứng đầu mỗi bảng lọt vào vòng 3.

Olympic Việt Nam được chơi trên sân nhà ở lượt trận đầu tiên, nhưng vẫn bị đánh giá thấp hơn Olympic Lebanon. Ở trận này, Olympic Việt Nam chỉ cắm duy nhất mũi nhọn Anh Đức, còn Công Vinh được kéo lùi sâu hơn để gia tăng sức mạnh cho hàng tiền vệ, đồng thời phát huy được tốc độ của mình.

Dù vậy, chiến thuật này tỏ ra kém hiệu quả khi sau 30 phút đầu trận, đối thủ không gặp nhiều khó khăn để chặn đứng các đường lên bóng của Olympic Việt Nam. Bước ngoặt chỉ đến ở phút 33 khi hậu vệ Al Hafl lóng ngóng để bóng chạm tay sau quả tạt của Công vinh. Trọng tài ngay lập tức chỉ tay vào chấm 11m và chính Công Vinh là người thực hiện thành công quả đá phạt đền, mở tỷ số trận đấu.

Việc bị dẫn bàn khiến các cầu thủ trẻ của Lebanon nao núng, trong khi phía Việt Nam càng chơi càng hay. Và sau nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, đội chủ nhà đã có bàn thắng kết liễu đối thủ khi trận đấu dần trôi về những phút cuối.

Công Vinh thực hiện đường chuyền vượt tuyến chuẩn xác từ sân nhà, tạo điều khiện để Phúc Hiệp băng lên đối mặt và dứt điểm hạ gục thủ môn Lebanon. Sân Thiên Trường vỡ òa với chiến thắng đầy bản lĩnh của các chàng trai áo đỏ.

Olympic Việt Nam 2-0 Olympic Lebanon | Vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 (Video: VTV)

Ít ngày sau, Olympic Việt Nam có chuyến làm khách đến Indonesia ở lượt trận thứ 2. Công Vinh tiếp tục thể hiện phong độ cao khi ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu ở phút 76, giúp Olympic Việt Nam giành 3 điểm.

Sau trận đấu, truyền thông xứ Vạn đảo không khỏi thất vọng và đã sớm nhận định đội nhà không còn hi vọng để đi tiếp, khi gặp đối thủ dễ chơi nhất là Việt Nam cũng không thể có điểm.

NHỮNG KHOẢNH KHẮC VỠ ÒA TẠI MỸ ĐÌNH

Về phía thầy trò HLV Mai Đức Chung, việc có được trọn vẹn 6 điểm sau 2 lượt trận giúp sự tự tin của toàn đội được đẩy lên cao. Dù để thua Olympic Oman 1-3 khi làm khách tại Tây Á vào ngày 18/3, tuy nhiên Olympic Việt Nam đã đòi sòng phẳng món nợ khi hai đội tái đấu gần 1 tháng sau.

Ngay phút thứ 2, một đường cong hoàn hảo đã được Vũ Phong vẽ nên từ cự ly gần 40m. Nhận thấy thủ môn Oman đứng hơi cao, tiền vệ sinh năm 1985 đã táo bạo thực hiện cú đá thẳng thay vì treo bóng, khiến cho đối phương hoàn toàn bị bất ngờ.

Đến phút 31, Mai Tiến Thành có pha tạt bóng tầm thấp khó chịu từ bên cánh trái, khiến hậu vệ Oman lóng ngóng phá hụt bóng. Chỉ chờ có thế, Minh Chuyên chớp cơ hội dứt điểm cận thành, ghi bàn thắng thứ hai cho Olympic Việt Nam.

Thắng lợi 2-0 giúp cửa đi tiếp đã rộng mở với Vũ Phong và các đồng đội. Dù để thua Lebanon 0-1 ở lượt trận tiếp theo nhưng việc Oman bất ngờ bị Indonesia đánh bại giúp Việt Nam chỉ cần 1 điểm ở lượt cuối để có vé đi tiếp. Nhưng HLV Mai Đức Chung và các học trò còn làm được nhiều hơn thế.

Olympic Việt Nam 2-0 Olympic Oman | Vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 (Video: VTV)

Tối 7/6/2007, Olympic Việt Nam bước vào trận đấu với đối thủ Indonesia dưới cơn mưa nặng hạt tại Mỹ Đình. Ngay phút thứ 7, lưới của đội khách đã tung lên. Công Vinh tung cú sút phạt uy lực từ cự ly gần 30m, thủ môn đối phương vất vả đẩy bóng nhưng Vũ Phong đã ập vào rất nhanh để đá bồi, mở tỉ số trận đấu.

Suốt những phút tiếp theo, Olympic Indonesia chỉ biết co cụm phòng ngự trước sức ép khủng khiếp của đội chủ nhà. Tuy nhiên thời tiết mưa to kèm gió lớn, cộng thêm sự thiếu may mắn khiến cơ hội cứ lần lượt trôi qua mũi giầy của Công Vinh, Vũ Phong, Anh Đức hay Thanh Bình.

Đội khách chỉ đáp trả được vào những phút cuối trận, thế nhưng chỉ với 2 lần dứt điểm trúng đích, họ lại có bàn gỡ hòa 1-1 ở phút 88. Kết quả hòa không làm Olympic Việt Nam mất vé đi tiếp, tuy nhiên các cầu thủ rõ ràng không hài lòng với 1 điểm.

Đúng vào phút cuối cùng của trận đấu, Vũ Phong tung cú sút từ cự ly hơn 40m, bóng đập đất và bay với quỹ đạo đầy khó chịu khiến thủ môn Indonesia dù đổ người hết cỡ vẫn không thể cản phá. Khán đài sân Mỹ Đình như nổ tung trong niềm vui sướng tột độ.

Olympic Việt Nam 2-1 Olympic Indonesia | Vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 (Video: VTV)

Lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam tiến sâu đến thế tại vòng loại Olympic. Việt Nam sánh vai cùng với những cường quốc của châu lục như Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc… ở vòng loại cuối cùng trên đường tới Bắc Kinh, điều được coi là bất ngờ lớn của giải đấu.

CÁI KẾT NGẨNG CAO ĐẦU

12 đội tuyển lọt vào vòng loại thứ 3 được chia thành 3 bảng, mỗi bảng 4 đội thi đấu vòng tròn hai lượt, chọn ra đội nhất bảng để dự Olympic Bắc Kinh. Tại đây, việc phải đối đấu với Nhật Bản, Qatar và Saudi Arabia khiến Việt Nam chỉ giành được 2 điểm sau 6 trận, đứng cuối bảng.

Tuy nhiên, 2 trận hòa cùng với tỉ số 1-1 trước Qatar và Saudi Arabia tại Mỹ Đình vẫn được xem là những trận đấu hay nhất của bóng đá Việt Nam. Công Vinh, Vũ Phong cùng các đồng đội đã chơi thăng hoa, dồn ép 2 đại diện Tây Á đến nghẹt thở và chỉ may mắn mới giúp đội khách có được 1 điểm ra về (Việt Nam 2 lần dứt điểm trúng xà ngang ở phút bù giờ của cả 2 trận đấu).

Siêu phẩm của Vũ Phong vào lưới Olympic Qatar | Vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 (Video: VTV)

Cascadeur bất đắc dĩ

Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên chuyên trang Trí thức trẻ, báo điện tử Tổ Quốc, HLV Mai Đức Chung đã kể lại kỷ niệm khi nhận nhiệm vụ đóng thế cho HLV Riedl ở vòng loại thứ 2 Olympic Bắc Kinh.

"Thời điểm 2007, tôi lên làm trợ lý cho HLV Alfred Rield khi ấy kiêm nhiệm cả ĐTQG và đội U23. Nhưng bất ngờ ông ấy phải về nước để chữa bệnh thận nên giao quyền dẫn đội lại cho tôi. Được giao phó như thế thì bản thân mình cũng vui vẻ nhận lời, động viên để ông Rield yên tâm về chữa trị, hứa làm tốt nhiệm vụ và sẽ giao lại quyền khi ông ấy trở lại.

Thực sự lúc ấy nghe tôi nói thế ông ấy cảm động lắm. Ở những nơi khác có khi người ta lợi dụng cơ hội như thế này để lật đổ, nhưng mình thì không. Mình là người Việt Nam, sống có trước có sau, sẵn sàng hỗ trợ hết mức để mang lại thành tích tốt nhất có thể cho đội tuyển chứ không hề có một suy nghĩ cấn cá gì cả.

Nhưng cũng không ngờ trên cương vị mới tôi lại làm rất tốt. Olympic Việt Nam chơi tưng bừng để giành quyền lọt vào vòng loại thứ ba của Olympic Bắc Kinh 2008.

Đến khi HLV Rield chữa bệnh xong và trở lại Việt Nam, ông ấy có hỏi tôi đã làm những gì mà báo chí khen ngợi nhiều đến thế? Tôi chỉ bảo mình vẫn sử dụng những con người đó thôi, nhưng có sự thay đổi một chút về chiến thuật, chuyền từ 4-4-2 hay 4-3-3 quen thuộc sang đá 4-2-3-1.

Con người Việt Nam thể hình nhỏ, tốc độ, thể lực chưa thực sự tốt nên tôi muốn ưu tiên triển khai bóng ở khu vực giữa sân. Tôi đưa lại sắp xếp đội hình cho HLV Rield xem thì ông ấy bảo "Good, good" và khen ngợi tôi. Nhưng khi ấy ông Rield sức khỏe cũng tốt trở lại rồi nên mọi việc tôi lại bàn giao lại như cũ. Mình hứa sao làm vậy thôi, không có vấn đề gì lấn cấn cả".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại