NHÀ MÁY XE CHÂU ÂU BẤT NGỜ THỨC GIẤC
Mới đây, một nhà máy ô tô tại Kaluga, Nga đã bất ngờ được phát hiện hoạt động trở lại sau khi tập đoàn xe châu Âu Stellantis - chủ sở hữu - dừng hoạt động tại Nga.
Theo Reuters, Automotive Technologies - đơn vị phụ trách nhà máy - đã hợp tác với một đơn vị sản xuất của Trung Quốc nhằm đưa nhà máy của Stellantis đi vào hoạt động trở lại.
Reuters dẫn dữ liệu hải quan cho thấy vào tháng 12/2023, đã có ít nhất 42 bộ phụ tùng ô tô được nhập khẩu vào Nga để nhà máy của Stellantis lắp ráp xe. Reuters cho rằng Automotive Technologies là đơn vị chịu trách nhiệm nhập khẩu, Dongfeng Motor (Trung Quốc) là đơn vị sản xuất bộ phụ tùng.
Stellantis (đơn vị điều hành 14 thương hiệu lớn trong ngành xe thế giới) đã chính thức dừng hoạt động nhà máy tại Kaluga tại Nga từ tháng 4/2022; tới ngày 31/12/2023, Stellantis đã đưa ra kết luận "mất kiểm soát với các thực thể của mình tại Nga".
Tháng 12/2023, Automotive Technologies đã tổ chức buổi lễ đánh dấu hoạt động trở lại của nhà máy, nơi sẽ "sản xuất các mẫu crossover cỡ trung". Cùng trong tháng đó, 48 chiếc xe đã được lắp ráp thử nghiệm tại nhà máy này, dự kiến sẽ chính thức đi vào sản xuất trong năm 2024.
Reuters dẫn thông tin từ 2 nguồn giấu tên làm việc tại đơn vị phân phối đối tác của Automotive Technologies tại Nga, cho rằng Citroen C5 Aircross là mẫu xe được lắp ráp trên dây chuyền của nhà máy Kaluga. Tuy nhiên, hiện chưa rõ xe đi ra từ dây chuyền và tới tay người tiêu dùng có còn mang logo Citroen và tên C5 Aircross hay không.
Một thông tin cần nhắc tới là Dongfeng - nhà sản xuất bộ phụ tùng mà Automotive Technologies nhập khẩu về Nga - cũng là một đối tác với Stellantis. Tại Trung Quốc, Dongfeng thành lập liên doanh với tập đoàn xe châu Âu này để sản xuất và phân phối xe của các thương hiệu thuộc Stellantis tại Trung Quốc.
TỪNG LÀ TRỤ CỘT SẢN XUẤT
Nhà máy tại thành phố Kaluga, Nga thường được gọi là PSMA Rus. Đây thực tế là một đơn vị liên doanh giữa tập đoàn PSA (tiền thân của Stellantis) và Mitsubishi; trong đó, Mitsubishi chỉ sở hữu 30%. Tổng vốn đầu tư của nhà máy lên tới 16 tỷ rúp, tương đương khoảng 4,7 nghìn tỷ đồng.
Nhà máy PSMA Rus được xây dựng trên khu vực rộng 150 ha tại Khu Công nghiệp Rosva, cách Mát-xcơ-va khoảng 180km. Nhà máy PCMA Rus chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010, tới năm 2012 thì đã đủ khả năng hoạt động hết công suất với khoảng 125.000 xe/năm.
Nhà máy PSMA Rus có đủ năng lực để sản xuất ô tô, trong đó có các công đoạn phức tạp và có yêu cầu cao như hàn, sơn, hay lắp ráp.
Theo cổng thông tin đầu tư vùng Kaluga, nhà máy PSMA Rus có 2 dây chuyền, phụ trách sản xuất xe của Mitsubishi và của PSA. Trong năm 2019, số lượng xe sản xuất tại nhà máy này vượt mốc 40.000 chiếc.
Vai trò của nhà máy PSMA Rus từng được đánh giá rất cao khi có thể giúp Opel (thương hiệu trực thuộc Stellantis) mở rộng thị trường tại đây. Cựu CEO Opel - Michael Lohscheller (người cũng đã giữ vị trí Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu) đưa ra nhận định:
"Nga là một thị trường lớn, có tầm quan trọng chiến lược cao và hấp dẫn với nhiều tiềm năng. Là một thương hiệu Đức với truyền thống lâu đời và danh tiếng tốt tại Nga, chúng tôi sẽ tiếp tục kế thừa. Đủ năng lực sản xuất ngay tại Nga là ví dụ tiêu biểu cho thấy trở thành một phần của tập đoàn PSA quan trọng thế nào đối với Opel."
Trong năm 2021, sản xuất tại nhà máy PSMA Rus phục vụ xuất khẩu xe cho Stellantis đã gần như tăng gấp đôi, vượt 11.700 chiếc. Tới cuối năm đó, nhà máy tăng cường sản xuất để xuất khẩu tới các quốc gia nằm ở phía tây châu Âu, đồng thời bắt đầu lắp ráp các mẫu xe phục vụ xuất khẩu như Peugeot Expert, Opel Vivaro hay Citroen Jumpy. Fiat Scudo là một mẫu xe từng được dự tính đưa vào sản xuất tại PSMA Rus.
Stellantis cũng đã từng thông báo về ý định biến PSMA Rus thành trung tâm sản xuất phục vụ xuất khẩu động cơ và xe cho châu Âu, Nam Mỹ và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều biến động đã xảy ra từ khi đại dịch xuất hiện khiến cho nhà máy hoạt động gián đoạn. Như đã đưa tin, tới tháng 4/2022, Stellantis chính thức dừng hoạt động nhà máy này.