Mới đây, Chính phủ vừa có nghị quyết về kế hoạch tổ chức thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC - tiền thân là Vinashin) theo hướng phá sản đối với công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con (bao gồm các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn).
Thời gian thực hiện dự kiến bắt đầu triển khai từ quý II/2024.
Trong báo cáo tài chính quý III/2023 của CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco - mã chứng khoán: AGR) ghi nhận đang trích lập khoản dự phòng lên tới gần 1.102 tỷ đồng, trong đó 599 tỷ đồng là khoản đầu tư vào trái phiếu của Vinashin.
Lô trái phiếu này đã đáo hạn từ năm 2017, được đánh giá là không có khả năng thu hồi và được Agriseco trích lập dự phòng 391 tỷ đồng.
Năm 2018, theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, khoản trích lập dự phòng được tính theo mệnh giá, Agriseco tăng trích lập lên 599 tỷ đồng.
SBIC tiền thân là Vinashin, được thành lập từ năm 1996. Sau thời gian hoạt động thua lỗ nghiêm trọng, ngày 18/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin nhằm sớm ổn định sản xuất kinh doanh của tập đoàn, từng bước giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.
Tới tháng 10/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vẫn không hiệu quả.