1. Sự trổi dậy của đế quốc Mông Cổ, đặc trưng của quân Mông Cổ
Vào cuối thế kỷ 12, các bộ lạc du mục ở khu vực thảo nguyên Trung Á, phía bắc Trung Quốc bước vào giai đoạn hình thành một quốc gia thống nhất. Thời kỳ này người Mông Cổ có các liên minh bộ lạc lớn là Khiết Liệt, Mông Cổ, Nãi Man, Thát Đát …
Do sự chia rẽ về lợi ích và chịu ảnh hưởng chính sách chia để trị của đế quốc Kim, các bộ lạc Mông Cổ vẫn thường xuyên đánh lẫn nhau. Bấy giờ, một nhân vật kiệt xuất của người Mông Cổ nổi lên, đó là Thiết Mộc Chân (Temujin), thuộc bộ lạc Khất Nhan. Người này đã từng bước lập nên một liên minh lớn, tung quân đánh dẹp các bộ lạc thù địch, thống nhất được Mông Cổ.
Năm 1206, hội nghị các quý tộc Mông Cổ đã tôn xưng Thiết Mộc Chân làm Thành Cát Tư Hãn ( Genghis Khan ), nghĩa là Vua của thiên hạ. Từ đây, Mông Cổ liên tục có những chiến dịch xâm lược quy mô lớn trên khắp các hướng.
Tiến độ bành trướng của đế quốc Mông Cổ là chưa từng thấy trong lịch sử. Ban đầu, Mông Cổ thu phục nhanh chóng các bộ tộc lân cận người Khiết Đan, Đột Quyết. Sau đó lần lượt các đế chế hùng mạnh hàng đầu xung quanh bị đánh bại.
Năm 1206 Thành Cát Tư Hãn dẫn quân xâm lược nước Tây Hạ. Đến năm 1227 thì Tây Hạ vong quốc.
Năm 1219 quốc gia bá chủ Trung Á là Hoa Thích Tử Mô (Khwarezm), một đế chế có tính chất kế thừa đế quốc Ba Tư (bao gồm Iran, Iraq ngày nay và một số vùng lãnh thổ khác) có xung đột với Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn dẫn quân tàn phá nước này. Đến năm 1221 thì hầu hết lãnh thổ nước này đã bị Mông Cổ chiếm.
Năm 1211 Mông Cổ tấn công đế quốc Kim, quốc gia của người Nữ Chân lập nên đang thống trị vùng Hoa Bắc. Đến năm 1215 thì chiếm được Trung Đô nước Kim. Nước Kim liên tiếp phải dời đô trốn tránh. Mông Cổ kết liên minh với Nam Tống cùng hội quân diệt Kim. Đến năm 1234 thì nước Kim hoàn toàn bị Mông Cổ thôn tính.
Trong khoảng thời gian từ 1229 đến 1242, một nhánh quân Mông Cổ do cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Bạt Đô (Batu) chỉ huy tiến quân về hướng tây bắc, tàn phá Đông Âu và Trung Âu.
Quân Mông Cổ chiếm thành Moscow, tiêu diệt nước Nga Kiev (Kiev Rus), đánh bại quân Ba Lan, Hungari, Áo… Cả Châu Âu kinh hoàng trước sức mạnh quân Mông Cổ. Ở Đức xuất hiện bài cầu nguyện “Chúa cứu vớt chúng con khỏi sự cuồng bạo của Tatar”.
Quân Mông Cổ thời kỳ này đa phần là những kỵ binh cực kỳ tinh nhuệ và tàn bạo. Người Mông Cổ vốn là dân du mục lớn lên trên lưng ngựa, từ nhỏ đã tập tành cưỡi ngựa bắn cung và các kỹ thuật chiến đấu trên ngựa.
Những trang bị vượt trội của quân Mông Cổ là cung tên bắn xa và mạnh, áo giáp độn da thú nhẹ và bền chắc, loan đao và gươm, giáo … Mỗi người lính Mông Cổ được trang bị đến bốn ngựa thay phiên nhau.
Ngựa Mông Cổ dai sức, chạy nhanh, thích nghi được nhiều điều kiện thời tiết là thứ lợi khí quan trọng của người Mông Cổ. Khi tấn công vào vùng Trung Đông, người Mông Cổ tiếp thu kỹ thuật hỏa pháo và máy bắn đá loại Trebuchet.
Những vũ khí này dùng để công phá thành trì cực kỳ lợi hại. Sau những cuộc chiến với người Châu Âu, người Mông Cổ bắt đầu xây dựng những đội Thiết kỵ binh với trang bị áo giáp hạng nặng bằng kim loại cho cả người và ngựa.
Chúng ta thấy rằng, quân đội Mông Cổ không chỉ thiện chiến và trang bị tốt, mà còn biết tích cực tiếp thu kỹ thuật quân sự của những nền văn minh khác. Ngoài việc tiếp thu kỹ thuật, đế quốc Mông Cổ còn biết tận dụng nhân lực của những quốc gia bị thôn tính để bổ sung quân số. Do đó quân đội của đế quốc Mông Cổ vừa có chất lượng vừa đảm bảo số lượng.
2. Kế hoạch xâm chiếm Đại Lý, Đại Việt của Mông Cổ trong kế hoạch bao vây Nam Tống từ mọi hướng
Đế quốc Mông Cổ sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời (1227) thì lần lượt các Hãn nối nghiệp là Oa Khoát Đài (Ogodei), Quý Do (Guyuk), Mông Kha (Mongke). Dưới thời Oa Khoát Đài Hãn từ năm 1229 đến năm 1241 là quá trình bành trướng mạnh mẽ.
Sang đến thời Quý Do Hãn thì dấu hiệu phân liệt do lãnh thổ quá rộng lớn diễn ra. Đến thời Mông Kha Hãn, trọng tâm chính của đế quốc Mông Cổ là phương Đông. Mông Kha dồn sức tấn công nước Nam Tống để độc chiếm cả hai vùng đồng bằng Hoàng Hà, Trường Giang và mở rộng lãnh thổ về hướng đông nam.
Cuộc chiến giữa Nam Tống và Mông Cổ đã bùng phát ngay sau khi liên minh Tống – Mông diệt xong nước Kim (1234) dưới thời Oa Khoát Đài. Quân Nam Tống bội ước với Mông Cổ, đem quân bắc tiến. Mông Cổ bẻ gãy nhanh chóng cuộc tấn công của Nam Tống và phản công dữ dội.
Quân Mông Cổ chiếm được nhiều vùng đất hiểm yếu như Tùy Châu, Sính Châu. Tướng Tống là Mạnh Cử cầm quân đánh thắng được quân Mông Cổ một số trận, làm chậm được tiến độ xâm lấn của Mông Cổ. Chiến sự dằn co thì tạm lắng khi vua Oa Khoát Đài qua đời, Mông Cổ xảy ra một số xáo trộn nội bộ.
Cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, con trai của vương tử Đà Lôi là Mông Kha lên ngôi Hãn năm 1251. Sau khi giải quyết xong những xáo trộn nội bộ, ông liền tiếp tục cuộc nam chinh. T
rước sức kháng cự còn mạnh của nước Nam Tống, Mông Kha chủ trương đánh chiếm những nước xung quanh Nam Tống để tạo thành thế bao vây từ nhiều hướng, thực hiện nhiều mũi giáp công. Quân Mông Cổ tràn sang Tây Tạng.
Mông Kha tấn công chính diện từ hướng bắc biên giới Tống, lệnh cho em trai ông là Hốt Tất Liệt (Kubilai) cùng tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqatai) đem quân thôn tính nước Đại Lý, với ý đồ chiếm xong Đại Lý sẽ tiến tiếp về nam chiếm luôn Đại Việt, nhằm làm bàn đạp tấn công Nam Tống từ phía sau.
3. Sự sụp đổ của vương quốc Đại Lý. Đại Việt tiếp giáp đế quốc Mông Cổ
Đại Lý là vương quốc của người Di, người Bạch và những tộc người thuộc ngữ hệ Thái khác, nằm ở vùng ngày nay là tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Đại Lý được coi là quốc gia kế thừa của nước Nam Chiếu. Nước Đại Lý thời bấy giờ là một quốc gia yên bình, sùng đạo Phật, quân sĩ không quen việc chinh chiến. Chính vì vậy, họ đã tỏ ra không phải là đối thủ của quân Mông Cổ.
Ban đầu theo kế hoạch của Mông Kha thì Hốt Tất Liệt là tổng chỉ huy đội quân xâm lược Đại Lý, phối hợp với danh tướng Ngột Lương Hợp Thai. Năm 1252, 4 vạn kỵ binh được xếp vào hạng tinh nhuệ bậc nhất của đế quốc Mông Cổ tràn sang lãnh thổ Đai Lý.
Vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ của quân Đại Lý tại thung lũng Nhĩ Hải, quân Mông Cổ bị thiệt hại nặng đến hàng ngàn người. Tuy nhiên, quân Đại Lý chỉ làm được đến vậy. Phòng tuyến của quân Đại Lý bị thất thủ trong vài tuần. Năm 1253, thành Đại Lý – kinh đô vương quốc này thất thủ.
Năm 1256, vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí bị bắt sống, hàng vạn quân còn lại trong quân đội Đại Lý đầu hàng. Đại Lý vong quốc.
Sự diệt vong của vương quốc Đại Lý đã làm chấn động triều đình Đại Việt. Như vậy là lãnh thổ nước ta đã tiếp giáp với đế quốc Mông Cổ ở phía tây bắc.
Chủ trại Quy Hóa tên Hà Khuất chạy trạm cấp báo cho triều đình việc sứ Mông Cổ sắp sang và ý đồ xâm chiếm Đại Việt của Mông Cổ.
Triều đình lập tức ráo riết chuẩn bị chống xâm lược, hạ lệnh cho quân dân cả nước sắm sửa vũ khí. Tháng 9.1257, vua Trần Thái Tông lệnh cho Trần Quốc Tuấn lĩnh nhiệm vụ tiết chế quân thủy bộ tiến ra đóng ở biên giới để đề phòng.
Vốn từ trước đó, triều đình đã nắm được phần nào về tình hình biến chuyển ở phương bắc thông qua lời những thương nhân và người ở biên giới Tống – Việt báo lại. Tuy nhiên chỉ từ khi nước Đại Lý bị diệt thì mối đe dọa mới trở nên thực sự rõ rệt.
Những việc phòng bị trước đó của Đại Việt cũng chỉ là việc thường nhật mà thôi. Quân dân Đại Việt không có nhiều thời gian để chuẩn bị. Bấy giờ Ngột Lương Hợp Thai tranh thủ nhanh chóng sắp đặt lại lực lượng ở Đại Lý. Chẳng bao lâu nữa, quân Mông Cổ sẽ ồ ạt tiến sang.
Còn tiếp...