Hàng tháng, người lao động đi làm công ty phải đóng 03 loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với việc tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng khi đóng từ đủ 20 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Còn với bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đóng bảo hiểm từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ có cơ hội hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 cũng nêu rõ, việc hưởng trợ cấp thất nghiệp không áp dụng với người lao động hưởng lương hưu.
Do đó, để hưởng trọn các quyền lợi về bảo hiểm, người lao động nên nghỉ việc lấy trợ cấp thất nghiệp trước khi đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Vậy nghỉ việc trước khi nghỉ hưu bao lâu thì hợp lý?
Theo Điều 50 Luật Việc làm, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Theo đó, những người lao động gần đến độ tuổi nghỉ hưu cần cân đối thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp để nghỉ làm trước thời điểm nghỉ hưu với thời gian tương ứng nhưng không quá 1 năm.
Chẳng hạn, nếu một người lao động có 10 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng thì có thể nghỉ việc trước 10 tháng. Trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nhiều hơn 12 năm cũng chỉ nên nghỉ việc trước khi nghỉ hưu tối đa 12 tháng bởi thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa trong 1 lần chỉ bằng 12 tháng.
Sau khi hưởng đủ các tháng trợ cấp thất nghiệp thì cũng là lúc người lao động đủ điều kiện về tuổi đời nghỉ hưu. Khi đó, người lao động có thể tự chủ động đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú để làm thủ tục hưởng lương hưu mà không cần làm thủ tục thông qua doanh nghiệp.
Những lợi ích nếu lấy trợ cấp thất nghiệp trước khi lãnh lương hưu
Việc nghỉ làm lấy trợ cấp thất nghiệp trước khi đủ điều kiện nghỉ hưu không chỉ giúp người lao động hưởng trọn quyền lợi về bảo hiểm mà còn đem đến 2 quyền lợi lớn khác.
Cụ thể, người lao động được trả tiền trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc. Theo Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động đã làm việc thường xuyên cho một người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên thì khi nghỉ việc sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó, loại trừ quyền lợi này đối với người đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Do đó, để được chi trả trợ cấp thôi việc, người lao động cần nghỉ việc trước khi đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tương ứng với đó, người nghỉ làm lấy trợ cấp thất nghiệp trước khi đủ điều kiện nghỉ hưu sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc.
Số tiền trợ cấp thôi việc được tính theo thời gian làm việc chưa được đóng bảo hiểm thất nghiệp, với mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Thông thường, người lao động sẽ được chi trả tiền trợ cấp thôi việc tương ứng với thời gian thử việc và thời gian nghỉ thai sản.
Bên cạnh đó, người lao động sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với mức hưởng 80%. Cụ thể, theo khoản 6 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do người lao động đóng nên sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế đã quy định cụ thể về quyền lợi về bảo hiểm y tế đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, người lao động sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh tại tuyến xã và chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% tháng lương cơ sở.
Với trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến, người lao động sẽ được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Các trường hợp còn lại sẽ được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến.